Bà Nguyễn Thị Bích Hợp, cán bộ hưu trí Khu chung cư Linh Đàm (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) cho biết, qua theo dõi phiên thảo luận sáng 27/5, bà đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Lê Như Tiến, chính phủ cần quan tâm hơn nữa trong việc chống tiêu cực, chống thất thoát, lãng phí trong khai thác tài nguyên, khoáng sản, quản lý đất đai và điện năng. Thay cho việc phát triển các khu vui chơi, giải trí, sân golf, nhà văn phòng…, chính phủ cần ưu tiên hàng đầu để tập trung phát triển ngành điện vì điện là tiền đề phát triển hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Tỵ, huyện Quốc Oai cho rằng, tình trạng thiếu điện đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Mặc dù Nhà nước đã tập trung xây dựng thêm nhiều nhà máy điện, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng. Nên chăng chính phủ có thể dừng đầu tư xây dựng một số dự án lớn, chưa thật cần thiết, sử dụng một lượng tiền ngân sách rất lớn như xây dựng những tuyến đường cao tốc, các trung tâm thương mại lớn, mà tập trung ưu tiên hơn nữa cho lĩnh vực năng lượng quan trọng này.
Cử tri Phạm Thị Nhiễm (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng Quốc hội cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề quy hoạch. Có nhiều thửa đất vẫn bỏ hoang, rất lãng phí, vì không được phép xây dựng, bán không có người mua, Nhà nước thì chưa dùng đến.
Đại biểu Nguyễn Khắc Cường (giảng viên Đại học Đông Á) tại Đà Nẵng tán thành với giải pháp của chính phủ trong việc tập trung vào vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, kiểm soát thâm hụt ngân sách, cán cân thương mại. Đây chính là cơ sở để nền kinh tế tiếp tục phát triển ở những năm tiếp theo. Ông nhất trí với ý kiến của đại biểu Trương Văn Vở (Đông Nai) là chính phủ cần sớm xây dựng đề án về tái cấu trúc nền kinh tế để có kế hoạch phát triển kinh tế một cách bền vững.
Ông Trương Trỗ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng lo lắng nhiều vấn đề khác. Ông Trỗ cho rằng, vấn đề bội chi ngân sách năm 2009 quá cao khiến cho người dân không an tâm. Giải pháp chính là cần phải chấn chỉnh những yếu kém trong công tác dự báo của chính phủ, công tác kiểm tra, thẩm tra của các cơ quan chuyên môn tại Quốc hội… Để dự báo chính xác cần phải có nhiều kênh chứ không thể là kênh dự báo riêng của các cơ quan quản lý nhà nước. Chính phủ cũng cần quản lý chặt giá cả, nhất là việc không để lợi ích cục bộ của một số tập đoàn kinh tế như xăng dầu, điện lực chi phối, tác động xấu đến giá cả chung của cả nước, làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia.
Cần đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Vĩnh Hưng, nông dân ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, Lâm Đồng khi theo dõi phiên họp Quốc hội sáng 27/5. Ông Hưng cho rằng, ý kiến của các đại biểu tại diễn đàn Quốc hội đã thể hiện rõ nguyện vọng của người dân.
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng, cử tri Hoàng Xuân Thanh hoàn toàn nhất trí với nhiệm vụ của chính phủ đưa ra là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế vững chắc. Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội, có các giải pháp để giảm nghèo một cách bền vững; cần ban hành chuẩn nghèo cho phù hợp; có cơ chế về vốn vay đối với hộ nghèo.
Đại biểu Ya Duc, Lâm Đồng cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp, ngân hàng vẫn chưa đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu như mong muốn của chính phủ. Trong thời gian tới, chính phủ cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp nông dân, người nghèo… không nên hỗ trợ thông qua các doanh nghiệp.
Theo đại biểu Hoàng Văn Đương (xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang), quan trọng là phải giúp người nông dân giảm nghèo bền vững, “tận gốc." Hiện nay, biện pháp xóa nghèo ở nhiều địa phương mới chỉ mang tính “tình thế."
Cử tri Nguyễn Văn Tỵ, cán bộ hưu trí (tổ 6, phường Tân Quang, thị xã Tuyên Quang) nhận xét, Quốc hội, chính phủ cũng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ việc cấp phép, quản lý khai thác khoáng sản. Thực tế tại nhiều địa phương, trong quá trình khai thác, các doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận không tuân thủ đúng quy trình khai thác, hậu quả để lại là ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự... Về công tác di dân tái định cư để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi xã hội, Quốc hội, chính phủ cần sớm có những giải pháp đồng bộ về lao động, việc làm để ổn định cuộc sống người dân.
Tại phiên thảo luận sáng 27/5, các đại biểu cũng đã thẳng thắn góp ý với báo cáo của chính phủ xung quanh vấn đề lễ hội.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) phản ánh mong muốn của nhiều người dân "lễ ra lễ, hội ra hội," phải thể hiện được những nét tinh túy của lễ hội xưa, là nơi người dân gửi gắm những tình cảm, ước muốn. Các ngành chức năng cần chấn chỉnh kịp thời những hành vi mê tín dị đoan, thiếu văn hóa tại các lễ hội để lễ hội thực sự là một sinh hoạt văn hóa lành mạnh của mọi người dân./.