Cựu nam sinh Hà Nội và ký ức không quên về Ngày Giải phóng Thủ đô

Với ông Nguyễn Đình Tân, giây phút cờ Tổ quốc tung bay ngày 10/10 là thời khắc hạnh phúc vỡ òa song cũng rưng rưng xúc động bởi ông nhớ đến người anh trai đã hy sinh.
Ông Nguyễn Đình Tân bắt gặp bức ảnh anh trai mình, liệt sỹ Nguyễn Sỹ Vân tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Ông Nguyễn Đình Tân bắt gặp bức ảnh anh trai mình, liệt sỹ Nguyễn Sỹ Vân tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…”

Đã 69 năm trôi qua, nhưng ký ức đẹp về Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) vẫn còn mãi trong tâm trí những nhân chứng lịch sử như ông Nguyễn Đình Tân, người tích cực tham gia phong trào học sinh-sinh viên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và được vinh dự đón đoàn quân tiếp quản Hà Nội.

Ký ức về người anh trai bất khuất

Ông Nguyễn Đình Tân sinh năm 1936 trong một gia đình có 3 anh em trai đều đi theo kháng chiến. Ông bảo rằng người có ảnh hưởng lớn nhất đối với ông là anh cả - liệt sỹ Nguyễn Sỹ Vân.

Cựu nam sinh Hà Nội và ký ức không quên về Ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 1Ông Tân kể về phong trào học sinh-sinh viên Thủ đô kháng chiến. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Trong ngôi nhà nhỏ ở phố Hàng Bài, ông Tân chậm rãi khi nhớ về anh trai mình: “Tháng 12/1946, gia đình tôi tản cư về quê ở Đại Từ, huyện Chương Mỹ. Cuối năm 1947, gia đình mới trở lại thành phố sinh sống. Tôi nhớ đầu năm 1948, anh Vân vào Trường Chu Văn An học tiếp năm cuối cấp Phổ thông Cơ sở (lớp Đệ Tứ) để lấy bằng Đíp-lôm (Thành chung).”

Lúc ấy, ông Tân còn đang học Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Trãi, không biết rằng anh trai mình đã tham gia phong trào học sinh chống Pháp.

Tháng 9/1947, Thành ủy Hà Nội đã được thành lập lại, do đó tổ chức Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các lực lượng vũ trang (dân quân, du kích, công an) cũng được kiện toàn từ thành phố xuống các cấp cơ sở. Nội thành bị Pháp chiếm đóng còn ngoại thành được chia thành ba quận 4, 5, 6 để tổ chức các lực lượng kháng chiến.

Cựu nam sinh Hà Nội và ký ức không quên về Ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 2Ông Tân luôn tâm niệm rằng phải sống sao cho xứng đáng với những người đã ngã xuống. (Ảnh: Hoàng Hiếu/Vietnam+)

Nhóm ông Nguyễn Sỹ Vân cùng ông Nguyễn Văn Khâm, ông Nguyễn Trọng Quang đã sớm trở thành cơ sở của Công an quận 6 do ông Hồng Hà (tức Quỳ) làm Quận trưởng.

Năm 1948, để kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ thanh niên kháng chiến Trường Chu Văn An bơi ra Tháp Rùa treo cờ Tổ quốc. Đó là việc làm táo bạo vì họ sẽ phải tránh né con mắt theo dõi của địch từ bốt Hàng Trống (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm) ở gần Bờ Hồ.

Đêm 18/5, ông Khâm cảnh giới, hai ông Vân và Quang bơi ra Tháp Rùa làm nhiệm vụ. Sáng hôm sau, kẻ địch ở cả bốt Hàng Trống và Tòa Đốc lý (sau bị phá bỏ, hiện nay là Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội) phát hiện lá cờ, chúng tức tốc ra giật xuống, nhưng nhân dân đã truyền tai nhau "Việt Minh treo cờ ở Tháp Rùa."

“Hành động này đã gây tiếng vang lớn. Cờ đỏ sao vàng tung bay giữa Hồ Gươm, làm cho nhân dân nức lòng, phấn chấn, hướng về Chính phủ kháng chiến,” ông Tân kể.

Gia đình không ai biết việc làm đó của ông Vân cho đến ngày 25/5/1948, ôtô của Phòng Nhì (Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hải ngoại của Pháp) đến tận nhà bắt ông Vân đi.

Ban đầu, ông Vân và ông Khâm bị đưa về hầm đá Cửa Đông tra tấn. Gia đình vẫn tiếp tế qua bếp Phòng Nhì. Sau đó, họ bị đưa sang Nhà tù Hỏa Lò, lập án, rồi đày đi Khe Tù, Tiên Yên lao động khổ sai. Gia đình từ đó bặt vô âm tín.

[Sống lại không khí ngày Giải phóng Thủ đô với 'Sông Hồng cuộn sóng']

Mãi sau này, ông Tân mới biết anh trai mình vượt ngục nhưng bị địch bắt lại, tra tấn đến chết ở trại giam Khe Tù, Tiên Yên năm 1948.

“Sau này, gia đình tôi lấy ngày này làm giỗ anh. Tôi đi tìm hài cốt anh mình đến năm 2001 mới thấy,” ông Tân ngậm ngùi.

Tấm gương của người anh trai kiên trung khiến ông Tân tích cực tham gia các hoạt động của phong trào học sinh-sinh viên Thủ đô. Ông cùng các bạn của mình ở Trường Trung học phổ thông Chu Văn An tham gia biểu diễn văn nghệ, rải truyền đơn, tuyên truyền, bãi khóa để ủng hộ cách mạng, phản đối bắt học sinh đi lính.

Hân hoan ngày chiến thắng

Năm 1954, chàng trai Nguyễn Đình Tân khi đó vừa tròn 18 tuổi, đã được hòa trong dòng người hân hoan niềm vui chiến thắng ngày 10/10.

Vài ngày trước đó, Thủ đô đã “rậm rịch” với các quân đoàn của ta dần dần tiến vào thành phố, tiếp quản những địa điểm quan trọng như Ga Hàng Cỏ, Phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Bắc Bộ Phủ...

Cựu nam sinh Hà Nội và ký ức không quên về Ngày Giải phóng Thủ đô ảnh 3Đoàn quân chiến thắng tiến về tiếp quản Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

“Nhiều người dân háo hức quá đã mang cờ ra vẫy, chào đón đoàn quân ở Phố Huế, Hàng Bài. Tôi và các bạn cũng tích cực chuẩn bị cờ hoa, khẩu hiệu nhưng các chiến sỹ đã mời bà con cất cờ đi vì vẫn chưa đến thời điểm,” ông Tân nhớ lại.

Đến 16h ngày 9/10, tốp lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Ngày 10/10, Trung đoàn Thủ đô dẫn đầu trong Đại đoàn quân Tiên phong 308 tiếp quản Thủ đô.

“Bấy giờ, cả thành phố như vỡ òa. Đường phố được tô điểm thêm bằng cờ, biểu ngữ, cổng chào. Không ai rủ ai mà mọi người đều mặc bộ quần áo đẹp nhất đón đoàn quân chiến thắng trở về. Cả Hà Nội hân hoan trong niềm vui giải phóng,” ông Tân xúc động.

Ngắm lá cờ chiến thắng của Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột Cờ, ông Tân trào dâng niềm vui sướng mà nước mắt tuôn rơi khi nghĩ đến người anh trai của mình đã dũng cảm cắm lá cờ trên đỉnh Tháp Rùa ngày nào.

Ông luôn tâm niệm rằng mỗi người cần phải biết quý trọng giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, hãy sống để không phụ lòng những người đã ngã xuống.

Với lòng quyết tâm đó, ông Tân đã thi đỗ vào ngành Hóa, Trường Đại học Tổng hợp, khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Uỷ ban Khoa học Nhà nước thuộc Hội đồng Chính phủ cho đến khi nghỉ hưu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục