Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực phù hợp những thách thức mới

Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực và tăng cường việc làm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế tri thức, công nghệ và công nghiệp 4.0, phù hợp với những thách thức mới.
Phiên thảo luận Chuyên đề 2 với chủ đề “Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới”-Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023. (Ảnh: Vietnam+)
Phiên thảo luận Chuyên đề 2 với chủ đề “Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới”-Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023. (Ảnh: Vietnam+)

Xu hướng giảm tỷ lệ, tăng năng suất trong dài hạn đang diễn ra trên toàn cầu ở hầu khắp các khu vực trên thế giới đặt ra nhiều thách thức về mặt chính sách, trong đó có Việt Nam.

Tăng năng lực thực thi chính sách

Tại phiên thảo luận Chuyên đề 2 với chủ đề “Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới”-Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023, tiến sỹ Nguyễn Lê Hoa-Trưởng Phòng Nghiên cứu Năng suất, Viện Năng suất Việt Nam cho biết nguyên nhân năng suất lao động Việt Nam thấp do thiếu hụt nguồn lao động lành nghề có kỹ năng cao. Bên cạnh đó, thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vì vậy rất khó có thể nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực này.

Theo bà Hoa, mặc dù các chính sách của Nhà nước Việt Nam tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế đã tác động tích cực đến tăng năng suất, nhưng đến nay năng suất nội ngành vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Các ngành đóng góp cao vào GDP và sử dụng lao động cao lại có mức năng suất còn thấp và tốc độ tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đặt ra.

[GDP có thể đạt 6,8%-7,4% khi thực hiện các động lực tăng trưởng tốt]

Trên thực tế, bà Hoa cho biết Việt Nam có nhiều chính sách lớn nhằm thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, như đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới khoa học công nghệ sáng tạo. Tuy nhiên, vấn đề là quá trình thực thi chính sách lại rất chậm. Nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp song “nghịch lý” là không có sự tham gia tích cực từ phía doanh nghiệp.

Do đó, bà Hoa kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào liên kết phối hợp để xây dựng các chính sách đồng bộ và xuyên suốt. Chính sách nhằm tạo điều kiện thúc đẩy nguồn lực và tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò trong việc tăng năng suất lao động.

Để làm được điều này, bà Hoa cho rằng cần tăng năng lực thực thi chính sách thúc đẩy năng suất, tập trung vào ngành đóng góp giá trị gia tăng cao và sử dụng nhiều lao động.

Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực phù hợp những thách thức mới ảnh 1Toàn cảnh phiên thảo luận Chuyên đề 2 tại Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023. (Ảnh: Vietnam+)

Đánh giá chung, ông Felix Weidencaff, chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho rằng Việt Nam đã đạt tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong 1 thập kỷ qua, tuy nhiên so với các nước ASEAN vẫn còn khoảng cách và thấp hơn một số quốc gia trong khu vực.

Do đó, ông Felix Weidencaff cho rằng Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực và tăng cường việc làm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế tri thức, công nghệ và công nghiệp 4.0, phù hợp với sự thay đổi bản chất của thất nghiệp và những thách thức mới. Trên cơ sở đó, Việt Nam cần thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả, tạo việc làm bền vững và đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phân bổ nguồn lực trọng tâm

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Jonathan Pincus, chuyên gia Kinh tế quốc tế cấp cao của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho hay hiện nay, trên thế giới chỉ có khoảng 11 quốc gia có thể duy trì tăng năng suất về lâu dài, trong đó Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu cùng phần lớn các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Điểm chung của các quốc gia này là những nước xuất khẩu thành công, tận dụng nhu cầu nước ngoài để tăng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp và nông nghiệp.

Ông Jonathan Pincus chỉ ra trước đây, các nước Thái Lan và Malaysia (trong khu vực Đông Nam Á) có tốc đố tăng năng suất lao động tăng nhanh. Tuy nhiên, hai nước này không còn duy trì được tốc độ tăng năng suất lao động sau khủng hoảng tài chính châu Á. Nguyên nhân là do các quốc gia này không nâng cấp được chính sách phát triển khi đạt được mức thu nhập trung bình. Họ tiếp tục theo đuổi chính sách tăng trưởng dựa trên xuất khẩu chi phí thấp, không đổi mới để nâng cấp công nghệ, nâng cấp năng lực của các ngành sản xuất trong nước.

Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực phù hợp những thách thức mới ảnh 2Ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế quốc tế cấp cao của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc. (Ảnh: Vietnam+)

Đồng quan điểm với đánh giá chung từ quốc tế, ông Jonathan Pincus cho rằng Việt Nam là nước thu nhập trung bình đạt được tăng trưởng đáng “ngưỡng mộ” trong một thời gian. Song, ông này cũng chỉ ra vấn đề của Việt Nam trước bẫy thu nhập trung bình như các nước trên đã gặp phải.

“Hiện nay, Việt Nam đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển là thấp nhất ở khu vực công. Các viện nghiên cứu tư nhân cũng chưa được khuyến khích phát triển. Điều này là do các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đa quốc gia, còn doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dẫn tới khó có đủ nguồn lực cho nghiên cứu phát triển,” đại diện của UNDP nói.

Ngoài ra, vị chuyên gia của UNDP chỉ ra hai vấn đề trong đầu tư nghiên cứu phát triển của Việt Nam là tiêu quá ít song lại quá dàn trải. Bên cạnh đó, khả năng điều phối giữa trung ương và địa phương trong đầu tư nghiên cứu phát triển còn thấp. Nguồn vốn đầu tư nhỏ lại trải ra quá nhiều cơ quan, bộ, ngành và thiếu tập trung vào những ngành then chốt.

“Ngoài ra, Việt Nam chưa có đủ không gian trong giáo dục cao học, nhất là các ngành khoa học, kỹ thuật. Trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đầu tư tại Việt Nam, Nhà nước cần có chuẩn bị tốt hơn để tận dụng cơ hội này. Việt Nam có nhiều du học sinh ở các nước phát triển, nhiều nhân tài khoa học công nghệ cần được khuyến khích trở về các viện, trường ở Việt Nam để tận dụng được nguồn vốn nhân lực này,” Jonathan Pincus kiến nghị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục