Đã có lời giải gỡ khó cho cây cao su miền Trung

Tái trồng cây cao su khu vực Bắc Trung Bộ là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên địa phương và lãnh đạo cần có sự quy hoạch vùng đặc thù cho cây cao su.

Sau những thiệt hại nặng nề về cây cao su do thiên tai gây ra cho khu vực miền Trung vừa qua, một câu hỏi đã được đặt ra là nên hay không nên tiếp tục trồng cao su ở Bắc Trung Bộ.

Câu hỏi này đã được giải đáp tại cuộc tọa đàm với chủ đề “Giải pháp nào cho cây cao su ở Bắc Trung bộ” do báo Lao động phối hợp cùng Kênh truyền hình Nông nghiệp-Nông thôn 3NTV–VTC 16 tổ chức sáng nay (8/11), tại Hà Nội.

Bám cây cao su

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Dương Đình Phương, chủ vườn cao su tiểu điền tại thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, không một cây trồng nào có thể hiệu quả bằng cây cao su ở vùng đất cằn sỏi đá miền Trung này.

Theo ông Phương, cây cao su là cây công nghiệp mang lại nhiều lợi ích kinh tế lớn cho nông dân, từng được ví như "vàng trắng" đối với dải đất Bắc Trung Bộ. Mặc dù, phát triển nông nghiệp khó tránh khỏi những yếu tố rủi ro do thiên tai, nhưng rõ ràng cây cao su đã mang lại lợi nhuận ổn định cho bà con trong suốt 30 năm nay.

“Tôi có 8 ha cao su, tôi và cây cao su cùng chung sống dưới rừng cây xanh tốt, tạo hiệu quả lớn, tạo công ăn việc làm cho người dân, con cái ăn học. Tuy thiệt hại đến 90% số cây cao su sau cơn bão, song bản thân gia đình tôi cũng như nhiều chủ vườn nơi đây vẫn quyết tâm gây dựng lại cao su,” ông Phương ngậm ngùi chia sẻ.

Khẳng định những lợi ích thiết thực từ cây cao su cho khu vực này, tiến sỹ Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, cây cao su đã phát triển ở khu vực Bắc Trung Bộ 53 năm và đã đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho người dân nên chắc chắn trong thời gian tới việc phát triển theo quy hoạch trong Quyết định 750 của Chính phủ duy trì diện tích 80.000 ha là cần thiết và theo xu hướng này, một số tỉnh còn đang đề nghị phát triển tiếp.

Đã có lời giải gỡ khó cho cây cao su miền Trung ảnh 1Nông dân huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) chăm sóc cây cao su tiểu điền. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

“Phát triển cao su ở Bắc Trung Bộ đã có 2 quy hoạch. Năm 1996, quy hoạch trồng cao su từ Thừa Thiên–Huế đến Thanh Hóa là 42.000 ha, đến năm 2009, đã điều chỉnh quy hoạch trồng cao su ở khu vực Bắc Trung Bộ đưa lên 82.000ha, chủ yếu trên đất nông nghiệp kém hiệu quả,” ông Phạm Đồng Quảng cho hay.

Đồng quan điểm, ông Phan Thành Dũng–quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu cao su–Tập đoàn cao su Việt Nam cho biết, những năm 80, việc trồng cây cao su có kết quả rất tốt nhờ lồng ghép kế hoạch trồng cây cao su với dự án 327. Những năm 90, đặc biệt là 2009-2011, giá cao su tốt nên tăng lên về sản lượng.

“Theo đó, vùng Bắc Trung Bộ là vùng đặc thù nhưng cây cao su chịu được điều kiện khó khăn, chịu được khô hạn, ưu thế hơn so với cây trồng khác, chi phí đầu tư, lao động thấp hơn,” ông Phan Thành Dũng đánh giá.

Rà soát lại quy hoạch

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc tái trồng cây cao su cho khu vực Bắc Trung Bộ là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên địa phương và lãnh đạo cần có sự quy hoạch cụ thể và cần nhanh chóng đưa ra một quy trình kỹ thuật trồng cao su đặc thù cho vùng Bắc Trung Bộ, đặc biệt là những giải pháp chống bão.

“Sẽ tiếp tục duy trì phát triển ổn định những vùng cao su quy hoạch cũ. Còn đối với những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao của bão ví dụ phía Đông huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), một số huyện giáp biển của tỉnh Hà Tĩnh như Kỳ Anh sẽ không tiếp tục mở rộng trồng cao su mà hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi sang trồng những cây trồng khác như trồng cây hồ tiêu ở Vĩnh Linh, trồng cỏ nuôi bò, cây ngắn ngày như ngô, đậu tương,” Cục Trưởng Phạm Đồng Quảng lưu ý.

Mặt khác, ông Quảng cho rằng, có thể còn mở rộng thêm diện tích trồng cây cao su tại Bắc Trung Bộ, song sẽ lùi về phía Tây, dọc theo dãy Trường Sơn nhằm hạn chế tối đa rủi ro cũng như nâng cao được hiệu quả cho người trồng cây cao su.

Nhấn mạnh về định hướng phát triển cây cao su, giáo sư tiến sỹ khoa học Nguyễn Ngọc Lung-Viện quản lý rừng bền vững cho rằng, mỗi người dân trồng cao su phải là một nhà đầu tư nên họ cần xem xét tránh đầu tư theo phòng trào đồng thời phải có trách nhiệm với vốn đầu tư của mình và quan tâm đến hai yếu tố chính: Quy hoạch phát triển có phù hợp không và có những dự báo về thay đổi của thị trường.

“Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách lâu dài nên đưa cây cao su vào bảo hiểm rủi ro để giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất và chủ động đối phó với những tình huống như cơn bão số 10 vừa rồi,” giáo sư Nguyễn Ngọc Lung kiến nghị.

Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng ban khách hàng hộ sản xuất và cá nhân-Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết, ngân hàng luôn có ưu đãi cho người dân và có 70% vốn được dành cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn. Đến nay, ngân hàng đã cho vay ngành cao su khoảng 6.000 tỷ đồng, riêng miền Trung là 223 tỷ đồng, số vay thuộc dự án đa dạng hóa nông nghiệp.

"Mặc dù, xác định đầu tư nguồn vốn cho vay trong nông nghiệp sẽ còn nhiều rủi ro song, nếu người dân có nhu cầu vay vốn để khắc phục thiệt hại, chúng tôi sẽ sẵn lòng hỗ trợ," ông Phạm Hồng Sơn chia sẻ./.

Cơn bão số 10 và số 11 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân trồng cao su ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ. Sau bão, toàn Bắc Trung Bộ đã có 21.500ha cao su bị tàn phá; trong đó có 13.000 ha cao su mất trắng hoàn toàn, tập trung chủ yếu tại ba tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục