Cuộc chiến giá dầu: Áp lực trong và ngoài nước đối với Saudi Arabia

Hiện tại với việc đại dịch COVID-19 đang diễn ra và cuộc chiến giá dầu tiếp diễn, Saudi Arabia đã phải kiềm chế chi tiêu công ở mức cao hơn.
Cuộc chiến giá dầu: Áp lực trong và ngoài nước đối với Saudi Arabia ảnh 1Công nhân công ty dầu Aramco làm việc tại nhà máy chế dầu Abqaiq của Saudi Arabia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Geopolitical Futures, trong gần 3 năm qua, kể từ khi thị trường dầu thô năm 2016 chứng kiến đà giảm giá và lĩnh vực dầu đá phiến của Mỹ bùng nổ, Nga và Saudi Arabia đã hợp tác với nhau để ổn định giá dầu toàn cầu như là một phần của liên minh các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+). Tuy nhiên, hợp tác này dường như đang trên bờ vực sụp đổ.

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đe dọa đóng cửa các doanh nghiệp, ngành hàng không và làm giảm chi tiêu tiêu dùng, nhu cầu tiêu thụ dầu thô giảm một cách nhanh chóng, đặc biệt tại quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới là Trung Quốc, một trong những nước bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh ở giai đoạn đầu.

Việc sản xuất vắcxin đối phó với COVID-19 ít nhất phải 1 năm nữa mới hoàn tất, và có quá ít dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu thô sẽ phục hồi sớm.

Đầu tháng này, các thành viên OPEC đã thúc đẩy kế hoạch cắt giảm sản lượng, nhưng Nga đi ngược lại với kêu gọi giảm 1 triệu thùng/ngày. Thay vào đó, Nga hy vọng tận dụng được việc các nước khác cắt giảm sản lượng.

Đáp trả, Saudi Arabia đã thực hiện chiến lược “bên miệng hố chiến tranh,” thông báo nước này sẽ tăng sản lượng thêm 2,5 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2020 để hạ giá dầu và gây sức ép Nga nhượng bộ.

Chiến lược của Saudi Arabia gồm hai mục đích. Nước này có ý định hạ giá dầu để thu hút khách hàng - những nước đang sẵn sàng tích trữ dầu thô. Cùng lúc đó, Saudi Arabia cũng hy vọng giá dầu thấp sẽ gây khó cho lĩnh vực tài chính của Nga và khiến Moskva chấp nhận các yêu cầu của OPEC.

Chiến lược này sẽ gây ra thiệt hại lớn cho Saudi Arabia. Chính sách này đang buộc Riyadh phải sử dụng đến Quỹ thịnh vượng quốc gia (quỹ đầu tư quốc gia) nhiều hơn kế hoạch trước đó.

Quỹ này vốn được ưu tiên cho đầu tư ra nước ngoài và phục vụ đa dạng hóa nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã nhấn mạnh sự ưu tiên của các nước về lợi ích quốc gia so với lợi ích tập thể và cuộc chiến giá dầu không phải là ngoại lệ.

Nga và Saudi Arabia đã gia tăng các bước đi mạo hiểm khi tìm cách tăng nguồn thu, gia tăng thị phần và cạnh tranh trên thị trường dầu thô toàn cầu.

Áp lực đối với Saudi Arabia

Chính phủ Saudi Arabia đã chỉ ra rằng nước này đang trong cuộc đua gia tăng sức ép lên Điện Kremlin, nhưng Riyadh liệu có thể kéo dài cuộc chơi khi cân bằng ngân sách nước này gặp khó hơn Nga trong bối cảnh giá dầu thấp?

Theo quan điểm của Saudi Arabia, buộc Nga đầu hàng là mục tiêu lâu dài và đáng để chấp nhận thiệt hại về nguồn thu trong ngắn hạn bởi điều này sẽ chứng minh rằng Saudi Arabia thực sự có vai trò dẫn dắt các thành viên OPEC+. Saudi Arabia tin rằng nước này có khả năng sản xuất dầu thô rẻ hơn Nga (8,98 USD/thùng so với Nga là 19,21 USD/thùng) và việc sở hữu thị phần toàn cầu lớn hơn cho phép nước này có nhiều lợi thế hơn.

[Toan tính của Saudi Arabia và Nga khi khơi mào cuộc chiến giá dầu]

Tuy nhiên, trên thực tế, Riyadh có thể bị ép chấp nhận thua trước Moskva. Saudi Arabia cần giá dầu ở mức 91 USD/thùng, cao hơn ba lần so với giá dầu hiện tại, để cân bằng ngân sách năm 2020.

Trái lại, ngân sách 2020 của Nga dựa trên giá dầu ở mức 42,4 USD/thùng, có nghĩa là Nga có thể xoay sở khi giá dầu thấp lâu hơn so với Saudi Arabia.

Một số chuyên gia dự báo giá dầu có thể giảm xuống mức 10 USD/thùng, khi các doanh nghiệp lớn và nhỏ chịu ảnh hưởng lớn hơn của cuộc khủng hoảng COVID-19.

Một số nhà quan sát tin rằng giá dầu thấp có thể dẫn tới mức giảm 2-4% đối với GDP của Saudi Arabia kể cả khi nước này là một trong những quỹ dự trữ lớn nhất thế giới với tài sản trị giá 320 tỷ USD.

Giá dầu gần đây không ổn định và cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay có thể kéo dài từ 8 tháng tới 1 năm. Sự thực đây không phải là lần đầu tiên Riyadh đối mặt với việc dầu trượt giá, Saudi Arabia đã cố gắng thao túng thị trường để kiếm lời trong những cuộc khủng hoảng khác.

Trong thời kỳ sản lượng dư thừa những năm 1980, nước này đã giảm sản lượng để duy trì giá dầu cao. Nước này cũng thao túng thị trường năm 2014 để phản ứng lại sự bùng nổ của dầu đá phiến của Mỹ.

Tuy nhiên, trong môi trường hiện nay, việc nhu cầu gia tăng sẽ khó xảy ra đặc biệt khi đại dịch và suy thoái kinh tế sắp diễn ra sẽ gây khó khăn cho các nước nhập khẩu dầu và các lĩnh vực kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu.

Thậm chí những gói kích thích trị giá hàng tỷ đôla Mỹ có thể không đủ để giúp gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Các gói kích thích có thể giúp duy trì hoạt động của một số công ty và ngành công nghiệp, song chúng khó có khả năng tạo ra sự tăng giá ngay lập tức và kéo dài đối với mặt hàng dầu thô.

Ngoài ra, lĩnh vực năng lượng của Nga chưa cho thấy sự sụt giảm. Thực tế, nước này đã gia tăng sản lượng 0,5 triệu thùng/ngày, bằng một nửa mức tăng của riêng Saudi Arabia, nhằm chứng minh rằng Nga có thể vượt qua được cuộc chiến giá dầu.

Thêm vào đó, Điện Kremlin nói rằng nước này có đủ tiền mặt để trụ vững trong 6-10 năm khi giá dầu ở mức từ 25-30 USD/thùng. Dĩ nhiên Nga cũng sẽ bị tác động, nhưng trong dài hạn dự báo nền kinh tế Nga lạc quan hơn Saudi Arabia.

Các tính toán trong nước

Thậm chí trước khi đàm phán OPEC+ sụp đổ, Riyadh dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu thô sẽ sụt giảm. Bộ trưởng tài chính nước này đã yêu cầu các cơ quan chính phủ cắt giảm chi tiêu 20-30% vào đầu tháng Ba với dự báo rằng sẽ có sự sụt giảm về giá dầu.

Hiện tại, với việc đại dịch COVID-19 đang diễn ra và cuộc chiến giá dầu tiếp diễn, Saudi Arabia đã phải kiềm chế chi tiêu công ở mức cao hơn.

Tuần trước, Chính phủ Saudi Arabia thông báo sẽ cắt giảm ngân sách 2020 khoảng 5%, tương đương 13,2 tỷ USD. Chính phủ nước này nói rằng việc cắt giảm sẽ không tác động đến kinh tế-xã hội, nhưng thực tế là động thái này sẽ ảnh hưởng đến nguồn ngân sách cho các dự án trong lĩnh vực phi dầu mỏ.

Khi nhu cầu dầu thô giảm và giá dầu lao dốc, Riyadh sẽ phải rút thêm tiền từ Quỹ thịnh vượng quốc gia nhiều hơn trước đây để thực hiện các mục tiêu dài hạn như can dự vào cuộc chiến tại Yemen, đối phó với việc Iran gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông và đa dạng hóa nền kinh tế. Mặc dù giảm chi tiêu, nhưng Saudi Arabia vẫn có khả năng thâm hụt ngân sách 61 tỷ USD năm nay do dự báo thu ngân sách của nước này không đạt chỉ tiêu 210 tỷ USD trong khi mức chi tiêu sẽ vượt 270 tỷ USD.

Đồng thời, Saudi Arabia phải đối mặt với một thách thức khác, đó là kiểm soát trong nước. Trong những tuần qua, các thành viên gia đình hoàng gia và những người hoạt động đã chỉ trích cách quản lý của Riyadh đối với khủng hoảng COVID-19, mặc dù thực tế là Saudi Arabia chưa bị tác động mạnh bởi đại dịch như nhiều nước khác khi nước này có khoảng 1.000 ca nhiễm được ghi nhận.

Quyết định tạm dừng cầu nguyện tại các thánh đường tại Mecca và Medina, hai thành phố linh thiêng nhất của Hồi giáo, đã làm giảm uy tín của chính phủ nước này như “người bảo vệ” của Hồi giáo và gây quan ngại đối với những người hành hương.

Mùa hành hương sẽ bắt đầu vào tháng 7 và 8. Điều này cũng dẫn đến một hậu quả kinh tế nghiêm trọng khi mùa hành hương thường có 2,5 triệu tín đồ tới Saudi Arabia mỗi năm và giúp nước này thu hơn 12 tỷ USD, chiếm 20% tổng thu của lĩnh vực phi dầu mỏ của đất nước. 

Mặc dù gia đình hoàng gia vẫn có quyền lực lớn, phản ứng của dân chúng đối với giá dầu thấp có thể là “bài kiểm tra” đối với giới lãnh đạo của Saudi.

Xấp xỉ 20% người dân nước này giữ cổ phiếu của công ty Saudi Aramco, vì vậy giá dầu thấp một phần có thể dẫn đến sự phản đối của dân chúng trên diện rộng.

Làn sóng này có thể gia tăng nếu suy thoái diễn ra tại Saudi Arabia, nơi thất nghiệp đã lên mức cao nhất từ 2015, đạt gần 12% vào cuối năm 2019.

Quan trọng nhất, cuộc chiến giá dầu gây nguy hiểm cho các mục tiêu trong nước của Saudi Arabia. Đó là giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ thông qua chương trình cải cách Tầm nhìn 2030. Năm 2016, Saudi Arabia cam kết sẽ có thể "sống không cần dầu" vào năm 2020.

Nhưng năm 2020 đã đến và Saudi Arabia vẫn phụ thuộc vào năng lượng, thậm chí cuộc chiến giá dầu còn làm suy giảm ngân quỹ quốc gia đã được lên kế hoạch đầu tư vào các lĩnh vực phi dầu mỏ.

Thái tử Mohammed bin Salman đã tuyên bố Tầm nhìn 2030 là chiến lược để đa dạng hóa nền kinh tế, thúc đẩy lĩnh vực tư nhân, gia tăng chi tiêu xã hội và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 7%.

Tuy nhiên, Tầm nhìn 2030 đã bị tác động do giá dầu thô giảm và khó khăn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Cuộc chiến giá dầu hiện nay chỉ làm tồi tệ hơn các vấn đề này.

Cả Nga và Saudi Arabia đều thừa nhận rằng cuộc chơi này không thể kéo dài, một trong hai nước hoặc cả hai sẽ bị áp lực tài khóa và cắt giảm sản lượng dầu thô, nhưng không nước nào muốn là bên nhượng bộ trước.

Đối với Thái tử Mohammed bin Salman, áp lực trong việc hạn chế ảnh hưởng của giá “vàng đen” thấp trong khi duy trì cuộc chiến giá dầu với Nga đang gia tăng. Giành chiến thắng trong cuộc chiến về giá là quan trọng đối với uy tín của Saudi Arabia cả ở trong và ngoài nước.

Tác động về địa-chính trị

Khi khoảng cách giữa Moskva và Riyadh càng lớn, gây ra những ảnh hưởng rộng hơn trên thị trường dầu thô và với các nhà sản xuất khác. Một trong những nạn nhân của cuộc chiến giá dầu là ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ.

Các nước sản xuất dầu đá phiến đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu, ngăn chặn việc mua lại cổ phần, sa thải công nhân và giảm các dịch vụ để tiếp tục tồn tại. Hiện có các cuộc thảo luận về khả năng phá sản khi nợ gia tăng và nhiều công ty nhỏ đã đóng cửa.

Các nhà lập pháp tại Texas đã bắt đầu cân nhắc đến việc giảm sản lượng dầu, đây là lần đầu tiên trong 50 năm qua.

Tuy vậy, những cơ hội mới cũng mở ra. Mỹ đã cố gắng thuyết phục Saudi Arabia dừng cuộc chiến thậm chí là công khai về một liên minh dầu mỏ Mỹ-Saudi Arabia.

Các thông tin này xuất hiện sau khi có các báo cáo rằng một số quan chức năng lượng Mỹ quan tâm đến thiết lập một thỏa thuận với Saudi Arabia để ổn định giá dầu. Một liên minh như vậy sẽ tất yếu hoạt động như lực lượng đối trọng với ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga.

Washington dường như đang nỗ lực để thắt chặt quan hệ với Riyadh. Mới đây, Mỹ đã nhanh chóng chỉ định Victoria Coates làm đặc phái viên của Mỹ tới Saudi Arabia.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng đã bàn về khả năng tổ chức một cuộc họp với lãnh đạo Saudi Arabia để thuyết phục Riyadh cắt giảm sản lượng theo đề nghị của nước này.

Như những gì đang xảy ra, lộ trình hồi phục giá dầu còn lâu dài. Saudi Arabia không thể ấn định giá hoặc tăng nhu cầu, và đang lựa chọn một loạt bước đi mạo hiểm với hy vọng rằng nước này hoặc ép được Nga nhượng bộ hoặc tìm được các đối tác mới để định hướng thị trường dầu mỏ. OPEC+ là cơ chế kiểm soát giá dầu đang bị phân rã và Saudi Arabia đang ngày càng không thể duy trì áp lực lên ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga.

Khi đại dịch COVID-19 tiếp tục lây lan và kinh tế toàn cầu đối mặt với suy thoái, Saudi Arabia sẽ gặp nhiều khó khăn để khiến Nga nhượng bộ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục