Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 41/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, nhiều nước trên thế giới đã thành công khi xây dựng mô hình đô thị thông minh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, tăng cường quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Tại Việt Nam, phát triển đô thị thông minh được xác định chính là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.
[Đô thị thông minh ở Việt Nam: Nhìn từ quốc gia có đặc điểm tương đồng]
Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030” (Đề án 950) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số nhằm thúc đẩy phát triển các đô thị thông minh ở Việt Nam.
Đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh theo Quyết định số 950 của Thủ tướng.
Bởi vậy, việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ các nước đã thành công trong phát triển đô thị thông minh cũng rất quan trọng, đặc biệt là kinh nghiệm từ các nước châu Á với nhiều đặc điểm tương đồng; trong đó có Hàn Quốc.
Bộ Xây dựng cho biết giữa năm 2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã ký quyết định phê duyệt văn kiện hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thực hiện Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” (VKC).
Dự án VKC nhằm mục đích thành lập một trung tâm chuyên nghiệp thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tiên tiến để đóng góp vào sự phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Hàn Quốc nói chung, giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) nói riêng.
Dự án VKC sẽ hỗ trợ cho Bộ Xây dựng triển khai thực hiện Đề án 950 thông qua hoạt động thí điểm lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh, hoạt động xây dựng Hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam; thành lập Trung tâm VKC và các hoạt động tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ về đô thị thông minh.
Về phía Việt Nam, Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ triển khai Dự án cho Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Học viện AMC), Cục Phát triển đô thị, Vụ Quy hoạch kiến trúc và các đơn vị liên quan.
Còn phía Hàn Quốc, đơn vị chịu trách nhiệm chính là Viện Kỹ thuật công trình và Công nghệ Xây dựng Hàn Quốc (KICT), Viện Nghiên cứu định cư con người Hàn Quốc (KRIHS), Tập đoàn đất đai và nhà ở Hàn Quốc (LH), Cơ quan công nghệ hạ tầng tiên tiến Hàn quốc (KAIA).
Lãnh đạo Học viện AMC chia sẻ đơn vị này được Bộ Xây dựng giao là Chủ dự án có trách nhiệm phối hợp với Nhà tài trợ nước ngoài giám sát tiến độ và chất lượng của Dự án, là đơn vị điều phối Dự án, trực tiếp thực hiện, khai thác và sử dụng kết quả đầu ra các Hợp phần 3 và 4 về Thành lập Trung tâm VKC (Trung tâm Hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc về Đô thị thông minh và Công nghệ xây dựng) và Tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ và hợp tác đào tạo công nghệ về đô thị thông minh.
Dự án “Thành lập trung tâm hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ hoàn thiện thể chế, pháp luật về phát triển đô thị thông minh đồng thời nâng cao năng lực của các cơ quan hoạch định chính sách, các cấp quản lý tại các địa phương trong thời gian tới./.