Xu hướng mới trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc

Trong bối cảnh xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Donald Trump quyết tâm đầu tư nhiều nguồn lực hơn để thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Xu hướng mới trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc ảnh 1(Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng globaltimes.cn, ngày 1/6 vừa qua, Lầu Năm Góc lần đầu tiên công bố Báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPSR).

Cùng ngày, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan đã giải thích những điểm quan trọng của bản báo cáo này khi ông phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 được tổ chức từ ngày 31/5-2/6 ở Singapore.

Trong bối cảnh xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Donald Trump quyết tâm đầu tư nhiều nguồn lực hơn để thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh.

Điều này không chỉ khiến Bắc Kinh lo ngại mà còn gây bất ổn cho hầu hết các nước trong khu vực.

Mô tả của Lầu Năm Góc về Trung Quốc trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một sự sáo rỗng - cáo buộc Trung Quốc là một “cường quốc xét lại" và "tìm kiếm quyền lực bá chủ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong ngắn hạn và sau cùng là thống trị toàn cầu trong dài hạn."

Những lời buộc tội tùy tiện và nham hiểm này đã trở thành một phần trong câu chuyện mới của Mỹ về Trung Quốc. Tuy nhiên, bản báo cáo cũng tiết lộ một số xu hướng đáng lo ngại trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.

[Bộ trưởng Mỹ hạ thấp triển vọng về thỏa thuận cuối cùng với Trung Quốc]

Thứ nhất, Lầu Năm Góc đang cố tình chuẩn bị một cuộc chiến tranh chống Trung Quốc. Những nhân vật diều hâu ở Mỹ tin rằng đất nước của họ không nên lo sợ xung đột quân sự với Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoài ra, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington về vấn đề Đài Loan đang ngày càng trở nên khốc liệt. Trong khi Mỹ coi hòn đảo Đài Loan là một phần quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thì Trung Quốc đã sẵn sàng tham chiến để bảo vệ chủ quyền của mình.

Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được xem là một “nhà hát ưu tiên” của cả Lầu Năm Góc và các quan chức cấp cao trong Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Họ khá thẳng thắn về nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc, nhấn mạnh rằng Mỹ không sợ cái giá phải trả cho những cuộc xung đột bạo lực.

Chiến lược này nói rõ: "Chúng tôi sẽ không chấp nhận các chính sách hay các hành động hăm dọa hoặc làm tổn hại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ- một trật tự mà tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi…

Để đạt được tầm nhìn này đòi hỏi phải hình thành một Lực lượng chung hùng mạnh hơn với sự kết hợp của các lực lượng đồng minh và đối tác… Lực lượng chung sẽ ưu tiên các khoản đầu tư để đảm bảo đánh bại các đối thủ đáng gờm."

Thứ hai, Washington đang cố gắng xây dựng các mối quan hệ gần gũi hơn với Australia, Ấn Độ, Nhật Bản - một tập hợp các nước, bao gồm cả Mỹ, được gọi là Nhóm Bộ tứ, cũng như các quốc gia khác trong khu vực, để tạo ra một mặt trận thống nhất nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Tuy nhiên, các quốc gia khác trong khu vực, chẳng hạn như Indonesia, Hàn Quốc và Singapore, luôn hoài nghi về Nhóm Bộ tứ này.

Trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Lầu Năm Góc đã ủng hộ "thúc đẩy một mạng lưới kết nối khu vực" và cam kết tăng cường quân sự và hỗ trợ an ninh cho các nước trong khu vực này thông qua Đạo luật Sáng kiến trấn an châu Á.

Đạo luật này nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng và được Tổng thống Trump ký thành luật vào ngày 31/12/2018. Theo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, "luật này được coi như một khuôn khổ chính sách toàn diện của chính phủ, thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở."

Điều này tiết lộ rằng Mỹ mong muốn thiết lập một cấu trúc ba vòng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Vòng đầu tiên là đồng minh hiệp ước trong số các nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và các nước khác. Vòng thứ hai bao gồm các quan hệ đối tác an ninh mới giữa Mỹ, Indonesia và Việt Nam.

Vòng thứ ba bao gồm Anh, Pháp, Canada và các nước khác. Với điều này, Washington hy vọng sẽ thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của các cường quốc phương Tây trong các vấn đề của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thứ ba, Lầu Năm góc và các cơ quan khác của Mỹ đang cùng nhau thúc đẩy tăng cường an ninh kinh tế, đây là một trong những thách thức nổi bật nhất đối với quan hệ Mỹ-Trung trong những năm tới.

Báo cáo nêu rõ: "Tầm nhìn của chúng tôi cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở là phải nhận ra những mối liên kết giữa kinh tế, quản trị và an ninh, vốn là một phần của bối cảnh cạnh tranh trong khu vực và an ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia."

Chính quyền Trump lo ngại chuỗi cung ứng toàn cầu quá phụ thuộc vào Trung Quốc và cố gắng ngăn chặn Bắc Kinh tận dụng sức mạnh kinh tế để thúc đẩy an ninh quốc gia.

Để cản trở hợp tác kinh tế của Trung Quốc với các nước khác, Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng cái cớ của cái gọi là an ninh quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Lầu Năm Góc tin rằng các bến cảng được xây dựng bởi các công ty Trung Quốc ở Campuchia, Sri Lanka, Vanuatu và các nước khác sẽ trở thành các căn cứ quân sự của Trung Quốc trong tương lai, mặc dù chính phủ của các quốc gia này đã bác bỏ những phỏng đoán như vậy.

Trong khi đó, Washington đang quân sự hóa khu vực này. Ví dụ, Mỹ và Australia đang phát triển một căn cứ hải quân chung trên đảo Manus.

Các đảo Thái Bình Dương không có khả năng kháng cự trước sức mạnh cơ bắp của Washington, thậm chí mặc dù họ cần các khoản đầu tư của Trung Quốc.

Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 18, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã có bài phát biểu gây chú ý về quan hệ Mỹ-Trung.

Ông nhấn mạnh rằng thế giới "phải điều chỉnh theo vai trò lớn hơn của Trung Quốc. Các nước phải chấp nhận rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục lớn mạnh và rằng họ không thể ngăn chặn điều này."

Rõ ràng, các nước trong khu vực không muốn nhìn thấy Trung Quốc và Mỹ đối đầu khốc liệt.

Để phấn đấu từ vị trí quyền bộ trưởng thành bộ trưởng, ông Shanahan có thể cần phải hành động cứng rắn chống lại Trung Quốc để có được sự ủng hộ của các nghị sỹ Mỹ tại các phiên điều trần của Quốc hội.

Tuy nhiên, ông nhận ra tầm quan trọng của việc thiết lập một mối quan hệ tốt với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc.

Cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa và ông Shanahan trong cuộc đối thoại Shangri-La vừa qua là một bước đi đúng đắn để ngăn chặn xung đột giữa hai bên biến thành thảm họa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục