Cư dân tại Bangkok vẫn khốn đốn vì lũ lụt kéo dài

Lệnh sơ tán được đưa ra tại ít nhất 16/50 quận huyện tại Bangkok, trong đó 12 quận huyện bị lụt nghiêm trọng cần di dời toàn bộ cư dân.
Ngày 8/11, nước lụt tiếp tục tràn dần tới quận Beung Kum và Bang Kapi ở phía Bắc Bangkok, buộc giới chức Thái Lan phải khuyến cáo một phần cư dân tại đó rời nhà sau khi đã ra lệnh sơ tán cục bộ thêm một số quận khác. Trong khi đó, Thủ tướng Yingluck Shinawatra không dám đảm bảo chắc chắn rằng, khu công nghiệp Bang Chan ở quận Min Buri sẽ an toàn trước “giặc nước,” cho dù chính phủ nỗ lực một cách cao nhất bảo vệ khu công nghiệp này. Đến nay lệnh sơ tán đã được đưa ra tại ít nhất 16/50 quận huyện tại thủ đô của Thái Lan, trong đó có 12 quận huyện bị ngập lụt nghiêm trọng cần di dời toàn bộ cư dân ra khỏi nơi cư trú. Tuy vậy, không phải tất cả mọi người dân trong vùng bị ảnh hưởng đều rời nhà của họ và đây là việc gây khó khăn cho công tác cứu trợ trong trận lụt tồi tệ nhất trong 50 năm qua. Một quan chức cấp cao của chính quyền Bangkok ngày 7/11 nói rằng, có khoảng 800.000 người vẫn trụ lại trong vùng ngập lụt và chính quyền đang cố tìm cách phân phát hàng cứu trợ tới gia đình họ. Nước lụt hiện cũng tràn đến bến xe Mo Chit, nơi bán vé phục vụ hành khách đi các tỉnh miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan, và con đường phía trước Trung tâm đào tạo hàng không dân dụng (CATC) và làm ngập một phần chợ cuối tuần Chatuchak - nơi thu hút rất đông du khách tới thăm. Trước tình hình có thể bị ngập lụt dài ngày, CATC đã đồng ý để các học viên thuộc Sân bay Gia Lâm và Sân bay Tân Sơn Nhất của Việt Nam tạm dừng khóa đào tạo về nghiệp vụ không lưu ở trung tâm để về nước, sau khi mới đến học chừng một tháng rưỡi. Ở nút giao thông sát ngã tư Lat Prao, trên đường vành đai Ratchadaphisek, hành khách đi lại rất khó khăn do các tuyến xe buýt và phương tiện giao thông không thể đi sâu vào vùng lũ lụt. Họ trông chờ vào những chiếc xe gầm cao hoặc thuyền bè hay cano loại nhỏ, khi một số tuyến đường và đoạn đường ở đó trở thành những kênh mương mà “không ai mong muốn có.” Một thanh niên người Thái có tên gọi là Por nói : “Nước đã tràn tới ngã tư Lat Prao trong khoảng một tuần nay, gây khó khăn cho người đi lại. Nhà của tôi ở gần đây, hiện chưa bị ngập nhưng nước từ phía Bắc có thể ập đến trong tuần này.” Điều đáng lo ngại lúc này là ngoài việc đã tàn phá Bangkok và một số tỉnh thành, nước lũ còn có thể tiếp tục tấn công tỉnh Samut Sakhon trước khi thoát ra biển. Tỉnh này, nằm ở phía Tây Nam và giáp thủ đô của Thái Lan, có thể sẽ bị thiệt hại tới 150 tỷ baht (5 tỷ USD) nếu bị ngập lụt trong vòng một tháng, vì tỉnh có tới 5.000 nhà máy và thu hút nửa triệu nhân công. Mưa lớn kéo dài trên diện rộng từ cuối tháng Bảy đã gây ra trận lũ tồi tệ nhất trong vòng 50 năm ở Thái Lan - nơi hiện lũ lụt hoành hành tại 24 trong tổng số 77 tỉnh, ảnh hưởng đến 2,9 triệu người. Theo số liệu của Cơ quan ngăn chặn và giảm nhẹ thảm họa của xứ chùa Vàng, đến thời điểm này đã có 527 người thiệt mạng do lũ lụt và hai người còn mất tích. Say đây là một số hình ảnh xe cộ và thuyền bè tại ngã tư Lat Prao, đường vành đai Ratchadaphisek, Bangkok. (Nguồn ảnh: Ngọc Tiến/Vietnam+)
Cư dân tại Bangkok vẫn khốn đốn vì lũ lụt kéo dài ảnh 1

Cư dân tại Bangkok vẫn khốn đốn vì lũ lụt kéo dài ảnh 2

Cư dân tại Bangkok vẫn khốn đốn vì lũ lụt kéo dài ảnh 3

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục