Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS) ngày 19/10 đăng bài bình luận có tiêu đề “Quan hệ giữa Tổng thống Jokowi và tổ chức Hồi giáo lớn nhất Indonesia, Nahdlatul Ulama, đang rạn nứt” của tiến sỹ Ahmad Najib Burhani, nghiên cứu viên thuộc chương trình Nghiên cứu Indonesia của ISEAS.
Trong bài viết, tác giả đã chỉ ra những bất đồng gay gắt giữa Tổng thống Jokowi Widodo và tổ chức Hồi giáo lớn nhất tại Indonesia trong nhiều vấn đề lớn của quốc gia. Những bất đồng này đang có nguy cơ chia rẽ quan hệ giữa tổng thống với các nhóm Hồi giáo lớn tại nước này.
Nội dung bài viết cụ thể như sau:
Nahdlatul Ulama (NU) là tổ chức Hồi giáo lớn nhất tại Indonesia từng ủng hộ hết mình cho chính phủ của Tổng thống Joko Widodo (Jokowi). Tuy nhiên, những động thái gần đây của NU đối với quyết định của Tổng thống Jokowi trong việc gây sức ép để tổ chức cuộc bầu cử địa phương và hối thúc Hạ viện Indonesia thông qua dự luật Omnibus, một dự luật về lao động và thu hút đầu tư, đang gây tranh cãi và kích động sự phản đối từ đại bộ phận người lao động Indonesia…
Tất cả cho thấy mối quan hệ giữa ông Jokowi và tổ chức Hồi giáo lớn nhất, uy tín nhất tại Indonesia, đang có những rạn nứt nghiêm trọng, là chỉ dấu cho một cuộc “chia tay” được báo trước.
Kể từ khi Tổng thống Jokowi công bố nội các mới trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của mình vào ngày 23/10/2019, NU đã dần rời xa tổng thống. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ việc NU không được trao các vị trí trong nội các của Tổng thống Jokowi như NU từng mong đợi.
Sau khi ủng hộ hết mình cho ông Jokowi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2019, NU đã kỳ vọng rằng Tổng thống Jokowi sẽ bổ nhiệm một trong những nhân vật quan trọng của NU vào vị trí Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Indonesia.
Tuy nhiên, trái ngược với mong muốn này của NU, Tổng thống Jokowi lại lựa chọn Fachrul Razi, một nhân vật có mối liên hệ thân thiết với quân đội Indonesia cho vị trí này.
Sau khi nội các mới của Tổng thống Jokowi được thông báo chính thức, tuyên bố của các nhà lãnh đạo NU, chẳng hạn như Said Agil Siradj, đã cho thấy sự pha trộn giữa thất vọng và thờ ơ đối với những gì tổng thống sẽ làm trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, bao gồm cả dự án tiêu diệt chủ nghĩa cực đoan và các phần tử khủng bố.
Thái độ này đi ngược lại bản chất của NU: Sẽ không thể tưởng tượng nổi nếu NU không quan tâm đến chủ nghĩa cấp tiến tại Indonesia, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chủng tộc bị ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng của Chủ nghĩa Salafi-Wahab.
Rốt cuộc, một trong những lý do thành lập và tồn tại của NU là để phản đối sự truyền bá của học thuyết Wahhabism. Nó có thể được hiểu từ các tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo NU sẽ không hợp tác với Jokowi như họ đã từng làm trước đây.
[Xu hướng phân cực chính trị làm xói mòn nền dân chủ Indonesia]
Hiện tại, mối quan hệ của NU với chính phủ của Tổng thống Jokowi đã chuyển sang một bước ngoặt khác, đặc biệt là đối với chính sách gây tranh cãi sau này về việc chính phủ cố tình tổ chức cuộc bầu cử địa phương và hối thúc Hạ viện Indonesia thông qua dự luật Omnibus.
Trong bối cảnh đó, NU đứng lên tỏ rõ quan điểm phản đối và thách thức chính phủ của Tổng thống Jokowi.
Trong các cuộc bầu cử địa phương, NU luôn có một nền tảng vững chắc vì NU nắm giữ phần lớn các tín đồ Hồi giáo tại Indonesia, một quốc gia có hơn 85% người dân theo đạo Hồi. Số người chết vì đại dịch COVID-19 đã vượt quá 11.000 người, tuy nhiên chính phủ của ông Jokowi vẫn quyết định gây sức ép để tổ chức cuộc bầu cử địa phương dự kiến diễn ra vào ngày 9/12/2020.
Chính phủ đã thực sự bị choáng váng bởi những tác động, ảnh hưởng to lớn của đại dịch COVID-19, nhưng chính sự giúp đỡ của các tổ chức Hồi giáo như NU đã chia sẻ gánh nặng của chính phủ trong việc giảm nhẹ tác động của đại dịch.
Các tổ chức quần chúng này đã chung sức cùng chính phủ chấn an người dân, hướng dẫn các tín đồ của họ tuân theo các quy trình phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tránh các nghi lễ Hồi giáo trong thời gian đại dịch bùng phát. Họ đã chuyển đổi bệnh viện của mình để chính phủ điều trị các trường hợp mắc COVID-19 và chuyển hầu hết các hoạt động của mình thành các hoạt động nhân đạo nhằm giảm nhẹ tác động của đại dịch…
Ban đầu, cuộc bầu cử địa phương dự kiến được tổ chức vào tháng 9/2020. Chính phủ sau đó dời cuộc bầu cử này sang tháng 12/2020, dựa trên giả định rằng đại dịch sẽ kết thúc vào cuối năm 2020. Giả định này dường như dựa trên hy vọng nhiều hơn là thực tế.
Việc chính phủ kiên trì thúc đẩy trước các cuộc bầu cử đã khiến nhiều người tức giận vì đại dịch vì thế càng có thêm cơ hội bùng phát khi người dân tụ tập đông người để bỏ phiếu. Bất chấp những lời biện minh của Tổng thống Jokowi rằng mạng sống của người dân luôn quan trọng hơn vấn đề chính trị và kinh tế, nhưng thực tế cho thấy việc tiến hành cuộc bầu cử địa phương sẽ chỉ dẫn đến những cuộc tụ tập đông người và thiếu sự giãn cách xã hội trong thời điểm dịch bệnh chưa có dấu hiệu được kiểm soát tại Indonesia.
Học giả Hồi giáo Azyumardi Azra cho rằng chính phủ của ông Jokowi không đủ quan tâm và đã làm tổn hại đến cuộc sống của người dân.
Phản ứng trước sự quyết tâm tổ chức các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 12/2020 của chính phủ, ngày 20/9, NU đã đưa ra một tuyên bố chính thức, trong đó yêu cầu chính phủ và Ủy ban Tổng tuyển cử phải hoãn cuộc bầu cử địa phương bằng mọi giá, chờ cho đến khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh này được kiểm soát. Bởi vì theo lập luận của NU, ngay cả với các quy trình nghiêm ngặt về sức khỏe, việc tránh nguy cơ lây nhiễm trong các đám đông sẽ rất khó khăn.
Trước cuộc bầu cử địa phương, chính phủ của ông Jokowi còn gây ra một cuộc tranh cãi khác khi cố gắng thông qua một dự luật lao động mới với tên gọi Omnibus hôm 5/10. Mặc dù Omnibus đã bị đại bộ phận người lao động tại Indonesia và các nhóm Hồi giáo tại quốc gia này phản đối mạnh mẽ, nhưng chính phủ của ông Jokowi vẫn không lùi bước.
Học giả Azyumardi Azra cho rằng quy trình thông qua luật Omnibus là một thiếu sót nghiêm trọng và rất tai tiếng vì nó đã vi phạm quy trình dân chủ truyền thống tại Indonesia và người dân đã không được tiếp cận dự thảo cuối cùng của Omnibus trước khi Hạ viện Indonesia thông qua. Omnibus là một bộ luật lao động mới, sửa đổi hơn 77 điều quy định, bao gồm một điều khoản về ngân hàng shari’a (ngân hàng Hồi giáo).
Lập luận của chính phủ là Omnibus sẽ thúc đẩy đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sự phát triển kinh tế chậm chạp của Indonesia.
Ngày 8/10, NU đã đưa ra một tuyên bố chính thức, trong đó nhấn mạnh rằng họ “lấy làm tiếc” vì luật Omnibus đã được thông qua một cách “vội vàng và thiếu minh bạch”; Omnibus không đáp ứng được nguyện vọng của công chúng. Việc thông qua một đạo luật có phạm vi rộng như vậy đòi hỏi phải có thời gian, thận trọng và “sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan”. NU cho rằng đây là điều tồi tệ được thực hiện trong khi đất nước đang trong cơn đại dịch và đây chính là một “hình thức thực hành tồi tệ của nhà nước."
Thách thức của NU đối với chính phủ về hai vấn đề trên đã tạo nên phần nổi của tảng băng chìm. Trước đó, các nhà lãnh đạo NU đã chỉ trích việc chính phủ của ông Jokowi thúc đẩy sửa đổi Luật xóa bỏ tham nhũng (KPK) tại Indonesia và việc xem xét dự luật về hướng dẫn tư tưởng Pancasila (HIP).
Những lý do đằng sau lập trường chính trị của NU bị cho là xuất phát từ nỗi thất vọng về vị trí bộ trưởng các vấn đề tôn giáo. Nhiều ý kiến cho rằng NU là một tổ chức Hồi giáo luôn đủ mạnh để tham gia các hoạt động chính trị tại Indonesia vì NU có nhiều phe phái, bên cạnh phe trong ban lãnh đạo trung ương, còn có một phe trong Đảng thức tỉnh quốc gia (PKB) và một phe liên kết với Đảng Phát triển Thống nhất (PPP), thậm chí còn có các phe phái từ các trường nội trú Hồi giáo, những tổ chức tôn giáo luôn có tiếng nói quan trọng trong đời sống chính trị của người dân Indonesia.
NU về cơ bản là một tổ chức xã hội dân sự hình thành một lực lượng khác trong nền dân chủ mạnh mẽ của Indonesia. Sau thời gian ngắn hợp tác với chính phủ của ông Jokowi, có thể nói rằng NU đã trở lại nguồn gốc lâu đời của mình là một tổ chức xã hội dân sự và đang đi ngược lại với chính phủ của ông Jokowi./.