Cụm công nghiệp "treo", doanh nghiệp chờ mòn mỏi

Các cụm công nghiệp ở Lệ Thủy, Quảng Bình, được phê duyệt từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn là bãi đất trống, thành nơi tập kết rác thải.
Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Cam Liên, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, sau 4 năm được phê duyệt đến nay vẫn là bãi đất trống, trở thành địa điểm tập kết rác thải của người dân.

Đây cũng là thực trạng chung của cả 4 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Cam Liên, Sen Thủy, Sơn Thủy và Thạch Bàn của huyện Lệ Thủy.

Các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp kể trên ở Lệ Thủy được phê duyệt từ năm 2007 với quy mô diện tích 150-250ha, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 30 tỷ đồng.

Mục đích của tỉnh Quảng Bình là đưa các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các cơ sở sản xuất gây mô nhiễm môi trường ở huyện Lệ Thủy vào một khu riêng biệt nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất.

Tuy nhiên 4 năm qua, ngay cả nơi có vị trí giao thông thuận tiện như cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Cam Liên cũng chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng.

Nguyên nhân của tình trạng này là do Quảng Bình bị cắt nguồn hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Trung ương. Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng không hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng như san lấp mặt bằng, kéo đường dây điện, nước... mà chỉ chấp nhận đầu tư khi các doanh nghiệp đăng ký lấp đầy được 2/3 diện tích.

Thực tế này rất khó thực hiện bởi các doanh nghiệp không dám mạo hiểm đăng ký khi mà cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lại chưa có thông báo giá thuê đất, chưa có quy chế hoạt động rõ ràng, trong khi đó ngân sách của địa phương không thể gánh vác nổi.

Các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bị "treo" đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là những cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.

Đã có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu cầu mở rộng và phát triển sản xuất bằng cách di dời cơ sở sản xuất đến cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung, điển hình như công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoa Việt, công ty Trách nhiệm hữu hạn Trần Tân chuyên sản xuất gạch Blốc, công ty Trách nhiệm hữu hạn chế biến gỗ Thiên Văn...; thậm chí có những doanh nghiệp chấp nhận mạo hiểm đăng ký sản xuất tại cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Cam Liên, nhưng chờ mãi không thấy đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng nên họ cũng rút lui.

Ông Võ An Ninh, Phó Chủ tịch huyện Lệ Thủy cho biết, toàn huyện có gần 3.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 5 làng nghề truyền thống, 20 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ đá. Đa số các cơ sở này chủ yếu sản xuất tại nhà, nên nhu cầu mở rộng và phát triển sản xuất trên địa bàn huyện là rất lớn.

Việc chậm trễ trong đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản tại các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Lệ Thủy đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của huyện./.

Trịnh Duy Hưng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục