Cuộc trưng cầu dân ý Brexit mới - Cơ hội cho Thủ tướng Theresa May

Một cuộc trưng cầu dân ý mới để phá vỡ tình trạng quốc hội treo sẽ có nghĩa rằng nước Anh vẫn ở trong EU và bà May vẫn đi lại trên con Phố Downing. Tại sao bà không nắm lấy cơ hội này?
Cuộc trưng cầu dân ý Brexit mới - Cơ hội cho Thủ tướng Theresa May ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng project-syndicate.org, khi các cuộc đàm phán Brexit bước vào giai đoạn cuối cùng, sự bế tắc là kết quả dễ thấy nhất. Đây là tin tốt. Nó không có nghĩa rằng Anh sẽ “phá vụn” Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận: những thỏa hiệp trong EU dường như sẽ bế tắc trong thời khắc cuối cùng.

Nhưng quốc hội Anh có thể sẽ từ chối bất kỳ sự sắp đặt nào mà Thủ tướng Theresa May cố gắng thương lượng với các lãnh đạo châu Âu, và biện pháp có vẻ thích hợp để chấm dứt sự bế tắc này sẽ là tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới để xem xét lại quyết định của Anh rời khỏi EU.

Cho đến gần đây, ý tưởng này vẫn bị gạt bỏ. Nhưng cơ chế chính trị hiện nay có thể dẫn tới một cuộc trưng cầu dân ý mới và khả năng hủy bỏ Brexit trở nên rõ ràng.

Dù bất kỳ phiên bản Brexit nào mà bà May đề nghị nhiều khả năng sẽ bị phủ quyết. Một “Brexit mềm” theo kiểu Nauy nhằm giữ Anh ở trong các cấu trúc thương mại của EU sẽ bị ngăn chặn bởi những người chỉ trích hội nhập EU trong đảng bảo thủ của bà May.

Một “Brexit cứng,” đòi hỏi kiểm soát biên giới với Cộng hòa Ireland, là không thể chấp nhận được đối với chính phủ Ireland và EU. Và một thỏa thuận lai ghép đưa Anh ra khỏi thị trường chung EU nhưng vẫn giữ Bắc Ireland ở lại sẽ làm tổn thương đến Đảng dân chủ hợp nhất Bắc Ireland mà bà May rất cần sự ủng hộ của họ để duy trì quyền lực.

Những yếu tố trên giải thích cho chiến lược duy nhất “phân phát Brexit” của bà May. Do đó, các nghị sỹ và các nhà lãnh đạo EU phải lựa chọn một kịch bản ít tệ hại hơn. Họ vừa phải chấp nhận đề nghị thỏa thuận Brexit của bà May, vừa phải đối mặt với một Brexit hỗn loạn “không thỏa hiệp” mà sẽ là thảm họa không chỉ cho Vương Quốc Anh mà cho toàn bộ EU.

Nhưng nỗ lực của bà May đưa ra Lựa chọn Hobson (hoàn cảnh người ta buộc phải chấp nhận bất kỳ điều gì mà đối phương đưa ra, hoặc là chẳng được gì cả) sẽ vấp phải một “cơn gió mạnh chết người”: hầu như chẳng ai tin rằng bà sẽ đủ can đảm để gây ra sự hỗn loạn trong cử tri và giới doanh nghiệp của Anh.

Brexit “không thỏa hiệp” sẽ bỏ qua quá trình chuyển giao mà nước Anh “liều mình” thương lượng lại hàng nghìn nguyên tắc, quy định và tiêu chuẩn trong các hiệp định mà EU đã thương thảo hàng thập kỷ qua để có thể tiếp tục “làm ăn” với châu Âu cũng như với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và các quốc gia khác.

Không có sự chuyển giao, xuất khẩu của Anh sẽ tạm thời ngừng hoạt động vào tháng 3/2019, bởi các hiệp định về an toàn sản phẩm, dán nhãn, chất lượng thực phẩm và hàng trăm vấn đề ít được biết đến sẽ phải được đàm phán lại theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - và những hiệp định này cần phải được tất cả 164 thành viên của WTO thông qua.

Sự đình trệ dòng chảy thương mại sẽ chỉ là tạm thời, bởi vì Anh cuối cùng cũng sẽ đàm phán những hiệp định cần thiết của WTO, nhưng thậm chí một sự gián đoạn nhỏ cũng đủ gây thiệt hại, và điều này đã được minh chứng bởi sự “dừng đột ngột” trong lĩnh vực tài chính ngân hàng dù kéo dài chỉ vài tuần sau khi tập đoàn đầu tư ngân hàng Lehman Brothers phá sản năm 2008.

Mối đe dọa “không thỏa hiệp” trở nên rõ ràng hơn khi bà May gửi hàng chục “thông báo kỹ thuật” tới doanh nghiệp, bệnh viện và các cơ quan công lập để họ chuẩn bị “kế hoạch ứng phó khẩn cấp.”

Thật không may cho những người ủng hộ Brexit, những cảnh báo này là phản tác dụng: thay vì lên kế hoạch chuẩn bị, viễn cảnh máy bay bị cấm bay, bệnh viện hết thuốc, xuất khẩu thì ngừng trệ khiến cho Brexit “không thỏa hiệp” trở nên ngu xuẩn và có thể khiến các nghị sỹ nản lòng không muốn lãng phí tiền bạc để chuẩn bị cho sự kiện bất ngờ không có thực như vậy.

Kết quả cuối cùng là thậm chí nếu bà May thực sự muốn theo đuổi một Brexit “không thỏa hiệp”, đa số nghị sỹ trong quốc hội sẽ đoàn kết để ngăn chặn nó. Trong khi có nhiều hoài nghi về các thủ tục phê chuẩn của quốc hội, rối loạn chính trị là điều rõ ràng.

Việc theo đuổi một trò chơi mạo hiểm như vậy chống lại mong muốn của đa số thành viên quốc hội sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng hiến pháp mà chỉ có thể được giải quyết bằng cách cầu viện cử tri thông qua một cuộc tổng tuyển cử hoặc một cuộc trưng cầu dân ý mới.

Công đảng đối lập sẽ yêu cầu một cuộc tổng tuyển cử, khi đó đảng bảo thủ sẽ đoàn kết để ngăn chặn điều này. Một khi nước cờ bầu cử thất bại, Công đảng sẽ cần phải tạo ra một đa số với 85 % thành viên của đảng này ủng hộ trưng cầu dân ý.

[Thủ tướng May: Anh không tổng tuyển cử sớm, vẫn theo đuổi Brexit]

Tuy nhiên, đối với đảng bảo thủ, họ sẽ chỉ cần tạo ra một đa số ủng hộ trưng cầu dân ý với một vài thành viên, gồm cả một đồng minh không mong đợi: bà Theresa May.

Đối với bà May, một cuộc trưng cầu dân ý mới có thể là chìa khóa để mở chiếc cũi mà chính “những làn ranh đỏ” đã nhốt bà vào đó. Một khi lựa chọn duy nhất rời khỏi EU vỡ vụn với Brexit “không thỏa hiệp” trở nên rõ ràng, bà May có thể tuyên bố rằng bà đã được ủy nhiệm kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 để “thực hiện Brexit”, nhưng điều đó sẽ dẫn đến tình trạng còn tồi tệ hơn mong đợi.

Bà May có thể vượt trội hơn cả Boris Johnson và các đối thủ khác của bà. Bởi vì những người ủng hộ Brexit cứng rắn đã coi Brexit “không thỏa hiệp” là một kết quả hoàn hảo và có thể chấp nhận được, họ không thể phản đối nếu đây là hình thức Brexit hỏi ý kiến của cử tri. Nếu giành thắng lợi, bà May có thể không phải chịu trách nhiệm và sẽ cảm thấy hài lòng khi chứng kiến Johnson đương đầu với những hỗn loạn.

Nhiều khả năng, một cuộc trưng cầu dân ý mới sẽ loại bỏ Brexit “không thỏa hiệp”, không chỉ bởi những rủi ro kinh tế mà còn do sự cân bằng nhân khẩu học của dân chúng Anh đã thay đổi khi khoảng 1 triệu cử tri quay sang ủng hộ Anh ở lại EU kể từ năm 2016.

Nếu cử tri từ chối “không thỏa hiệp” để ủng hộ “không Brexit”, các đối thủ có quan điểm cứng rắn của bà May sẽ im lặng và vị trí thủ tướng của bà sẽ được bảo đảm cho đến cuộc bầu cử 2022.

Thậm chí tốt hơn, việc chấm dứt sự bất ổn của Brexit sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế, gần như chắc chắn đảm bảo chiến thắng của đảng bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 2022.

Tóm lại, một cuộc trưng cầu dân ý mới để phá vỡ tình trạng quốc hội treo sẽ có nghĩa rằng nước Anh vẫn ở trong EU và bà May vẫn đi lại trên con Phố Downing. Tại sao bà không nắm lấy cơ hội này?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục