Khi nói tới miền Nam Thái Lan nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới sự bất ổn và ly khai, với những mối quan hệ bất hòa giữa các cộng đồng tồn giáo. Nhưng chính tại Songkhla, một trong năm tỉnh cực nam của quốc gia này, lại đang tồn tại nhiều cộng đồng gồm cả người Hồi giáo và Phật giáo. Họ sống gắn bó với nhau, hòa thuận và yên bình.
Ban Muang Ngam là một nơi điển hình của cuộc sống hòa thuận giữa người Hồi giáo và Phật giáo ở tỉnh cực Nam Thái Lan, Songkhla. Khu vực này hiện có 3.811 gia đình, với số dân vào khoảng 11.895 người. Tại đây chỉ có hai cộng đồng lớn là người Hồi giáo và Phật giáo đang sống cực kỳ hòa thuận và yên bình trong nhiều năm qua.
Sự khác biệt về niềm tin tôn giáo không ngăn cản được các mối quan hệ gắn bó khăng khít của những con người nơi đây, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy người Hồi giáo tham dự các buổi lễ của người Phật giáo và ngược lại. Trẻ em đi học cũng không có sự phân biệt vì trường học ở đây có cả các giờ học dành cho đạo Hồi và ngôn ngữ địa phương của miền Nam Thái Lan.
Ông Prom Prang-chan, Phó chủ tịch xã Muang Ngam, cho biết: "Khu vực chúng tôi có 10 cụm dân cư, với 8 ngôi chùa và hai nhà thờ Hồi giáo. Bà con ở đây sống rất hòa thuận mặc dù có sự khác biệt về tôn giáo. Người Phật giáo phần lớn sống bằng nghề trồng trọt, trong khi người Hồi giáo chủ yếu sống bằng nghề đánh cá. Hai cộng đồng này sống rất đoàn kết và luôn tham gia giúp đỡ lẫn nhau. Gia đình nhà nào có công việc gì đều được tất cả mọi người cùng chung sức giúp đỡ, không hề tồn tại bất kỳ sự phân biệt đối xử nào."
Có lẽ một trong những lý do chính giúp các cụm dân cư nơi đây sống hòa thuận là việc kết hôn giữa người Hồi giáo và người Phật giáo diễn ra rất phổ biến. Các cặp vợ chồng tuy theo những tôn giáo khác nhau, nhưng rất coi trọng các sinh hoạt tín ngưỡng của tất cả các thành viên trong gia đình mỗi bên. Không hề có sự phân biệt về tôn giáo tại đây.
Phần lớn các gia đình này có chồng là người Phật giáo và vợ là người Hồi giáo. Con cái của họ có thể chọn theo tôn giáo của mẹ hoặc bố. Các gia đình kiểu này thường có sự chia sẻ và thông cảm, do vậy, họ thường xuyên đóng góp cho các hoạt động xây dựng cả chùa lẫn nhà thờ Hồi giáo, xây dựng các cơ sở công cộng để phục vụ các hoạt động xã hội.
Chị Kata Singhan, người dân Ban Muang Ngam, nói với phóng viên Vietnam+: "Tại đây có rất nhiều gia đình có hai tôn giáo. Bản thân tôi là người Hồi giáo và chồng tôi là người theo Phật giáo. Chúng tôi lấy nhau đã được nhiều năm, chồng tôi bây giờ cũng đi lễ cả ở nhà thờ và dạy dỗ con cái theo đạo Hồi.
Cũng có nhiều người Hồi giáo chuyển sang theo đạo Phật, điều này tùy thuộc vào sự lựa chọn tự nguyện của mỗi người. Những người Hồi giáo trong khu vực này sống rất cởi mở, không hề khép kín, do vậy, sự giao lưu giữa họ và người Phật giáo là rất phổ biến. Chẳng ai cấm đoán người Hồi giáo lấy người theo đạo Phật cả."
Hàng năm chính quyền địa phương vẫn thường tổ chức các sự kiện được gọi là "tăng cường quan hệ giữa hai tôn giáo." Đây được coi là cơ hội để người dân theo Phật giáo cũng như Hồi giáo cùng tham gia các hoạt động chung. Sự kiện này được bắt đầu từ năm 2005 và đang dần trở thành một hoạt động mang tính truyền thống, nhằm tạo cơ hội thúc đẩy tình đoàn kết giữa những người dân Hồi giáo và Phật giáo.
Chị Wipa Hajibilang, người dân địa phương, chia sẻ: "Tôi rất hài lòng với các hoạt động kiểu này của chính quyền địa phương. Chúng tôi sống ở đây rất hòa thuận. Tuy nhiên, tôi muốn chính quyền quan tâm và trợ giúp chúng tôi nhiều hơn nữa bởi phần lớn người Hồi giáo tại đây đều làm nghề chài lưới và cuộc sống vẫn chưa thật sự sung túc."
Dường như các cuộc xung đột tại miền cực Nam Thái Lan không hề có nguyên nhân từ những bất đồng tôn giáo. Mặc dù phần lớn người dân miền Nam có những nét văn hóa khác biệt với các khu vực khác của Thái Lan, nhưng các cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo tại đây vẫn tồn tại rất hòa thuận và yên bình./.