Đại biểu kỳ vọng gì ở tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ?

Các đại biểu Quốc hội kỳ vọng tân Chủ tịch Quốc hội sẽ quy tụ, phát huy được trí tuệ, trách nhiệm, sự sáng tạo của các đại biểu, tạo ra chuyển biến trong tổ chức hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 31/3, 473/473 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành - bằng 98,54% tổng số đại biểu Quốc hội - bầu ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.

Bày tỏ kỳ vọng đối với tân Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên chia sẻ: “Tôi mong rằng Chủ tịch Quốc hội mới sẽ phát huy tinh thần, giá trị nền tảng mà Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội Khóa XIV đã tạo được; luôn thể hiện được bản lĩnh và nghệ thuật trong quá trình điều hành để nghị trường Quốc hội luôn là diễn đàn sôi nổi, dân chủ, năng động. Với uy tín, năng lực và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của mình, tôi tin tưởng tân Chủ tịch Quốc hội sẽ quy tụ, phát huy được trí tuệ, trách nhiệm, sự sáng tạo của các đại biểu Quốc hội trong quá trình hoạt động."

“Quốc hội có 500 đại biểu, có thể mỗi người sẽ có những tâm thế, lựa chọn phương thức hoạt động khác nhau nên tôi mong rằng Chủ tịch Quốc hội sẽ hài hòa, điều phối được, hỗ trợ hết mình cho các đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu trẻ lần đầu tiên tham gia để họ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, khơi dậy được tinh thần dân chủ và tạo điều kiện để họ nhập cuộc nhanh, quyết liệt và thể hiện được bản lĩnh của người đại biểu dân cử,” đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nói.

[Tiểu sử tóm tắt của tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ]

Đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau kỳ vọng Chủ tịch Quốc hội mới sẽ tạo ra những chuyển biến trong tổ chức của Quốc hội và sự chuyển động của các đại biểu Quốc hội chuyên trách; quan tâm đến lĩnh vực lập pháp với nhiều bài học kinh nghiệm rút ra ngay từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, nhất là khắc phục tình trạng đưa vào, rút ra các dự luật, tổ chức soạn thảo dự án luật để bảo đảm tính khách quan, để không có chi phối lợi ích nhóm...

“Tôi kỳ vọng việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước sẽ có những chuyển biến. Hiện nay chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước do Quốc hội tiến hành đã đạt được kết quả nhất định, nhưng còn một số hạn chế do thời gian nộp báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ cho đại biểu Quốc hội chưa đầy đủ," đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Đại biểu kỳ vọng gì ở tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ? ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Lê Thanh Vân. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ mong muốn Chủ tịch Quốc hội mới sẽ có những biện pháp kiên quyết hơn để không chỉ bảo đảm tiến độ thời gian trong việc gửi báo cáo mà các cơ quan trình còn phải làm kỹ hơn các thông tin chi tiết, báo cáo đánh giá tác động trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng thách thức, áp lực với Chủ tịch Quốc hội rất lớn. Đó là làm sao vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vừa hoàn thành vai trò pháp lý. Vai trò “chính trị” phải thấu triệt được tất cả những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Với trài trò "pháp lý," Chủ tich Quốc hội là người chủ trì hoạt động của cơ quan lập pháp, chuyển hóa các chủ trương, đường lối thành quy định pháp luật.

“Điều quan trọng nữa là sự tương tác của Chủ tịch Quốc hội với các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, với truyền thông, cử tri, nhân dân... để thu thập được ý kiến, tâm tư nguyện vọng của đất nước, đưa cuộc sống sinh động vào nghị trường, để Quốc hội phản ánh đúng nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước, bảo đảm được thực quyền trong mọi lĩnh vực,” đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Sau khi bầu Chủ tịch Quốc hội mới, Quốc hội sẽ tiếp tục tiến hành quy trình nhân sự chủ chốt của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Trong những ngày làm việc tiếp theo, Quốc hội tiến hành quy trình miễn nhiệm và bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Quốc hội cũng sẽ tiến hành bầu, miễn nhiệm lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, bao gồm: Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Nước, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội, một số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Tôi tin tưởng rằng, các đồng chí được dự kiến giới thiệu đảm nhận các chức danh này sẽ nhận được số phiếu tín nhiệm cao, tiếp tục cống hiến năng lực, trí tuệ, trách nhiệm cho đất nước; thực hiện đúng lời tuyên thệ của mình trước Quốc kỳ, Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, giữ vững lòng tin, sự tín nhiệm của Quốc hội và nhân dân dành cho mình.”/.

Đại biểu Quốc hội kỳ vọng vào những nhân sự chủ chốt được bầu vào Nhà nước, Quốc hội, Chính Phủ khóa mới.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục