Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận trực tuyến

Luật Công đoàn, Luật Giáo dục đại học là những nội dung chính được bàn thảo tại phiên làm việc trực tuyến đầu tiên Quốc hội khóa XIII.
Ngày 9/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về các dự án: Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Giáo dục đại học với sự tham gia của các vị đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các cơ quan soạn thảo.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: nếu Hội nghị trực tuyến đầu tiên này của khóa XIII tổ chức thành công, Quốc hội sẽ tiến tới một phương thức họp mới, tổ chức nhiều cuộc hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để tăng cường sự phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đặc biệt là liên quan tới vấn đề về luật, về giám sát của Quốc hội.

Nếu thuận lợi, có thể cải tiến một bước quan trọng là tổ chức kỳ họp Quốc hội ở những nội dung cho phép theo phương thức Hội nghị trực tuyến, giảm bớt việc họp tập trung, thời gian cũng như kinh phí mà chất lượng vẫn đảm bảo tốt.

Theo Chủ tịch Quốc hội, với cách họp này, các đại biểu Quốc hội, nhất là các vị chuyên trách ở các đoàn đại biểu Quốc hội, ở cơ quan của Quốc hội phải làm việc nhiều hơn, với tính chuyên nghiệp cao hơn và có chiều sâu hơn để đảm bảo chất lượng tốt hơn. Đây là một sự kết nối thường xuyên hơn giữa Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội với các đại biểu ở 63 tỉnh, thành.

Chủ tịch Quốc hội tin rằng với sự tham gia của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia liên quan, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật giáo dục đại học sẽ được nâng cao chất lượng hơn một bước trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.

Quy định rõ hơn quyền của đoàn viên Công đoàn

Luật Công đoàn (sửa đổi) là dự án luật quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức hoạt động của công đoàn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xác định rõ hơn vị trí, vai trò của công đoàn trong việc đại diện chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Liên quan đến vai trò đại diện của Công đoàn, theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, lịch sử phát triển của công đoàn Việt Nam đã chứng tỏ công đoàn ở Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện và luôn xác định chức năng cơ bản quan trọng nhất của công đoàn là đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thành viên của mình. Xét về trách nhiệm đối với giai cấp công nhân và người lao động trong hệ thống chính trị Việt Nam, công đoàn không phải là chủ thể duy nhất chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng này.

Hơn nữa, Hiến pháp 1992 cũng đã quy định “công đoàn cùng với các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác.” Đa số ý kiến nhất trí với phương án trong dự thảo, nhưng vẫn còn ý kiến băn khoăn như đối với công chức, viên chức thì có nên thuộc phạm vi của dự án luật này không? Cũng có ý kiến cho rằng, chức năng đại diện là chức năng nội sinh của Công đoàn, cần tiếp tục khẳng định chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, không nên sửa đổi, xem Công đoàn như các tổ chức khác.

Một số ý kiến cho rằng, đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là trách nhiệm trọng tâm của tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ tập trung quy định về tổ chức và cán bộ Công đoàn mà chưa có quy định về quyền và nghĩa vụ của đoàn viên Công đoàn. Để Công đoàn thực sự có sức hấp dẫn đối với người lao động và tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người sử dụng lao động, dự thảo cần làm rõ quyền lợi, trách nhiệm của người lao động khi tham gia Công đoàn, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với thành viên của mình chứ không chỉ quy định về cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn.

Đề cập quyền gia nhập và hoạt động Công đoàn của lao động là người nước ngoài, nhiều ý kiến nhất trí nên quy định với những điều kiện nhất định được quy định rõ trong luật. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), trong quan hệ lao động giữa người Việt Nam và người lao động nước ngoài, trong quá trình sử dụng bắt đầu phát sinh mâu thuẫn cần phải có sự điều chỉnh can thiệp của công đoàn. Mặt khác, hiện nay, người lao động đến Việt Nam ngày càng tăng; quyền và nghĩa vụ của mỗi người lao động đều như nhau, kể cả lao động là người nước ngoài tại Việt Nam. Vì thế công nhân nước ngoài khi lao động ở Việt Nam cũng cần phải được công đoàn bảo vệ khi cần thiết.

Về số lượng lao động tối thiểu để thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, tinh thần chung là nhất trí theo hướng những đơn vị, doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên phải thành lập công đoàn cơ sở. Những nơi có số lao động thấp hơn thì theo Điều lệ công đoàn đã quy định có đủ 5 người lao động thì công đoàn cấp trên phải hướng dẫn để họ cũng có quyền thành lập công đoàn và trên cơ sở tự nguyện của người lao động.

Có ý kiến cho rằng, hiện nay, số doanh nghiệp có dưới 20 lao động chiếm khá nhiều trong tổng số doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu quy định cứng như phương án trên thì những người lao động ở các doanh nghiệp này sẽ được bảo vệ như thế nào? Trong khi đó, theo quy định của Điều lệ Công đoàn hiện hành, công đoàn cơ sở được thành lập ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp khi có 5 đoàn viên trở lên.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị nên quy định mềm hơn theo hướng: người sử dụng lao động không được cản trở và phải tạo điều kiện cho việc thành lập tổ chức công đoàn khi có đủ số lao động theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Hà Tĩnh, hai việc này không mâu thuẫn với nhau theo lập luận: doanh nghiệp có từ 5 lao động trở lên là đủ điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở còn doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên thì bắt buộc phải thành lập Công đoàn cơ sở.

Cốt lõi của tổ chức giáo dục đại học là thực hiện quyền tự chủ

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Luật Giáo dục đại học sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đổi mới quản lý Nhà nước về giáo dục đại học, đổi mới quản lý của các cơ sở giáo dục, đẩy mạnh phân cấp quản lý giáo dục đại học và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học để từng bước phát triển về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo đại học. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước.

Nhiều ý kiến nhất trí việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học và đề nghị quy định chi tiết ngay trong luật các điều kiện, tiêu chí để cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở giáo dục đại học và là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học hiện nay. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt của dự án luật. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  đã sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể các nội dung tự chủ, đối tượng và lộ trình thực hiện tự chủ.

Theo giáo sư Trần Thị Tâm Đan (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng); giáo sư Đặng Hữu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường đại học Quốc tế Bắc Hà, nếu đã nhìn nhận tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của các cơ sở giáo dục đại học, tại sao lại đặt vấn đề trao hay không trao và trao đến đâu các quyền này?

Giáo sư Trần Thị Tâm Đan cho rằng nên nhìn nhận quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm dưới góc độ cơ chế quản trị của các trường. Nếu Nhà nước đã xác định thực hiện cơ chế quản trị các trường đại học theo tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì phải đi kèm 2 thiết chế là Hội đồng quản trị và Hiệu trưởng; trường nào cũng phải thực hiện theo cơ chế quản lý này; phải xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng quản trị và Hiệu trưởng...

Tán thành với ý kiến của 2 đại biểu trên, đại biểu Trần Du Lịch. Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cốt lõi của việc tổ chức lại giáo dục đại học là thực hiện quyền tự chủ. Dự thảo mới chỉ đưa ra một số khía cạnh trong thực hiện quyền tự chủ, trong khi nhiều khía cạnh khác cũng có thể thực hiện được như: tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức tuyển sinh./.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục