Bà Maud de Boer-Buquicchio, đặc phái viên Liên hợp quốc phụ trách về vấn nạn mua bán, mại dâm trẻ em, cho biết khoảng 13% nữ sinh Nhật Bản có hành vi liên quan đến "hẹn hò trả phí" và Chính phủ Nhật Bản phải nhanh chóng tìm ra biện pháp chống lạm dụng tình dục trẻ em.
Một số quan chức Nhật Bản đã tỏ ý không hài lòng về con số mà bà Maud de Boer-Buquicchio đưa ra. Họ cho rằng những con số đó không có căn cứ.
13% nữ sinh Nhật Bản liên quan đến "hẹn hò trả phí"
Tân Hoa xã đưa tin sau khi kết thúc chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 19-26/10, bà Maud de Boer-Buquicchio đã đưa ra đánh giá về tình trạng bán dâm, bóc lột tình dục trẻ em tại nước này.
Trước khi rời Nhật Bản, bà đã tổ chức một cuộc họp báo và chỉ ra rằng các hình thức lạm dụng tình dục trẻ em ở Nhật Bản rất đa dạng và "hẹn hò trả phí" là một ví dụ. Hành vi này rất phổ biến trong số các nữ sinh, chiếm 13%.
Báo The Sankei Shimbun của Nhật Bản ngày 2/11 đưa tin những con số do bà Maud de Boer-Buquicchio đưa ra đã gây ra sự bất bình trong Nội các Nhật Bản. Họ cho rằng những con số đó không có căn cứ, là "quá đáng." Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, Bộ Giáo dục cùng cho rằng chẳng có cơ sở nào cho con số này.
Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền đã đưa ra hồi đáp về vấn đề này. Họ nói rằng 13% là con số ước chừng ban đầu, một cách biểu đạt của bà Maud de Boer-Buquicchio đưa ra để làm cho hành vi "hẹn hò trả phí" trở thành hiện tượng thực sự đáng lo ngại ở Nhật Bản.
Một thượng nghị sỹ Nhật Bản cho biết với tư cách là đặc phái viên của Liên hợp quốc, cách nói của bà Maud de Boer-Buquicchio dễ gây hiểu lầm và có ý định thông qua Bộ Ngoại giao yêu cầu Liên hợp quốc đưa ra lời đính chính, xin lỗi.
Mỹ coi Nhật Bản là "trung tâm khiêu dâm trẻ em"
Dưới sức ép của dư luận, năm 2014, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua luật cấm sở hữu hình ảnh, video khiêu dâm của trẻ em dưới 18 tuổi. Người vi phạm sẽ phải đối mặt với án phạt.
Trước đó, luật pháp Nhật Bản chỉ cấm việc sản xuất, phân phối các nội dung khiêu dâm trẻ vị thành niên. Điều này xa lạ với hầu hết các nước khác trên toàn thế giới, là nước duy nhất trong nhóm G7 không cấm việc sở hữu nội dung khiêu dâm trẻ vị thành niên.
Những người phản đối khiêu dâm trẻ em coi Nhật Bản là nơi sản xuất chính các sản phẩm khiêu dâm trẻ em trên thế giới. Báo cáo nhân quyền năm 2013 của Bộ Ngoại giao Mỹ coi Nhật Bản là trung tâm sản xuất và buôn bán các sản phẩm khiêu dâm trẻ em.
Mặc dù luật mới cấm sở hữu những hình ảnh và video khiêu dâm trẻ em nhưng lại không cấm những hình ảnh khiêu dâm xuất hiện trong truyện tranh và phim hoạt hình.
Những người hoạt động trong giới manga Nhật Bản thì lấy việc "tự do thể hiện" làm lý do để kiên quyết phản đối việc đưa các tình tiết khiêu dâm trẻ em ra ngoài tác phẩm của họ.
Ngoài ra, những album ảnh hay băng đĩa có hình ảnh trẻ em ăn mặc hở hang hay gợi tình cũng không bị cấm, vẫn tràn ngập trong các cửa hàng trên đường phố và các cửa hàng trực tuyến trên mạng.
Xã hội Nhật Bản dường như đã chấp nhận khiêu dâm trẻ em
Bà Maud de Boer-Buquicchio đã nói trong buổi họp báo rằng vẫn còn nhiều lỗ hổng trong luật mới. Những hiện tượng trên là xu hướng khiến người ta lo ngại nhưng dường như điều này đã được xã hội (Nhật Bản) chấp nhận.
Ngày 28/10, bà Maud de Boer-Buquicchio lại một lần nữa kêu gọi Chính phủ Nhật Bản cấm những tác phẩm manga có chi tiết khiêu dâm, và chỉ rõ Nhật Bản cần nhanh chóng đưa ra một chiến lược tổng hợp để có thể phòng và tiêu diệt những vụ việc mua bán và lạm dụng tình dục trẻ em./.