Cung ứng đủ hàng hóa Tết Ất Mùi, tránh đầu cơ tăng giá

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải yêu cầu doanh nghiệp có kế hoạch tích trữ lương thực, thực phẩm… để chuẩn bị cho Tết 2015.
Cung ứng đủ hàng hóa Tết Ất Mùi, tránh đầu cơ tăng giá ảnh 1(Ảnh minh họa: Quang Quyết/TTXVN)

Mặc dù còn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng mặt tiền và khu trưng bày ở nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã được làm mới để dễ dàng lưu thông lúc cao điểm.

Để tránh xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp Tết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải yêu cầu, doanh nghiệp cần có kế hoạch tích trữ đầy đủ những mặt hàng như lương thực, thực phẩm, rau củ quả và thủy sản… ngay từ bây giờ tránh đầu cơ, tăng giá bất hợp lý trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2015.

Chủ động nguồn hàng

Càng cận kề thời điểm cuối năm, một số thị trường có nhu cầu tiêu dùng lớn càng triển khai mạnh mẽ kế hoạch chuẩn bị hàng Tết. Tiên phong là Sở Công Thương thành phố Hà Nội tích cực chỉ đạo các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa có giá trị gần 8.000 tỷ đồng, tập trung vào các sản phẩm thiết yếu như lương thực, thực phẩm, bánh mứt rượu, quần áo. So với tết năm ngoái, giá trị hàng hóa tăng cao hơn khoảng 1.500 tỷ đồng.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội: Đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thương mại đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh hàng hóa.

Hầu hết các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 10-15% so với các tháng trong năm, tổ chức bán ra thị trường đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tình trạng tồn đọng hàng hóa sau Tết.

Đặc biệt, Sở đã tham mưu với thành phố tổ chức hội chợ hoa, đồng thời có công tác kiểm tra các Hội chợ triển lãm, tổ chức chỉ đạo các doanh nghiệp để Tết 2015 sẽ an toàn, vui tươi và đầy đủ hàng hóa đảm bảo chất lượng cũng như số lượng phục vụ.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: Đây là năm thứ hai, thành phố không thực hiện việc ứng vốn ngân sách cho doanh nghiệp trong chương trình bình ổn vay với lãi suất 0% để chuẩn bị hàng hóa. Tuy nhiên các doanh nghiệp đã rất chủ động trong việc huy động mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cung ứng cho thành phố.

Điển hình là một số doanh nghiệp như Ba Huân, Vissan, Vĩnh Thành Đạt, Phạm Tôn, San Hà... Tuy nhiên, dự kiến sức mua năm nay chỉ bằng hoặc thấp hơn so với cùng thời điểm năm ngoái.

Đây chính là những yếu tố khiến doanh nghiệp cân nhắc giải bài toán dự trữ đảm bảo cầu mà không ế hàng. Hòa mình vào không khí chuẩn bị hàng hóa đón chào năm mới kế hoạch dự trữ nguồn hàng Tết từ các doanh nghiệp cũng được chuẩn bị từ rất sớm.

Theo ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tổng công ty đã tham gia chương trình bình ổn từ nhiều năm nay. Dù vốn cho bình ổn mỗi năm đều giảm đi, nhưng việc sử dụng vốn đều có kiểm soát. Hơn nữa, để cung ứng hàng hóa bình ổn cho người tiêu dùng đạt hiệu quả cao nhất nên Tổng công ty đã sớm đặt cọc và ký kết đặt hàng tại địa phương từ nhiều tháng trước nên đảm bảo giá đầu vào, góp phần bình ổn giá tốt hơn trong dịp Tết.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên hệ thống Co.op Mart, để chuẩn bị cho chương trình bình ổn thị trường và Tết sắp tới, hệ thống siêu thị Co.op Mart và mạng lưới bán lẻ của siêu thị trên 37 tỉnh thành phố đã chuẩn bị khẩn trương và tích cực. Việc bình ổn giá Tết đã được Co.op Mart quán triệt và thực hiện cả năm theo chủ trương thành phố.

Hiện Co.op Mart đã đàm phán với các nhà cung cấp thành chương trình hợp tác thường xuyên và đặc biệt là các nhà cung cấp làm nhiệm vụ cung cấp sản phẩm bình ổn giá làm các nhà cung cấp chiến lược.

Cùng đó, Co.op Mart đã có chương trình đặt hàng theo từng quý, từng tháng, vào mùa thấp điểm, cao điểm, kế hoạch hợp tác, kế hoạch marketting, ứng vốn như thế nào để triển khai, đảm bảo có đủ nguồn hàng tham gia phục vụ Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015.

Cam kết không để "sốt" giá

Để người dân trên địa bàn, nhất là nhóm có thu nhập trung bình, thu nhập thấp có một cái Tết trọn vẹn, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định, ngành Công thương Hà Nội sẽ duy trì lượng hàng dồi dào, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo và cam kết không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán, ngoài 600 điểm bán hàng bình ổn giá, các doanh nghiệp thương mại còn tổ chức 1.600 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng, các bếp ăn trong khu công nghiệp, trường học, công ty, đảm bảo giá bán ổn định theo giá đã được Sở Tài chính chấp thuận.

Ngoài ra, Sở cũng đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường đẩy mạnh kiểm tra thị trường để đảm bảo thị trường lành mạnh phục vụ nhân dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo quy luật, dịp cuối năm thường xảy ra tình trạng một số mặt hàng có mức tiêu thụ cao bị đẩy giá lên. Do vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải yêu cầu, các doanh nghiệp chủ động, linh hoạt trong điều tiết cung cầu nhằm bình ổn thị trường, bình ổn giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.

Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục chủ trì điều tiết cân đối cung - cầu đối với từng mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời có biện pháp điều tiết, bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Thời điểm cuối năm cũng là dịp để các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng trốn lậu thuế hoành hành.

Vì thế, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị lực lượng Quản lý thị trường phải thường xuyên kiểm tra kiểm soát thị trường, nhất là việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, cũng như tăng cường chống hàng lậu, hàng giả để nhân dân đón Tết Ất Mùi 2015 trong đầm ấm, yên vui./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục