'Sông Hồng cuộn sóng': Sống lại khí thế 'Tiến về Hà Nội' năm 1954

Trưng bày nhằm nhắc nhớ những gian khổ, hy sinh của quân, dân Thủ đô để có được ‘Ngày về chiến thắng,’ góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ.
'Sông Hồng cuộn sóng': Sống lại khí thế 'Tiến về Hà Nội' năm 1954 ảnh 1Các nhân chứng lịch sử nghe thuyết minh về triển lãm. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2023), dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, sáng 4/10Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã khai mạc trưng bày “Sông Hồng cuộn sóng”.

Trưng bày được chia thành 2 nội dung lớn, gồm: “Trường kỳ kháng chiến” và “Ngày về lịch sử.”

Theo đó, nội dung “Trường kỳ kháng chiến” phản ánh không khí 60 ngày đêm quân và dân Thủ đô hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, kiên cường chiến đấu với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh,” lập nên bao chiến công hào hùng, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Cũng tại khu trưng bày này, công chúng và du khách “gặp lại” Hà Nội thời kỳ là vùng tạm chiếm của địch, chịu chế độ quân quản, đàn áp, kìm kẹp của chính quyền thực dân. Làn sóng căm thù dâng cao bởi chế độ thuế khóa ngày càng hà khắc…

'Sông Hồng cuộn sóng': Sống lại khí thế 'Tiến về Hà Nội' năm 1954 ảnh 2Một số hiện vật trong trưng bày. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Chiếm được Hà Nội, nhưng thực dân Pháp không chiếm được lòng người. Cờ đỏ sao vàng luôn bất ngờ xuất hiện trong thành phố; người Hà Nội vẫn bí mật nuôi giấu cán bộ, góp tiền, góp sức ủng hộ kháng chiến; Biệt động nội thành tổ chức tập kích sân bay Gia Lâm, sân bay Bạch Mai; học sinh, sinh viên tổ chức bãi khóa, văn nghệ ủng hộ kháng chiến; trong Nhà tù Hỏa Lò, các chiến sỹ cách mạng vẫn kiên cường đấu tranh, tổ chức vượt ngục… khiến cho Hà Nội thời tạm chiếm luôn biến động, sục sôi không khí quyết liệt đấu tranh.

[Người thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và quyết tâm bảo vệ Thủ đô]

Trong khi đó, khu trưng bày “Ngày về lịch sử,” lại dẫn dắt người xem như thấy lại thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu mốc son lịch sử, buộc địch phải ký Hiệp định Genève và rút quân ra khỏi miền Bắc Việt Nam. Thời điểm này, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy tiếp quản Thủ đô, các tầng lớp nhân dân Hà Nội kiên cường, bền bỉ chống lại mọi âm mưu phá hoại của địch, bảo vệ thành phố nguyên vẹn trước khi đoàn quân chiến thắng tiến về ngày 10/10/1954.

'Sông Hồng cuộn sóng': Sống lại khí thế 'Tiến về Hà Nội' năm 1954 ảnh 3Trưng bày thu hút cả những người trẻ tìm hiểu về lịch sử. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tại sự kiện, các đại biểu đã tham dự lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ; nghe thuyết minh trưng bày và xem hoạt cảnh tái hiện lễ chào cờ, hát Quốc ca mừng Tết Nguyên đán của các chiến sỹ cách mạng bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Kết thúc hoạt cảnh, đại biểu cùng khách tham quan hòa mình vào giai điệu hào hùng của bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sỹ Văn Cao...

Theo Phó Trưởng ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò Đặng Văn Biểu, trong chốn ngục tù thiếu thốn, tù chính trị tìm đủ mọi cách để tạo nên cờ Tổ quốc và dù bị kẻ thù đàn áp, vẫn quyết tâm bảo vệ lá cờ thiêng liêng, bởi có lá cờ là có thêm hy vọng, niềm tin và lòng quyết tâm để đánh bại quân thù.

“Trưng bày nhằm nhắc nhớ những gian khổ, hy sinh của quân, dân Thủ đô để có được ‘Ngày về chiến thắng’, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ,” ông Biểu nói.

'Sông Hồng cuộn sóng': Sống lại khí thế 'Tiến về Hà Nội' năm 1954 ảnh 4Các nhân chứng lịch sử gặp gỡ, hồi tưởng lại những kỷ niệm thời kháng chiến. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ông Nguyễn Tiến Hà (tên thật là Nguyễn Hữu Tự), cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, nguyên cán bộ Mặt trận Quân sự Hà Nội tham dự lễ chào cờ lịch sử chiều 10/10/1954 hồi tưởng: “Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay hiên ngang trên đỉnh Cột Cờ Hà Nội, tôi lặng đi vì xúc động. Tôi rưng rưng nước mắt nhớ về những đồng đội, đồng chí, đồng bào đã hy sinh. Tôi vô cùng biết ơn những liệt sỹ đã giúp tôi thực hiện lời thề ẩn giấu trong tên mình Nguyễn Tiến Hà nghĩa là nguyện tiến về Hà Nội, giải phóng Thủ đô.”

Không gian trưng bày cũng có điểm nhấn để du khách lưu lại kỷ niệm. Đó là khu vực cổng trưng bày gợi nhớ hình ảnh những con sóng sông Hồng đang trào dâng mạnh mẽ như tinh thần bền bỉ chiến đấu, quyết tâm giành lại độc lập; tổ hợp hình ảnh nữ sinh kháng chiến Trường Trung học Trưng Vương tham gia diễu hành, rước cờ đề cao tinh thần chống ngoại xâm năm 1953. Tại đây, du khách có thể đứng trong tổ hợp trưng bày để hòa mình vào buổi diễu hành của các nữ sinh Hà Nội.

Trưng bày kéo dài từ hôm nay (4/10) cho đến hết ngày 31/12/2023./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục