Cung-cầu phân bón trong nước ổn định, giá vẫn giảm so với năm ngoái

Thị trường thế giới và thời vụ đang ảnh hưởng đến giá phân bón trong nước. Đợt tăng giá phân bón này có thể kéo dài đến vụ Đông Xuân, vụ sản xuất chính nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là lúa gạo.
Cung-cầu phân bón trong nước ổn định, giá vẫn giảm so với năm ngoái ảnh 1Sản xuất phân bón của cả nước đạt khoảng 20,7 triệu tấn/năm. (Ảnh: Vietnam+)

Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hôm nay 29/9, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết mặc dù giá phân bón thời gian gần đây tăng nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cán cân cung-cầu phân bón trong nước vẫn đang ổn định.

Diễn biến thị trường cho thấy sau khi Trung Quốc có động thái hạn chế xuất khẩu ure, Nga cũng ngừng ưu đãi giá cho phân bón xuất khẩu sang Ấn Độ, giá phân bón trong nước đã bắt nhịp với thị trường thế giới. Thêm vào đó, giá nhiều loại nông sản như gạo, càphê… neo cao kéo theo việc nông dân mở rộng sản xuất có thể sẽ tạo thêm đà tăng cho giá phân bón trong nước quý 4. Tuy nhiên, giá có thể sẽ không tăng nóng như câu chuyện cách đây 1, 2 năm trước.

[Cung vượt cầu, giá phân bón ure trong nước sẽ biến động ra sao?]

Theo bà Hương, từ năm 2021, giá phân bón biến động nhiều lần và nếu so sánh với các mốc thời gian trước đây thì giá đã giảm rất sâu. Đến nay, giá phân ure tháng 9/2023 giảm 32-45% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu so sánh với mức kỷ lục thiết lập hồi 4/2023, mức giá này thấp hơn hơn khoảng 50-60%, giá phân ure khoảng 9.900-11.200 đồng/kg. Giá phân DAP và kali cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoài mặc dù có ảnh hưởng bởi biến động từ các nước.

Đặc biệt, bà Hương cho biết Việt Nam vẫn đang chủ động được nguồn cung phân bón. Tổng công suất thiết kế sản xuất phân bón của cả nước đạt khoảng 20,7 triệu tấn, trong đó phân bón vô cơ là 16,1 triệu tấn, hữu cơ là 4,6 triệu tấn và nhập khẩu khoảng 3-4 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ phân bón hàng năm là 10,4 triệu tấn/năm, trong đó, tiêu thụ phân bón vô cơ 7,6 triệu tấn/năm.

Cung-cầu phân bón trong nước ổn định, giá vẫn giảm so với năm ngoái ảnh 2Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật chia sẻ về tình hình sản xuất, giá phân bón. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy 4 nhà máy phân ure lớn của Việt Nam sản xuất khoảng 2,6 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Trong tháng Tám vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 158.000 tấn phân bón, tăng 12% so với tháng Bảy, đây cũng là mức cao nhất trong 8 tháng đầu năm.

“Mặc dù giá đã giảm và chúng ta vẫn cần chủ động trong cung-cầu phân bón, nhưng vẫn không thể chủ quan trước những biến động bên ngoài,” bà Nguyễn Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Đại diện Cục Bảo vệ Thực vật cho biết trong thời gian tới, cơ quan này sẽ thực hiện loạt giải pháp để ngăn chặn tình hình đầu cơ tăng giá, ổn định thị trường phân bón. Theo đó, cơ quan này sẽ phối hợp với Hiệp hội phân bón, Bộ Công Thương để làm việc với các đơn vị sản xuất phân bón lớn, đặc biệt là 4 nhà máy sản xuất urê trong việc điều tiết sản xuất, nâng cao tính ổn định công suất sản xuất, đảm bảo nguồn cung trong nước.

Đối với những tình hình cụ thể, các nhà máy ưu tiên cho tiêu thụ trong nước hơn là xuất khẩu. Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tiếp tục tập huấn sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm, đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ, giảm áp lực về phân bón thương mại.

Cục Bảo vệ Thực vật sẽ phối hợp với Tổng Cục Quản lý Thị trường để tăng thanh kiểm tra chất lượng, ngăn chặn hiện tiện đầu cơ tích luỹ cục bộ, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất người dân.

Cung-cầu phân bón trong nước ổn định, giá vẫn giảm so với năm ngoái ảnh 3 Nhu cầu tiêu thụ phân bón hàng năm là khoảng 10,4 triệu tấn/năm. (Ảnh: Vietnam+)

Từ đầu tháng 9/2023 đến nay, giá phân bón băt đầu có xu hướng tăng. Tuy nhiên, mức tăng của giá các loại phân bón không đột biến như giai đoạn xung đột chính trị, khủng hoảng năng lượng.

Với các biến động giá phân bón thế giới, thị trường ure trong nước cũng ghi nhận tăng giá. Giá ure Cà Mau ngày 20/9 vừa qua giao tại nhà máy là 11.200 đồng/kg; ure Phú Mỹ giao tại Sài Gòn-Long An có giá 11.000 đồng/kg; ure Ninh Bình giao tại nhà máy có giá 9.500 đồng/kg, ure Hà Bắc giao tại nhà máy 9.900 đồng/kg. Như vậy, giá ure trong nước đã tăng lên theo chiều tăng của giá thế giới.

Tính đến ngày 28/9, giá ure Cà Mau tăng khoảng 18% so với mức đáy ít nhất 2 năm hồi tháng 7 lên 10.000-11.000 đồng/kg. Đà tăng mạnh hơn sau khi Trung Quốc, nước sản xuất và tiêu thụ ure hàng đầu thế giới yêu cầu một số công ty sản xuất phân bón dừng xuất khẩu  mặt hàng này hồi đầu tháng 9, sau khi giá trong nước tăng vọt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục