Đặc khu hành chính Hong Kong bị hạ dự báo tăng trưởng kinh tế

Tổng hội Thương mại Hong Kong đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Hong Kong từ 2,8% công bố vào cuối năm 2021 xuống 1,2%, và tỷ lệ thất nghiệp được điều chỉnh tăng từ 3,7% lên 4,8% vào cuối 2022.
Đặc khu hành chính Hong Kong bị hạ dự báo tăng trưởng kinh tế ảnh 1Người dân mua sắm tại một chợ ở Hong Kong, Trung Quốc, ngày 13/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Làn sóng dịch bệnh thứ 5 tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đang ngày càng trở lên nghiêm trọng khi số ca mắc mới liên tục tăng lên khiến hệ thống y tế quá tải.

Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Hong Kong trong năm 2022.

Ngày 17/2, Tổng hội Thương mại Hong Kong đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Hong Kong từ 2,8% công bố vào cuối năm 2021 xuống 1,2%, và tỷ lệ thất nghiệp được điều chỉnh tăng từ 3,7% lên 4,8% vào cuối năm 2022.

Doanh số bán lẻ của Hong Kong dự kiến sẽ giảm 2% trong năm nay, so với mức tăng 5% vào cuối năm 2021.

[IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do biến thể Omicron]

Tổng hội Thương mại cũng đã đệ trình một loạt khuyến nghị chính sách tới Cục trưởng Cục Tài chính Trần Mậu Ba cho “Dự toán ngân sách 2022-2023” sắp được công bố.

Những khuyến nghị đó là để tránh các doanh nghiệp phải đóng cửa, phân bổ nguồn lực để tăng cường khả năng cạnh tranh lâu dài của Hong Kong. 

Các đề xuất bao gồm chính quyền cần tăng cường trợ cấp cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số và tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao mức độ tự động hóa, đơn giản hóa thủ tục tuyển dụng nhân viên từ bên ngoài Hong Kong (bao gồm cả Trung Quốc Đại lục), đặc biệt là trong các ngành thiếu nhân lực trầm trọng. 

Ngoài ra, dự toán ngân sách nên bao gồm các biện pháp cứu trợ như: tăng cường các biện pháp hỗ trợ tài chính cho các ngành bị ảnh hưởng và đảm bảo việc làm; khởi động vòng mới của chương trình phiếu tiêu dùng điện tử trị giá thấp nhất là 4.000 HKD (khoảng 12 triệu đồng Việt Nam); giảm 100% thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiền lương và thuế thu nhập cá nhân cho năm tài khóa 2021-2022, với mức giới hạn 20.000 HKD cho mỗi trường hợp; và đưa ra thỏa thuận sắp xếp các khoản lỗ để giúp các công ty (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) bị thiệt hại nặng nề trong thời kỳ dịch bệnh có thể vực dậy.

Theo Chủ tịch Tổng hội Thương mại Vương Đông Sinh, biến thể Omicron chắc chắn sẽ làm chậm tiến trình thông quan, khiến việc trở về trạng thái hoạt động bình thường của các doanh nghiệp gặp khó khăn hơn.

Theo ông, mặc dù một số công ty có thể chuyển sang làm việc theo hình thức trực tuyến, nhưng một số công ty ví dụ như các ngành cần tiếp xúc nhiều thì không phù hợp, nếu quy định giãn cách xã hội bị siết chặt hơn nữa, các ngành đó sẽ chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng.

Các quy định cách ly và nhập cảnh nghiêm ngặt của Hong Kong đã khiến nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gặp khó khăn.

Ông Vương Đông Sinh cho rằng với tư cách là một trung tâm tài chính và thương mại quốc tế, Hong Kong cần phải tiếp tục phát huy lợi thế cạnh tranh đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực mới.

Những biện pháp này sẽ chứng minh cho các nhà đầu tư quốc tế và người dân thấy rằng Hong Kong vẫn là luôn một thành phố sôi động và cởi mở.

Kinh tế Hong Kong dần hồi phục trong nửa cuối năm 2021, nhưng việc chính quyền Hong Kong khởi động lại các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, khiến nhiều ngành nghề vẫn phải tạm ngừng hoạt động, nền kinh tế đang phục hồi lại tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề.

Ngày 20/2, Hong Kong ghi nhận 6.067 ca mắc mới. Chính phủ Trung Quốc đã phải cử nhiều chuyên gia y tế đến hỗ trợ Hong Kong chống dịch. Trước đó, Chính quyền Hong Kong đã phải thông báo lùi thời gian bầu Trưởng Đặc khu từ ngày 27/3 sang ngày 8/5./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục