Trước những tín hiệu phức tạp, đáng lo ngại của thời tiết cực đoan, bài 2 của chùm bài sẽ phản ánh những mô hình ứng phó biến đổi khí hậu hiệu quả ở các địa phương.
Bài 2: Đa dạng mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu
Với sự linh hoạt, quyết tâm, nỗ lực của chính quyền các cấp và sự thích ứng, chủ động của người dân, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Bắc Trung Bộ đạt nhiều kết quả tích cực.
Một số địa phương trong khu vực đã xuất hiện những mô hình ứng phó, thích ứng hiệu quả. Điển hình mô hình nhà tránh lũ, nhà văn hóa cộng đồng… tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An...
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Những năm qua, công tác tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được các cấp, ngành thuộc các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ chú trọng, góp phần nâng cao nhận thức, hình thành ý thức và kỹ năng thích ứng cho người dân địa phương.
Dù điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, những năm qua, Nghệ An luôn được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác tuyên truyền thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chỉ riêng năm 2023, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 92 lớp đào tạo, tập huấn; 63 hội nghị, hội thảo và 11 đợt diễn tập tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức trong phòng, chống thiên tai cho trên 50.000 đối tượng là cán bộ, người dân, người cao tuổi, người dễ bị tổn thương.
Tổng kinh phí dành cho hoạt động tuyên truyền hơn 1,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Trung ương, tỉnh hỗ trợ các địa phương sửa chữa, khắc phục, xây dựng 170 công trình quy mô nhỏ phòng, chống thiên tai, xây dựng 6 nhà cộng đồng chống lũ với tổng kinh phí trên 235 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Nghệ An cho biết, với vai trò là cơ quan đầu mối, hằng năm, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đều có văn bản đề nghị các địa phương phổ biến kiến thức ứng phó thiên tai được Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai tỉnh đăng tải lên trang web của Cục.
Đơn vị cử cán bộ xuống các huyện trực tiếp giảng dạy, truyền đạt kiến thức phòng, chống thiên tai tới người dân.
Để giúp người dân kịp thời nắm bắt các thông tin về cảnh báo, dự báo thiên tai, tin tức phòng, chống thiên tai, công tác chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó với từng loại hình thiên tai, Ban Chỉ huy đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin như hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng “PCTT” trên điện thoại; đăng thông tin trên các trang Facebook “Thông tin Phòng, chống thiên tai ” do Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai lập; trang “Thông tin phòng chống thiên tai Nghệ An” do Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An lập…
Các đơn vị như, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Tỉnh đoàn, Công an tỉnh hằng năm tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, đào tạo, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn Nghệ An.
Nhà chống lũ - giải pháp hiệu quả
Cùng với nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, các địa phương khu vực Bắc Trung Bộ đã triển khai hiệu quả các mô hình ứng phó, thích ứng với thời tiết, góp phần đảm bảo an toàn cho nhân dân, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng do mưa lũ, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tích cực huy động nhiều nguồn vốn khác nhau hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn xây dựng những căn nhà chống lũ.
Ông Dương Văn Đề, thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy chia sẻ: “Năm 2021, được Đảng, Nhà nước, chính quyền và các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ, gia đình tôi được hỗ trợ 70 triệu đồng để xây nhà phòng, tránh lũ. Vay mượn thêm họ hàng, tôi đã làm được căn nhà với kết cấu 2 tầng, diện tích sàn khoảng 40m2. Giờ đây, mỗi khi mưa lũ, gia đình rất yên tâm, không chỉ an toàn cho bản thân mà nhà chống lũ còn là nơi cất giữ tài sản cho gia đình."
Ông Nguyễn Văn Nhân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết mô hình nhà chống lũ rất hiệu quả đối với những địa phương có ít nhà cao tầng, vùng thấp trũng, xa các điểm sơ tán tập trung. Khi xảy ra mưa, lũ, nhà chống lũ trở thành những điểm sơ tán tập trung quy mô nhỏ, tạo thuận lợi cho công tác cứu hộ, cứu nạn, làm giảm bớt áp lực cho chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Văn Nhân mong muốn thời gian tới, các cấp, ngành liên quan mở rộng đối tượng và địa bàn hỗ trợ xây nhà chống lũ để giúp người dân giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tỉnh Quảng Bình hiện có trên 4.700 công trình nhà chống lũ, bão; trong đó, có trên 3.800 nhà được hỗ trợ theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung; gần 900 nhà theo Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam,” do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ thông qua Chương trình phát triển của Liên hợp quốc.
Ngoài ra, tỉnh cũng có hàng trăm căn nhà chống lũ được hỗ trợ xây dựng từ nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, theo ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn tỉnh còn nhiều thôn, bản ở khu vực thấp trũng, thường xuyên bị ngập lụt và mưa bão chưa có nhà tránh lũ cộng đồng.
Vì vậy, địa phương cũng mong muốn Trung ương, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế chung tay hỗ trợ xây dựng mô hình phòng, chống bão, lũ tại các địa phương thời gian tới.
Tại Hà Tĩnh, trước những tác dụng lớn của nhà chống lũ mang lại sau khi kết thúc chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước xây dựng 7.500 nhà (giai đoạn 2008-2020), tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo xây nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng thiên tai.
Từ năm 2020-2024, đã có gần 2.500 nhà ở và 42 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ được hỗ trợ bằng 100% nguồn lực xã hội hóa, với tổng kinh phí trên 250 tỷ đồng.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, các huyện, thành phố, thị xã đã xây dựng hơn 5.000 nhà ở hộ dân, nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão lũ. Hệ thống các công trình nhà văn hóa cộng đồng không chỉ có ý nghĩa trong việc phòng, tránh bão lũ mà đã phát huy, nhân rộng thành công mô hình nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong cuộc sống, học tập, lao động và sản xuất, phát triển văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân.
Theo bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, hiện nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với phòng tránh bão lũ và xây dựng nhà ở cho đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn còn rất lớn.
Nhưng hiện nay các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà tránh bão, lũ theo chuẩn nghèo đa chiều 2021-2025; hỗ trợ nhà đối với hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương vẫn chưa được ban hành mà mới chỉ ở giai đoạn lấy ý kiến./.