Đà điểu đầu mào, loài chim nguy hiểm nhất thế giới cách đây 18.000 năm

Điều gây kinh ngạc là dù rất hung dữ và có tính cách xâm chiếm lãnh thổ cao, đà điểu đầu mào lại là loài chim đầu tiên được con người thuần hóa .
Đà điểu đầu mào, loài chim nguy hiểm nhất thế giới cách đây 18.000 năm ảnh 1(Nguồn: CNN)

Theo nghiên cứu mới nhất do Kristina Douglass - trợ lý giáo sư về nhân chủng học và nghiên cứu châu Phi tại Đại học Penn State, Mỹ, loài chim đầu tiên con người nuôi có thể là đà điểu đầu mào.

Đà điểu đầu mào thường được coi là loài chim nguy hiểm nhất thế giới bởi vì chúng có các ngón chân với móng dài như dao găm.

Loài chim này có tính cách xâm chiếm lãnh thổ cao, rất hung dữ và thường được so sánh giống khủng long về ngoại hình. Vì thế, thật đáng kinh ngạc khi loài chim này lại được thuần hóa.

Hơn 1.000 mảnh vỡ vỏ trứng hóa thạch - có niên đại từ 18.000 đến 6.000 năm tuổi - mới được khai quật từ hai hầm trú ẩn bằng đá sử dụng bởi những người săn bắn hái lượm ở New Guinea.

Những người này ban đầu có thể thu thập trứng của loài chim khổng lồ không biết bay trước khi chúng nở, sau đó nuôi nấng đến khi trưởng thành.

Theo các nghiên cứu trước đây, con người được cho là thuần hóa loài chim đầu tiên cách đây không quá 9.500 năm.

Các nhà nghiên cứu cho biết mặc dù một con đà điểu đầu mào có thể hung dữ (con vật này từng tấn công khiến một người đàn ông ở Florida tử vong vào năm 2019), nó lại dễ dàng "ấn tượng" và trở nên gắn bó với sinh vật đầu tiên nó thấy sau khi chào đời. Và tình cảm này vẫn duy trì cho đến khi con vật trưởng thành.

[Ai Cập phát hiện hóa thạch cá voi lưỡng cư có niên đại 43 triệu năm]

Để đưa ra kết luận, các nhà khoa học đã nghiên cứu vỏ trứng của của nhiều con vật, bao gồm gà tây, đà điểu emu và nhiều loài thuộc chi đà điểu.

Mặt trong của vỏ trứng thay đổi khi con vật phát triển và lấy canxi từ vỏ trứng. Sử dụng hình ảnh 3D có độ phân giải cao và kiểm tra bên trong trứng, các nhà nghiên cứu có thể xây dựng mô hình trứng trông như thế nào trong các giai đoạn ấp khác nhau.

Họ đã thử nghiệm mô hình trên trứng đà điểu emu và loài đà điểu thông thường trước khi áp dụng lên mảnh vỏ trứng hóa thạch tìm thấy ở New Guinea. Kết quả, hầu hết vỏ trứng ở New Guinea đều đã gần tới giai đoạn nở.

“Phần lớn vỏ trứng được lấy về khi chúng ở trong giai đoạn cuối” khi mà phôi của đà điểu đầu mào có đủ các chi, mỏ, móng vuốt và lông, Douglass cho biết.

Về câu hỏi liệu con người chủ đích thu thập trứng này để cho chúng nở ra hay lấy trứng để ăn, Douglass nói rằng có thể họ đã làm cả hai.

Tuy nhiên, “chúng tôi đã xem xét khả năng vỏ trứng bị đốt cháy nhưng không thấy dấu hiệu nào cho thấy điều đó,” tác giả nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục