Cúm A/H1N1 có thể kết hợp với H5N1

Trong bối cảnh virus cúm A/H1N1 đã "gõ cửa" châu Á, nơi virus cúm gia cầm H5N1 từng hoành hành và vẫn tồn tại cho đến nay, nhiều nhà khoa học thế giới đang tỏ ra lo ngại về nguy cơ xảy ra kịch bản hai loại virus này "kết hợp" thành một chủng virus mới nguy hiểm hơn.

Trong bối cảnh virus cúm A/H1N1 đã "gõ cửa" châu Á, nơi virus cúm gia cầm H5N1 từng hoành hành và vẫn tồn tại cho đến nay, nhiều nhà khoa học thế giới đang tỏ ra lo ngại về nguy cơ xảy ra kịch bản hai loại virus này "kết hợp" thành một chủng virus mới nguy hiểm hơn.

Điều gì sẽ xảy ra khi virus H5N1, vốn không dễ truyền từ người sang người nhưng gây tỉ lệ tử vong cao (60% số ca nhiễm bệnh bị chết), "gặp" virus A/H1N1, một chủng không quá nguy hiểm đối với tính mạng con người nhưng lại dễ truyền từ người sang người?

Mặc dù chưa rõ cách thức tổ hợp gien giữa hai loại virus  này, song các nhà khoa học cho biết cả hai loại đều có khả năng đặc biệt là "chộp" gien biến đổi từ các chủng virus  khác. Nếu kịch bản tổ hợp gien xảy ra, "con lai" của virus  A/H1N1 và H5N1 sẽ có khả năng lây lan nhanh trên diện rộng và gây tỉ lệ chết người cao.

Tiến sĩ Robert Webster, chuyên gia virus  hàng đầu thuộc nhóm nhà khoa học Mỹ từng phát hiện ra "thủy tổ" của virus A/H1N1 tại một trại nuôi lợn ở bang North Carolina, Mỹ năm 1998, cảnh báo thế giới có thể sẽ phải đối mặt với một "vấn đề thực sự" khi virus  cúm A/H1N1 lan đến các tâm điểm có dịch cúm gia cầm H5N1 như Indonesia, Ai Cập và Trung Quốc.

Đến nay, các trường hợp nhiễm virus cúm A/H1N1 đã được xác nhận ở Hàn Quốc và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Trung Quốc.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 6/5 vừa qua thông báo có 2 trường hợp mới nhiễm virus H5N1 ở Ai Cập và Việt Nam, chứng tỏ chủng virus  này chưa "biến" khỏi những nơi nó từng hoành hành vài năm trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục