Nhân Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới (10/10), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước tập trung thảo luận xung quanh chủ đề “Sức khỏe tâm thần là quyền phổ quát của con người” nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức, đồng thời thúc đẩy bảo vệ quyền về sức khỏe tâm thần.
Tuyên bố của WHO nhấn mạnh sức khỏe tâm thần đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc của con người, đồng thời khẳng định mọi người đều có quyền được chăm sóc sức khỏe tâm thần, bao gồm quyền được bảo vệ khỏi các rủi ro về sức khỏe tâm thần và được điều trị, chăm sóc tốt.
[Khoảng 15 triệu người Việt Nam bị mắc các rối loạn về tâm thần]
Tuy nhiên, cứ 8 người trên thế giới thì có 1 người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần và ngày càng nhiều thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi các vấn đề này.
Theo Báo cáo Sức khỏe tâm thần thế giới do WHO công bố năm 2022, rối loạn lo âu và trầm cảm là những rối loạn tâm thần phổ biến nhất; cứ 200 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh tâm thần phân liệt.
Trong khi đó, Văn phòng khu vực châu Âu của WHO cũng cảnh báo hệ thống sức khỏe tâm thần của các quốc gia thành viên đang không phù hợp với tình hình thế giới hiện nay.
Theo cơ quan này, tỷ lệ người dân châu Âu mắc các bệnh liên quan sức khỏe tâm thần ngày càng cao, nhưng rất ít người nhận được bất kỳ hình thức chăm sóc hoặc hỗ trợ nào.
Tình trạng này càng trở nên tồi tệ do sự sụt giảm “đáng lo ngại” về số lượng nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe tâm thần trong khu vực.
Từ năm 2017 đến năm 2020, tỷ lệ nhân viên y tế lĩnh vực này đã giảm từ 50 trên 100.000 dân xuống còn khoảng 45.
Trước tình hình này, WHO kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên cần đầu tư và nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần thông qua nhiều loại hình hỗ trợ sức khỏe tâm thần.
Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới được tổ chức vào ngày 10/10 hằng năm nhằm mục đích nâng cao nhận thức của các cơ quan chính phủ, tổ chức xã hội và người dân về tầm quan trọng và tính cấp bách của sức khỏe tâm thần, đồng thời phổ biến kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần./.