Trang mạng forbes.com đưa tin các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung có thể sớm được nối lại. Tuy nhiên, sẽ mất rất nhiều thời gian để đạt được một thỏa thuận, và càng lâu hơn nữa để khép lại mọi việc.
Phố Wall muốn nhanh chóng kết thúc cuộc chiến thương mại. Các doanh nghiệp ở cả hai bên của “phương trình” thương mại này cũng muốn nhanh chóng kết thúc cuộc chiến.
Tuy nhiên, một thỏa thuận thương mại sẽ không thể đạt được và kết thúc sớm bởi Mỹ cũng đang có xung đột với Canada và Mexico.
Chính trị và bối cảnh của hai cuộc tranh chấp thương mại này khác nhau rất nhiều.
[Mỹ-Trung thiếu động lực để phá vỡ bế tắc trong chiến tranh thương mại]
Đó là nhận định của Johan Gott, người đứng đầu hoạt động tiêu dùng và bán lẻ của công ty tư vấn quản lý toàn cầu A.T. Kearney.
Ông nói: “Những cuộc đàm phán với Trung Quốc khác với những cuộc đàm phán với Canada. Trước tiên, không có thỏa thuận nào trên bàn đàm phán và các nhà đàm phán phải vật lộn để đạt được tiến bộ. Phạm vi đàm phán cũng rộng hơn nhiều và phải giải quyết các chính sách công nghiệp cốt lõi của Trung Quốc, đồng thời đưa ra các biện pháp bảo vệ mang tính quyết định.”
Sau đó là cảnh quan chính trị. Ông Gott cho biết ngày càng có nhiều sự ủng hộ từ cả hai đảng chính trị (ở Mỹ) về một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Nếu ông Trump mềm mỏng với Trung Quốc, đảng Dân chủ nhiều khả năng sẽ lợi dụng điều đó để chống lại ông. Đảng Cộng hòa cũng thống nhất một lập trường cứng rắn chống lại điều ngày càng bị coi là một mối đe dọa đối với Mỹ.
Tuy nhiên, không có sự ủng hộ nào như vậy từ hai đảng của Mỹ để chống lại Canada và Mexico.
Và theo ông Gott, “bức tranh lớn,” hay chính là toàn bộ bối cảnh, là khá khác biệt trong hai cuộc tranh chấp thương mại này.
Ông nói: “Để hiểu sâu hơn, toàn bộ bối cảnh của thỏa thuận kim loại với Canada và Mexico rất khác biệt. Thỏa thuận về thuế nhôm và thép giữa Mỹ và Canada/Mexico về mặt kỹ thuật chỉ là một sự miễn trừ khỏi các mức thuế kim loại lớn hơn theo Mục 232 (của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962), đây là một điều rất quan trọng khi đề cập đến khối lượng nhập khẩu từ Canada và Mexico.”
Trong khi đó, giữa Mỹ và Trung Quốc còn có nhiều tranh chấp khác, chẳng hạn như về công nghệ và vấn đề Biển Đông.
Tom Elliott, chiến lược gia đầu tư quốc tế tại tổ chức dịch vụ tài chính deVere Group, cho rằng bản chất khi tham gia cuộc chơi chính là: “Người chiến thắng trong cuộc tranh chấp thương mại Mỹ-Trung sẽ là bên có thể tham gia cuộc chơi lâu nhất. Ông Trump muốn một thỏa thuận trước khi chiến dịch tái tranh cử của ông bắt đầu, còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại muốn một thỏa thuận trước khi sự tăng trưởng kinh tế yếu ớt hơn có nguy cơ gây ra tình trạng bất ổn dân sự."
Mặc dù ông Elliott nhận thấy “lợi thế” giành chiến thắng trong cuộc chơi này nghiêng về Trung Quốc, song ông cũng nhìn thấy những “rủi ro kinh tế,” khiến Trung Quốc có nguy cơ phải gánh chịu những tổn thất lớn hơn khi kéo dài cuộc chơi quá lâu.
Trong khi đó, khả năng cuộc chiến tranh thương mại lan sang các quốc gia khác cũng không hề nhỏ.
Ông Elliott nói: “Tranh chấp càng kéo dài bao nhiêu, những rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu trong dài hạn khi các nước thứ ba bị buộc phải gắn bó với Mỹ hoặc Trung Quốc cũng như chuỗi cung ứng công nghệ bị phá vỡ càng lớn bấy nhiêu.”
Tuy nhiên, ông Gott vẫn hy vọng rằng thỏa thuận của Mỹ với Mexico và Canada có thể mở đường cho một thỏa thuận với Trung Quốc.
Ông nói: “Thỏa thuận với Canada và Mexico là một lời nhắc nhở rằng chính quyền Trump sẵn sàng thực hiện các thỏa thuận, ngay cả khi lời lẽ nghe có vẻ không mang tính thỏa hiệp."
"Hãy nhớ rằng Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được gọi là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất trong lịch sử, tuy nhiên, Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) phiên bản mới cũng chẳng khác nhiều."
"Thuế nhôm thép là một vấn đề then chốt cần thảo luận trong các cuộc đàm phán với ông Trump, tuy nhiên, vẫn có chỗ cho sự thỏa hiệp. Điều này tạo nên hy vọng rằng chúng ta cũng có thể chứng kiến một thỏa thuận với Trung Quốc”./.