Cựu Tổng thống Maldives tị nạn tại sứ quán Ấn Độ

Cựu Tổng thống Maldives Nasheed đã đến tị nạn tại khu Cao ủy Ấn Độ ở thủ đô Male sau khi một tòa án địa phương phát lệnh bắt giữ ông.
Cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed ngày 13/2 đã đến tị nạn tại khu Cao ủy Ấn Độ (sứ quán) ở thủ đô Male của Maldives, sau khi một tòa án địa phương phát lệnh bắt giữ ông.

Thông báo trên trang mạng cá nhân Twitter của ông Nasheed nêu rõ: "Vì sự an toàn của cá nhân tôi cũng như sự ổn định tại Ấn Độ Dương, tôi đã xin tị nạn tại trụ sở Cao ủy Ấn Độ ở Maldives."

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Đảng Dân chủ Maldives (MDP) của ông Nasheed cho biết ông đã vào khu ngoại giao của Ấn Độ lúc trưa 13/2 và có thể sẽ ở lại đó cho đến khi diễn ra phiên tòa cấp cao hơn, dự kiến vào tối cùng ngày, mà theo đó có thể bãi bỏ lệnh bắt giữ ông.

[Maldives: Cựu Tổng thống Nasheed bị cảnh sát bắt]


Trước đó, ngày 11/2, tòa án tại đảo Hulhumale gần thủ đô Male của Maldives đã phát lệnh bắt giữ ông Nasheed sau khi ông không xuất hiện tại phiên tòa được triệu tập để xét xử ông trước đó một ngày.

Ông Nasheed trở thành Tổng thống Maldives năm 2008 khi quốc gia này tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống dân chủ đầu tiên. Ông bị cáo buộc lạm dụng quyền lực sau khi ra chỉ thị quân đội bắt giữ một thẩm phán cấp cao hồi đầu năm ngoái.

Vụ bắt giữ trên đã làm bùng phát các cuộc biểu tình của các nhân viên an ninh dẫn đến việc ông phải từ chức ngày 7/2/2012. Tội bắt giữ trái phép một thẩm phán có thể khiến ông phải chịu án tù giam ba năm hoặc bị đày ra đảo xa.

Đảng MDP phản đối mạnh mẽ lệnh bắt giữ ông Nasheed và khẳng định rằng các cáo buộc chống lại ông mang động cơ chính trị.

Trong khi đó, ông Nasheed tuyên bố rằng ông bị ép từ chức trong một cuộc đảo chính quân sự được Tổng thống đương nhiệm Mohamed Waheed, khi đó là cấp phó của ông, ủng hộ.

Tuy nhiên, Ủy ban Điều tra Quốc gia (CoNI) của Maldives về quá trình chuyển giao quyền lực và tình hình bất ổn tại quốc đảo Ấn Độ Dương này, hồi tháng 8/2012 công bố kết quả điều tra khẳng định đây là một cuộc chuyển giao quyền lực hợp pháp, hợp hiến và không có đảo chính./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục