Kế hoạch Anh rời Liên minh châu Âu: Khó khăn thêm chồng chất

Nội các của Thủ tướng Anh Theresa May vẫn bất đồng sâu sắc về việc làm thế nào để phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán Brexit với liên minh châu Âu (EU) hiện nay.
Kế hoạch Anh rời Liên minh châu Âu: Khó khăn thêm chồng chất ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

Vừa qua, có thông tin cho rằng Phố Downing đã nhận những lời chỉ trích khá nặng nề từ một số nghị sỹ đảng Bảo Thủ vốn phản đối kế hoạch Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Họ cho rằng Thủ tướng Anh Theresa May đang bước vào “vùng chết” Brexit, và rằng bà sẽ gặp khó khăn lớn trong cuộc họp với các nghị sỹ Quốc hội trong ngày 23/10. Đây có lẽ là mối đe dọa lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất, đối với Thủ tướng May liên quan đến vấn đề Brexit.

Theo bài viết đăng trên tờ The Financial Times, Nội các của bà May hiện vẫn bất đồng sâu sắc về việc làm thế nào để phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán Brexit với EU hiện nay. Nhóm những quan chức thân cận nhất với Thủ tướng May đang tiếp tục dõi theo một cách đầy lo âu về lập trường của các quan chức theo đường lối hoài nghi châu Âu, trong đó bao gồm cả Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Brexit Dominic Raab và Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid.

Một nghị sĩ đảng Bảo thủ theo đường lối ủng hộ Brexit cho biết họ đặc biệt lo ngại về nguy cơ Dominic Raab từ chức khi ông đã trình bày rõ quan điểm không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào khiến nước Anh bị ràng buộc vô thời hạn với EU hay chia tách Bắc Ireland với phần còn lại của nước Anh.

Thậm chí, một số quan chức đảng Bảo thủ còn cho rằng Thủ tướng May sẽ phải đương đầu với một kế hoạch lật đổ bà do một số nghị sỹ tại Quốc hội dẫn đầu trong vòng 8 tháng tới.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin rằng cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với vai trò lãnh đạo của Thủ tướng May chỉ có thể xảy ra vào thời điểm sau khi nước Anh rời EU vào tháng 3/2019.

Trong khi đó, thời gian lại không còn nhiều để những người muốn thay thế bà thu thập được 48 chữ ký cần thiết, tương đương 15% trong tổng số 315 nghị sỹ đảng Bảo thủ trong Quốc hội, để tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nếu họ muốn tạo ảnh hưởng đối với Brexit.

[Người dân Anh đang mất niềm tin vào tiến trình Brexit]

Trong khi đó, Thủ tướng May tràn đầy hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận tại Brussels (Bỉ) trong vòng 6 tuần tới. Phát biểu tại Hạ viện Anh ngày 22/10, bà nhấn mạnh rằng 95% các điều khoản của thỏa thuận Brexit đã đạt được sự nhất trí chung, chỉ có vấn đề đường biên giới Ireland vẫn đang là trở ngại lớn.

Tại cuộc họp, bà May đã đưa ra kế hoạch gồm 4 điểm, nhằm khơi thông thế bế tắc trong đàm phán Brexit, qua đó bỏ ngỏ khả năng nước Anh tiếp tục có sự ràng buộc chặt chẽ với EU trong giai đoạn chuyển giao kéo dài tới năm 2021.

Một quan chức thân cận của bà May cho biết họ muốn đạt được một thỏa thuận vào tháng 11 tới, song một số ý kiến trong EU muốn lùi việc này đến tháng 12. Tuy nhiên, điều mà các quan chức Anh muốn là đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt.

Một thành viên của Nhóm Nghiên cứu châu Âu ủng hộ Brexit cho rằng khả năng bà May sẽ phải đối mặt với với những vận động thực sự trong tuần này nhằm lật đổ bà là 50-50. Tuy nhiên, bà May có biệt tài là luôn may mắn vượt qua được những giai đoạn khó khăn như thế.

Dù bà May đang gặp nhiều trở ngại, song người ta vẫn tin rằng hiện các nghị sỹ Quốc hội vẫn chưa có đủ ý chí để lật đổ bà. Một nghị sỹ Quốc hội ủng hộ phe ở lại EU cho rằng bất luận rằng tuần tới đây sẽ vô cùng khó khăn cho Thủ tướng May, vị trí của bà sẽ vẫn vững chắc trong tháng tới.

Những lời chỉ trích nặng nề cuối tuần qua từ phía một số quan chức trong Nội các của bà May có thể được coi là một dấu hiệu cho thấy sự bối rối của họ khi hầu hết các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ không mong muốn có một cuộc lật đổ bà May vào giữa giai đoạn đàm phán Brexit.

Dường như những người ủng hộ việc thay thế bà May hiện vẫn chưa đưa ra được những giải pháp thay thế khả thi.

Trong khi Thủ tướng May nỗ lực khơi thông thế bế tắc trong đàm phán Brexit hiện nay thì Bộ trưởng Nội vụ Javid và Bộ trưởng Việc làm và Lương hưu Esther McVey lại nằm trong số những quan chức chính phủ nói rằng họ sẽ không thể tiếp tục ủng hộ một sự nhượng bộ mạnh mẽ đối với Brussels.

Theresa May có lẽ sẽ phải vật lộn với làn sóng xin từ chức từ các quan chức trong Nội các, đặc biệt là từ phía các quan chức hàng đầu trong chính phủ.

Khó khăn thêm chồng chất khi những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu khăng khăng việc sẽ không ký bất kỳ thỏa thuận Brexit nào mà thiếu sự đồng thuận về mặt pháp lý của Chưởng lý Geoffrey Cox, một người ủng hộ Brexit và có tầm ảnh hưởng ngày một lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục