Cú sốc mới đối với liên minh cầm quyền ở Đức

Một quyết định khá bất ngờ với chính phủ và người dân Đức khi tổng thống đương nhiệm của nước này Horst Koehler tuyên bố từ chức.
Một quyết định khá bất ngờ không chỉ đối với chính phủ liên minh cầm quyền do Thủ tướng Angela Merkel đứng đầu mà với cả người dân Đức là lần đầu tiên trong lịch sử hình thành nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức hơn 60 năm qua, một tổng thống đương nhiệm thuộc Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), đảng nằm trong liên minh cầm quyền, tuyên bố từ chức.

Chiều 31/5, Tổng thống Horst Koehler đã gọi điện thông báo cho Thủ tướng Merkel và ông Guido Westerwelle, cấp phó của bà Merkel, về ý định từ chức của mình.

Hai chính khách này đã ra sức thuyết phục Tổng thống Koehler thay đổi quyết định, song nỗ lực của họ bất thành.

Vài giờ sau đó, Tổng thống Koehler đã chính thức tuyên bố từ chức và thông báo quyết định này có hiệu lực ngay lập tức với lý do có sự thiếu tôn trọng đối với ông và ông đã bị hiểu lầm về một phát biểu đưa ra mới đây.

Sau chuyến thăm các binh sĩ Đức đang đồn trú tại Afghanistan, trả lời phỏng vấn đài phát thanh ngày 22/5, ông Koehler nói rằng "một nước phụ thuộc nhiều vào ngoại thương như Đức phải biết rằng can thiệp quân sự là cần thiết để duy trì các lợi ích."

Phát biểu của ông Koehler ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của dư luận, đặc biệt từ phía các đảng đối lập.

Theo Hiến pháp Đức, người tạm nắm quyền thay thế ông Koehler là Chủ tịch Hội đồng liên bang (Thượng viện) Jens – Boehrnsen của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đối lập.

Trong vòng 30 ngày, Đức sẽ lại thành lập Hội nghị liên bang, vốn được thành lập 5 năm một lần.

1.244 thành viên Hội nghị liên bang, gồm 622 đại biểu Quốc hội liên bang (Hạ viện) và số lượng tương đương đại biểu được bầu từ nghị viện 16 tiểu bang, sẽ gặp nhau để bầu ra tổng thống mới trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 30/6 tới.

Theo giới phân tích, cựu Thủ hiến bang Bayern, ông Edmund Stoiber, một nhân vật kỳ cựu trên chính trường Đức, thành viên đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) - "đảng chị em" với CDU, nhiều khả năng sẽ được liên minh cầm quyền lựa chọn làm ứng cử viên tổng thống.

Mặc dù với tương quan lực lượng hiện tại, không quá khó để liên minh cầm quyền lại có được "người của mình" nắm giữ cương vị tổng thống, song rõ ràng quyết định ra đi của ông Koehler vào thời điểm hiện nay là một đòn nặng giáng vào liên minh cầm quyền vốn gặp nhiều bất ổn sau vụ từ chức gần đây của Thủ hiến bang Hessen Roland Koch - một nhân vật kỳ cựu của CDU.

Chính phủ Đen-Vàng của Thủ tướng Merkel mới tồn tại được gần 8 tháng, song đã gặp quá nhiều rắc rối. Đầu tiên là vụ bê bối "không kích nhầm" ở Afghanistan khiến một bộ trưởng trong nội các buộc phải ra đi.

Trong khi đó, những bất đồng liên miên ngay trong nội bộ liên minh cầm quyền về một loạt vấn đề đối nội như thuế, y tế, kinh tế-tài chính... khiến uy tín của liên minh cầm quyền rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và số đông người dân Đức mong muốn được trở lại thời kỳ liên minh Đỏ-Đen trong các năm 2005-2009.

Đặc biệt, vấn đề cứu giúp Hy Lạp đã đẩy Thủ tướng Merkel rơi vào thế "trên đe, dưới búa."

Trong khi các đồng minh của Đức chỉ trích sự chần chừ của Berlin khiến cuộc khủng hoảng nợ công xuất phát từ Hy Lạp có nguy cơ lan rộng, thì cử tri Đức dọa sẽ "trừng phạt" nếu bà Merkel quyết cứu Athens.

Mặc dù quyết định cứu trợ Hy Lạp rốt cuộc đã được cả hai viện Quốc hội thông qua, song liên minh cầm quyền đã "nếm mùi" thất bại, do sự trừng phạt của cử tri, tại cuộc bầu cử ở tiểu bang Nordrhein Wesfalen, với nguy cơ CDU mất quyền lãnh đạo ở bang này và mất thế đa số tại Thượng viện.

Quyết định trên cũng khiến Thủ tướng Merkel, lần đầu tiên sau nhiều năm nắm giữ cương vị thủ tướng, phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức, thậm chí ngay cả trong nội bộ đảng cầm quyền.

Liệu với cú sốc này, liên minh Đen-Vàng, dưới sự chèo lái của "Người đàn bà quyền lực nhất thế giới" Angela Merkel, có vượt qua được chặng đường chông gai phía trước hay không? Liệu bà Merkel có tìm cách cứu vãn liên minh Đen-Vàng hiện nay hay sẽ hóa giải những bất ổn bằng cách "hất cẳng" đồng minh FDP (Vàng) để trở lại với liên minh với SPD (Đỏ) như tiên đoán của một nhà phân tích au cuộc bầu cử Quốc hội liên bang hồi tháng Chín năm ngoái hay không? Điều đó có lẽ còn phụ thuộc vào những diễn biến tiếp theo trên chính trường Đức cũng như những toan tính chính trị và khả năng quyết đoán của "người đàn bà thép"./.

Thanh Hải (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục