Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Cuba là nước đứng đầu thế giới về mức độ đầu tư cho giáo dục, chiếm 12,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
WB khẳng định kể cả các quốc gia phát triển nhất trên thế giới cũng không có mức độ đầu tư cho công tác “trồng người” cao như Cuba.
Đứng sau đảo quốc Caribe này về tỷ lệ ngân sách giáo dục/GDP là Timor Leste (11,3%) và Đan Mạch (8,7%).
Tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Bolivia xếp thứ hai sau Cuba với mức đầu tư giáo dục chiếm 7,6% GDP.
Trong số các nền kinh tế lớn nhất khu vực, Brasil và Argentina cùng có tỷ lệ 5,8%, trong khi chỉ số này của Mexico là 5,2%.
Mặc dù đứng đầu thế giới về lượng ngân sách dành cho giáo dục, nhưng xét về tỷ lệ, Mỹ chỉ giữ vị trí khá khiêm tốn trên thế giới với 5,4%.
Chỉ số trên tại một số quốc gia phát triển khác lần lượt là Vương quốc Anh (6,2%), Pháp (5,9%), Canada (5,5%), Đức (5,1%), Tây Ban Nha (5%) và Italy (4,5%).
Năm 2014, WB cũng đã ca ngợi hệ thống giáo dục Cuba đạt tiêu chuẩn thế giới với chất lượng học thuật xuất sắc, hiệu quả cao, thu nhập của giáo viên luôn cao hơn so với trung bình xã hội và có trình độ phát triển ngang bằng với các nền giáo dục tiên tiến như của Phần Lan, Singapore, Hàn Quốc, Hà Lan và Canada.
Tại Cuba, hệ thống giáo dục hoàn toàn miễn phí luôn là một ưu tiên hàng đầu trong chính sách nhà nước. Nhờ đó, bất chấp những khó khăn kinh tế - xã hội do cuộc bao vây cấm vận của Mỹ, tỷ lệ người biết chữ của đảo quốc này vẫn đạt tới 99,8% và tỷ lệ trẻ em nhập học đạt 99,7%, cao nhất Mỹ Latinh.
Trong một nghiên cứu giáo dục đại học 13 nước Mỹ Latinh năm 2013, UNESCO cũng khẳng định trình độ trung bình của sinh viên Cuba cao nhất trong số các nước này, và thông thường, một sinh viên Cuba có chỉ số kiến thức và kỹ năng cao gấp đôi so với sinh viên các nước khác tại Mỹ Latinh./.