Cuộc chiến ma túy ở Tam Giác Vàng: Nóng hơn phim

Một chiến dịch mang tên "Mekong An toàn" đã được triển khai từ tháng 4-6/2013 đã giúp bắt 2.534 nghi phạm và thu gần 10 tấn ma túy.
Đã từ lâu, Tam Giác Vàng, khu vực nằm giữa biên giới Thái Lan, Lào và Myanmar được xem là điểm nóng trong cuộc chiến chống nạn buôn lậu ma túy toàn cầu, do vị trí địa lý đặc biệt của nó. Từ đây, những thứ ma túy chết người đã được tuồn đi khắp nơi, trong đó có một số lượng lớn được chuyển sang Việt Nam như đã được đề cập tới trong bộ phim  truyền hình mới được chiếu trên VTV1 mới đây. Vietnam+ xin giới thiệu bài viết của phóng viên AFP về điểm nóng này. Một chiếc xuồng máy của cảnh sát Thái Lan phóng đi trên sông Mekong, tìm kiếm các băng tội phạm ma túy đã ẩn náu sâu trong khu vực này của Tam Giác Vàng, với một mục tiêu mới. Đã có thời khu vực này, nơi nằm ở biên giới giữa ba nước Thái Lan, Myanmar và Lào, tràn ngập heroin, chảy qua biên giới từ nước sản xuất thuốc phiện lớn nhất khi đó là Myanmar. Thời gian đã thay đổi và giờ loại ma túy được ưa thích là methamphetamine, thường dưới dạng "yaba," tiếng Thái có nghĩa "thuốc điên" đã xuất hiện đầy trên các con phố và hộp đêm ở châu Á.
[Chất hướng thần tràn lan và nở rộ chưa từng thấy]
Tướng Manop Senakun, tư lệnh cảnh sát Chiang Saen, thị trấn Thái Lan nằm ở cửa ngõ Tam Giác Vàng cho biết: "Rất khó để ngăn việc buôn lậu ma túy vào Thái Lan." Ứớc tính 1,4 tỷ viên yaba, với giá trị khoảng 8,5 tỷ USD, đã được sản xuất mỗi năm trong khu vực. Loại thuốc này chủ yếu được làm trong các phòng nghiên cứu di động nhỏ nhằm trong các cánh rừng thuộc bang Shan của Myanmar, hiện là nguồn thuốc phiện lớn thứ hai thế giới sau Afghanistan. Tướng Manop cho biết thêm cảnh sát đã "thử mọi cách" để ngăn dòng chảy của ma túy. Nhưng chính vụ sát hại 13 thủy thủ Trung Quốc trên sông Mekong hồi năm 2011 mới là động lực khiến các nhà chức trách trong khu vực mở cuộc trấn áp nạn buôn bán ma túy trong vùng. Trung Quốc, nơi con sông bắt nguồn, đã tham gia vào nỗ lực chống ma túy. Nhà chức trách Thái Lan cho biết một chiến dịch mang tên "Mekong An toàn," dẫn đầu bởi Trung Quốc và có sự tham gia của các nước trong Tam Giác Vàng, đã được triển khai từ tháng Tư tới cuối tháng Sáu năm nay đã giúp bắt 2.534 nghi phạm và thu gần 10 tấn ma túy. Trung Quốc cũng đã hành quyết trùm ma túy Myanmar Naw Kham do ra lệnh sát hại 13 thủy thủ. Hai con tàu nhỏ do những người này điều khiển với đầy lỗ đạn, được tìm thấy cùng 900.000 viên ma túy methamphetamine ở trên, hiện đang han rỉ ở cảng Chiang Saen. Đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar hồi tháng 6/2013 đã tuyên bố: "Tình trạng thường xuyên xảy ra tội phạm liên quan tới ma túy trên sông Mekong giờ đã bị kiểm soát." Một đơn vị đặc biệt gồm 30 viên cảnh sát Thái Lan và 3 xuồng máy giờ đã được giao nhiệm vụ tuần tra một đoạn sông dài 17km. Nhưng nỗ lực trấn áp của chính quyền đã không khiến tội phạm run sợ. Chúng tìm những con đường vận chuyển ma túy khác, với một số thậm chí còn băng rừng để đưa ma túy tới tay khách hàng. "Những kẻ buôn ma túy đi thành đoàn từ 20-30 tên" - Manop nói với AFP - "Chúng mang theo rất nhiều vũ khí bên mình." Đụng độ giữa tội phạm ma túy và quân đội, cảnh sát diễn ra rất thường xuyên. Trong một cuộc đối đầu năm 2012, tám tay buôn ma túy đã bị lực lượng an ninh tiêu diệt. Tướng Manop dự đoán rằng tình hình sẽ chỉ trở nên ngày càng bạo lực hơn. Pierre-Arnaud Chouvy, một nhà địa chất học ở trung tâm nghiên cứu quốc gia CNRS của Pháp nói rằng ông không tin vào tính hiệu quả của hoạt động trấn áp buôn bán ma túy trên sông Mekong. "Chúng ta đã chứng kiến vài vụ bắt giữ nổi tiếng. Nhưng không có những đánh giá thực sự về tính hiệu quả của các cuộc tuần tra như thế," Chouvy nói, cho biết thêm rằng các mạng lưới vận chuyển buôn bán ma túy ở Tam Giác Vàng thường có quy mô nhỏ và "rất mềm dẻo" nên khó có thể lần theo chúng được. Ngoài ra theo một báo cáo về ma túy do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố mới đây, tình trạng tham nhũng trong lực lượng an ninh cũng khiến việc bắt giữ các tay buôn ma túy là một thách thức lớn ở Thái Lan. Paradorn Pattanatabut, lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia, nơi giám sát hoạt động chống ma túy ở Thái Lan, nói rằng nhận xét của Bộ Ngoại giao Mỹ có phần đúng. Ông thề sẽ trừng phạt nặng những kẻ bị phát hiện tham nhũng. Cho tới nay các vấn đề ma túy ở Tam Giác Vàng không có dấu hiệu thuyên giảm. Trong khi hoạt động sản xuất thuốc phiện đã giảm mạnh so với đỉnh cao trong những năm 1970 và 1980, mấy năm gần đây tình trạng trồng cây anh túc lại tăng trở lại. Năm 2012 Myanmar đã sản xuất 690 tấn thuốc phiện, chiếm 10% tổng lượng thuốc phiện trên toàn cầu. Quan chức Tun Nay Soe ở Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) ở Bangkok nói rằng mức độ sản xuất của cả methaphetamine và ma túy đều đang ở ngưỡng "báo động" tại Tam Giác Vàng. Các hậu quả từ Tam Giác Vàng có thể nhìn thấy ngay tại các nước nằm gần nó. Ở riêng Thái Lan, UNODC ước tính có khoảng 48.000 người nghiện heroin và 600.000 người nghiện yaba.
Cuộc chiến ma túy ở Tam Giác Vàng: Nóng hơn phim ảnh 1
Cảnh sát Thái tuần tra trên sông Mekong khu vực biên giới với Myanmar và Lào (Nguồn: AFP)
"Bất chấp các hoạt động trấn áp ma túy, nó vẫn tiếp tục lan rộng" - nhân viên phúc lợi xã hội Nisanart Trirat ở Klongtoey, khu ổ chuột lớn nhất Bangkok, cho biết. Cô nói rằng các vấn đề liên quan tới ma túy "chưa bao giờ giảm xuống" trong những năm cô làm việc với người nghiện ở khu ổ chuột này. Joon đã thử gần như mọi loại ma túy, từ keo, khí valium, cần sa, yaba, ma túy đá, heroin, kể từ khi cậu bắt đầu nghiện vào năm lên 10-11 tuổi. Nhiều hàng xóm của anh ta tại Bangkok cũng rơi vào cảnh nghiện ngập như vậy. Joon gần đây mới cai nghiện, sau thời gian ngồi tù vì giết người trong lúc đánh nhau. Người đàn ông 35 tuổi đang mang HIV trong người này đã được điều trị cai nghiện tại một trung tâm địa phương sử dụng liệu pháp methadone. "Tôi muốn mẹ tôi thấy vui lòng. Đây là cơ hội cuối cùng của tôi để làm việc này, bởi giờ tôi đang chờ chết," anh nói trước khi rảo bước cùng một người bạn, nhân vật có vẻ như sắp đi hít keo để được "phê"./.
Linh Vũ/lược dịch (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục