Bầu cử Mỹ: Cử tri phản đối tiền bạc chi phối nền chính trị

Cử tri Mỹ biểu tình phản đối tiền bạc chi phối nền chính trị

Hơn 1.200 người đã bị tạm giữ trong các cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở Quốc hội Mỹ phản đối tình trạng nền chính trị bị tiền bạc chi phối, đặc biệt liên quan tới chiến dịch tranh cử tổng thống.
Cử tri Mỹ biểu tình phản đối tiền bạc chi phối nền chính trị ảnh 1Một cuộc biểu tình diễn ra ngày 18/4. (Nguồn: voanews.com)

Hơn 1.200 người đã bị tạm giữ trong các cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở Quốc hội Mỹ kéo dài suốt tám ngày qua nhằm phản đối tình trạng nền chính trị bị tiền bạc chi phối, đặc biệt liên quan tới các chiến dịch vận động tranh cử tổng thống hiện nay của các ứng cử viên hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Theo cảnh sát, chỉ riêng trong ngày 18/4 đã có khoảng 300 đối tượng bị bắt giữ tại khu vực Đồi Capitol, nơi trụ sở Quốc hội Mỹ tọa lạc. Đa phần các đối tượng bị cáo buộc tụ tập trái phép và gây rối, không chấp hành yêu cầu của lực lượng an ninh.

Cuộc biểu tình kéo dài tám ngày này được phát động trên phạm vi toàn nước Mỹ, thu hút hàng nghìn người tham gia. Theo các nhà tổ chức, có khoảng 260 nhóm biểu tình đến từ khắp nước Mỹ đã tụ tập tại Đồi Capitol những ngày qua.

Với những biểu ngữ "Money out, people in" (tạm dịch "Tiền ra, người vào"), những người biểu tình phản đối một phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ năm 2010 mà họ cho là thiếu công bằng và hối thúc Quốc hội thông qua các điều luật đảm bảo mọi cử tri Mỹ đều bình đẳng.

Theo phán quyết, các siêu Ủy ban Hành động Chính trị (PAC) không còn bị giới hạn trong việc gây quỹ tranh cử, đồng nghĩa với việc các tập đoàn có thể thoải mái sử dụng tiền bạc của mình để tác động tới chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên, qua đó có những ảnh hưởng nhất định tới nền chính trị Mỹ.

Trước đó, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Bernie Sanders cũng đã chỉ trích việc hàng tỷ USD từ những người giàu có nhất nước Mỹ đang được đổ vào chiến dịch vận động tranh cử tổng thống hiện nay. Theo ông, các siêu PAC vốn hoạt động độc lập với các ứng cử viên đang ngày càng có nhiều tiền và có tầm ảnh hưởng đối với các chiến dịch tranh cử hơn bản thân các ứng cử viên.

Theo một báo cáo của tờ Thời báo New York số ra tháng 10/2015, một nửa trong số 176 triệu USD mà các ứng cử viên tổng thống gây quỹ được đến từ 158 gia tộc Mỹ, mức độ tập trung lớn chưa từng thấy kể từ thập niên 70 của thế kỷ trước.

Một nghiên cứu của Đại học Princeton năm 2014 cũng chỉ ra rằng những nhóm người đứng đầu về kinh tế và các nhóm có tổ chức đại diện cho các lợi ích của doanh nghiệp đang có ảnh hưởng lớn đến các chính sách của Nhà Trắng. Trước thực trạng này, các nhà phân tích cảnh báo tiền bạc thao túng nền chính trị không chỉ hủy hoại nền dân chủ mà còn khoét sâu sự chia sẻ trong xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục