Đại biểu QH: Ba năm liên tiếp “cháy” chỉ tiêu tăng năng suất lao động

Năm 2023 dự kiến sẽ là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam không đạt chỉ tiêu tăng năng suất lao động đề ra. Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải có giải pháp quyết liệt cho vấn đề này.
Đại biểu QH: Ba năm liên tiếp “cháy” chỉ tiêu tăng năng suất lao động ảnh 1Tăng năng suất lao động đang là bài toán khó của Việt Nam. (Ảnh minh họa: Xuân Quảng/Vietnam+)

Liên tục trong ba năm qua, chỉ tiêu về việc tăng năng suất lao động đều không thực hiện được là vấn đề được nhiều đại biểu chỉ ra tại buổi thảo luận tại Quốc hội chiều nay. Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp để cải thiện vấn đề này.

Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế

Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho hay Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong thời gian vừa qua, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, vẫn chưa có chuyển biến rõ nét, chưa thực sự là động lực, là đột phá để phát triển kinh tế xã hội. Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa bám sát nhu cầu thị trường lao động, nhất là các ngành nghề kinh tế mới, thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành kinh tế số.

[Nền kinh tế hàng đầu châu Á hụt hơi do năng suất lao động suy giảm]

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế INO, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 chỉ bằng 12,2% mức năng suất lao động của Singapore, bằng 24,4% Hàn Quốc, bằng 58,9% của Trung Quốc, bằng 63,9% của Thái Lan, 94,2% của Philipine. Trong khi đó, Tổ chức Năng suất châu Á ATO đánh giá năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm, so với Thái lan là 10 năm.

Tuy xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa cho phát triển kinh tế xã hội, cho cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhưng hiện nay nguồn nhân lực chất lượng cao của chúng ta vẫn còn thiếu hụt. Theo đó, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng cần có chính sách đột phá, khắc phục những tồn tại, hạn chế đang là rào cản với sự phát triển nhân lực chất lượng cao. 

Đại biểu QH: Ba năm liên tiếp “cháy” chỉ tiêu tăng năng suất lao động ảnh 2Đại biểu Trần Văn Khải phát biểu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho rằng chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm thứ ba liên tiếp không đạt là vấn đề đáng lo ngại. Thậm chí, theo đại biểu Nghĩa, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đang có xu hướng giảm và thấp hơn mức bình quân của giai đoạn trước.

Cần có giải pháp quyết liệt

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Chính phủ cần đánh giá nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công, đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/1 tuần xuống 44 giờ/1 tuần, tiến tới 40 giờ/1 tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999).

Đại biểu QH: Ba năm liên tiếp “cháy” chỉ tiêu tăng năng suất lao động ảnh 3Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới,” đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho hay và đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm, ủng hộ quy định này.

Có giải pháp tăng năng suất lao động cũng là kiến nghị của đại biểu Trần Văn Khải. Theo đại biểu Khải, báo cáo của Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn nữa thực trạng, khó khăn, nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi trong việc phát triển nhân lực chất lượng cao, cải thiện năng suất lao động.

Quốc hội cần sớm có giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, phát triển nguồn lực lao động, năng suất lao động, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội ban hành chính sách đặc thù, đột phá, định hướng, đặt mục tiêu, lộ trình, lĩnh vực, nguồn vốn đầu tư nhằm thực hiện thành công chủ trương của Đảng.

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về những chỉ tiêu ước cả năm 2023 không đạt mục tiêu đề ra, nhất là chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng năng suất lao động xã hội khi mục tiêu này đã không đạt trong 3 năm liên tiếp.

Cho rằng tăng năng suất lao động là con đường ngắn nhất đưa nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững, đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đề nghị cần quan tâm cải thiện vấn đề này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục