Xuất khẩu da giày của Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2018 và là ngành hàng có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Trao đổi với phóng viên, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội da-giày-túi-xách (lefaso) cho biết, song song với việc phát triển nguyên phụ liệu thì hiện các doanh nghiệp Việt Nam cũng đầu tư rất nhiều vào khâu phát triển thiết kế. Đây là bước đột phá để ngành da giày Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
[Kim ngạch xuất khẩu giầy dép vượt con số 10,5 tỷ USD trong 8 tháng]
- Điểm lại năm 2018, theo bà ngành da giày đã đạt được những kết quả gì nổi bật?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Năm 2018 xuất khẩu da giày ước đạt con số 19,5 tỷ USD, tăng khoảng 8,5% so với năm 2017 và chiếm 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây là một thành tích khá ấn tượng của ngành da giày Việt Nam trong năm 2018.
- Mặc dù là ngành xuất khẩu chủ lực, tuy nhiên giá trị gia tăng còn chưa cao do phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, vậy bà nhận định như thế nào về vấn đề này?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Đây là thực trạng của ngành da-giày trong nhiều năm làm gia công cho các thương hiệu nước ngoài. Các doanh nghiệp FDI có thị trường xuất khẩu ổn định nên kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh và ổn định, trong khi doanh nghiệp trong nước có nhiều khó khăn về thị trường nên phải làm gia công cho các thương hiệu nước ngoài.
Tuy nhiên, trong 11 tháng của năm 2018 có thể thấy, các doanh nghiệp FDI xuất khẩu 11,63 tỷ USD giày dép và 2,34 tỷ USD túi-ví-cặp, chiếm 79,4% về giày dép và 76,2% về túi-ví-cặp, điều này cho thấy có sự tăng lên của doanh nghiệp trong nước trong tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu da giày (các năm trước tỷ trọng xuất khẩu của FDI là 80-81%).
- Kim ngạch xuất khẩu giày dép 9 tháng năm 2018:
- Các doanh nghiệp trong nước đã có sự chuẩn bị như thế nào để làm chủ thương hiệu, thưa bà?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Bước tiến hiện nay là chính các doanh nghiệp trong nước cũng đã tạo ra được những bộ sưu tập và những bộ thiết kế để chào tới các khách hàng của mình chứ không phải phụ thuộc vào các mẫu thiết kế của khách hàng như trước đây.
Một số doanh nghiệp đã cùng với khách hàng để xây dựng các mẫu thiết kế cho những mùa sắp tới, đó là bước tiến rất tốt của doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta đã đi từng bước một, từ lúc đầu phụ thuộc hoàn toàn vào mẫu thiết kế của khách hàng thì nay chúng ta đã cùng với khách hàng thiết kế và có doanh nghiệp đã tự xây dựng được bộ thiết kế để chào cho khách hàng.
Bước tiếp theo nữa là chúng ta sẽ cố gắng làm chủ được các bộ thiết kế đó, có nghĩa là chúng ta sẽ xây dựng được những thương hiệu sản phẩm riêng cho mình, nhưng hiện nay mức độ đó mới chỉ ở các doanh nghiệp nhỏ, còn các doanh nghiệp lớn vẫn cần đến các thương hiệu lớn của quốc tế.
Nhưng ngược lại, nhờ việc chúng ta tham gia vào việc sản xuất các sản phẩm dưới các thương hiệu quốc tế thì chúng ta cũng khẳng định được dần các khía cạnh về chất lượng, uy tín cũng như thương hiệu của các nhà sản xuất Việt Nam. Với đà như vậy trong thời gian tới các doanh nghiệp của Việt Nam dần dần có tạo ra được những thương hiệu của chính mình.
Chúng tôi cũng thấy được một xu hướng hết sức mạnh mẽ hiện nay của thế giới là chúng ta không cần phải xây dựng ngay các thương hiệu từ đầu mà chúng ta đã mua được các thương hiệu quốc tế, với bề dầy cùng với lịch sử phát triển của thương hiệu mua được đó thì các doanh nghiệp của Việt Nam tiếp tục phát triển các thương hiệu đó lên và làm chủ các thương hiệu đó.
Đây là một xu hướng hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang tiếp cận và đã đạt được một số thành công nhất định ở ngay tại thị trường nội địa cũng như vươn ra thị trường quốc tế.
- Theo bà, hiệp định CPTPP sẽ tác động như thế nào đến xuất khẩu của ngành trong năm 2019 và những năm tiếp theo?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Sản phẩm da giày có tỷ lệ cắt giảm thuế cao ngay sau khi CPTPP có hiệu lực và với những thuận lợi thương mại quy định trong CPTPP Việt Nam sẽ thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực da-giày. Kim ngạch xuất khẩu da giày sang các nước thành viên CPTPP sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới.
Tuy nhiên có thực tế là nhiều thành viên hiệp định CPTPP như Nhật Bản, Úc, New Zealand, Singapore, Malaysia, Chile, Brunei đã có các FTA với Việt Nam và Việt Nam đã hưởng cắt giảm thuế quan với các nước này (chỉ còn Canada, Mexico, Peru chưa có FTA), nên khả năng sẽ không có mức tăng đột biến tại các nước Việt Nam đã có FTA.
- Một trong những điểm mấu chốt của CPTPP là quy tắc xuất xứ. Cụ thể với ngành da giày, hiệp định này đòi hỏi quy tắc xuất xứ như thế nào?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Về quy tắc xuất xứ, theo CPTPP, đối với giày dép thực hiện quy tắc chuyển đổi mã thuế 2 chữ số (CC) hoặc chuyển đổi nhóm mã thuế 4 chữ số (CTH) và hàm lượng giá trị khu vực RVC 45% (theo phương pháp tính trực tiếp), hoặc 55% theo phương pháp tính gián tiếp. Đối với Valy-túi-cặp có sử dụng nguyên liệu vải phải tuân theo quy tắc “từ sợi trở đi” như đối với hàng dệt may.
CPTPP cho phép người sản xuất, người xuất khẩu và người nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ. Tuy nhiên, đối với hàng nhập khẩu Việt Nam bảo lưu chỉ áp dụng hình thức Nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ sau 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Đối với hàng xuất khẩu Việt Nam có thê áp dụng song song trong 10 năm với 2 hình thức: Cấp C/O giấy theo hình thức truyền thống và người xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ. Sau 10 năm CPTPP có hiệu lực Việt Nam sẽ hoàn toàn áp dụng tự chứng nhận xuất xứ.
- Vậy khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước hiện ra sao?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo CPTPP các doanh nghiệp buộc phải đáp ứng các yêu cầu của quy tắc xuất xứ, cụ thể là phải sử dụng nguyên liệu của Việt Nam hoặc của các nước thành viên CPTPP với tỷ lệ xuất xứ theo yêu cầu.
Các doanh nghiệp trong nước lâu nay sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc… sẽ gặp khó khăn thực hiện quy tắc xuất xứ này khi xuất khẩu sang các nước CPTPP, vì vậy doanh nghiệp sẽ phải tìm nguồn nguyên liệu từ các nước thành viên CPTPP.
- Thuận lợi và khó khăn của ngành da giày trong năm 2019 như thế nào, thưa bà?
Bà Phan Thị Thanh Xuân: Cơ hội mở ra, tăng trưởng xuất khẩu rất rõ ràng song chúng ta cũng nhìn nhận thấy các thách thức của ngành da giày và phải đối mặt để đáp ứng các điều kiện mới về quy tắc xuất xứ, trong đó 55% tỷ lệ nội địa hóa sản xuất tại Việt Nam.
Với doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt thì không có gì trở ngại, tuy nhiên đối với doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu nếu không đáp ứng được điều kiện sẽ trượt đi cơ hội này.
Một khó khăn nữa là về tiêp cận thị trường. Do nhiều doanh nghiệp chỉ quen thực hiện các đơn hàng nhỏ lẻ tập trung vào thị trường nội địa, do vậy khi cơ hội mở ra nếu doanh nghiệp không nâng cao quy mô, năng lực sản xuất nội tại sẽ không đáp ứng được yêu cầu đó. Ngoài ra, vấn đề năng lực tài chính, con người cũng cần cải thiện mới có thể nắm bắt được các cơ hội.
- Xin cảm ơn bà./.