Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non

Theo các đại biểu Quốc hội, giáo viên mầm non là công việc vất vả, đòi hỏi có sức khỏe tốt để chăm sóc cả ngày cho trẻ đang ở độ tuổi hiếu động nên giáo viên lớn tuổi sẽ không đảm bảo sức khỏe.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Nhận định giáo dục mầm non là công việc vất vả, đòi hỏi nhiều thời gian và phải có sức khỏe, tâm sinh lý tốt, một số đại biểu Quốc hội kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu cho đối tượng này để đảm bảo quyền lợi của giáo viên và đảm bảo chất lượng giáo dục.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho hay qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, có rất nhiều ý kiến cử tri đề xuất bổ sung luật cho phép tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi nghỉ hưu chung của Luật Lao động. Cụ thể là nam 57 tuổi và nữ 55 tuổi, với điều kiện giáo viên mầm non có ít nhất 15 năm công tác và đóng bảo hiểm xã hội theo đúng vị trí việc làm.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Huế, giáo viên mầm non có nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em từ 3 đến 6 tuổi. Chăm sóc trẻ ở độ tuổi này đòi hỏi giáo viên phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để đảm bảo an toàn. Do vậy, trong công việc, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực, gây ức chế tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, thể chất và tinh thần.

Do đặc thù tính chất công việc, giáo viên mầm non thường phải có mặt ở trường từ sáng sớm để đón trẻ, kết thúc thời gian làm việc muộn khi trẻ đã được gia đình đón hết. Trong suốt thời gian của buổi học, giáo viên mầm non phải tổ chức thực hiện các hoạt động có tính chất vận động liên tục, như múa, hát, thể dục, chăm sóc trẻ hiếu động. Điều đó đòi hỏi giáo viên cần phải có sức khỏe tốt, phản xạ nhanh.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế cho rằng đối với giáo viên mầm non, nếu tuổi cao thì không còn sức sáng tạo, kém linh hoạt, sức khỏe suy giảm, không còn nhanh nhẹn để bảo đảm được chất lượng chăm sóc, giáo dục, đặc biệt là bảo đảm an toàn cho trẻ.

“Do đó, tôi thấy quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non cần thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi quy định chung là phù hợp. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét,” Đại biểu Nguyễn Thị Huế nói.

231120230935-nguyễn-thị-hà.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Hà. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bày tỏ đồng tình với kiến nghị này, Đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là nữ đến 60 tuổi là chưa thật sự phù hợp. Do đó, nữ đại biểu đề nghị Ban soạn thảo luật Bảo hiểm Xã hội nghiên cứu quy định theo hướng xác định giáo viên mầm non là trường hợp đặc biệt. Chính phủ quy định đối với đối tượng này cho phù hợp với đặc thù của giáo viên mầm non hoặc bổ sung giáo viên mầm non là nhóm lao động nặng nhọc, độc hại để áp dụng điều kiện nghỉ hưu quy định tại điểm b Điều 64 của Luật Bảo hiểm Xã hội.

"Đây cũng chính là mong mỏi và nguyện vọng thiết tha của các cử tri đang làm giáo viên mầm non tại tỉnh Bắc Ninh,” Đại biểu Nguyễn Thị Hà nêu ý kiến.

Đây cũng là kiến nghị của đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn. “Đề nghị tiếp tục nghiên cứu có thêm những ngành nghề đặc thù, nếu số năm đóng bảo hiểm xã hội cao được nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi quy định, ví dụ ngành nghề giáo viên mầm non,” Đại biểu Chu Thị Hồng Thái nói./.

Tin cùng chuyên mục