Theo Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, ngày 28/11 tới, Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc. Đây là một kỳ họp được đánh giá có khối lượng công việc khá nặng và có nhiều đổi mới, đặc biệt là ở phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Bên lề nghị trường, các đại biểu đã có những nhận xét với báo giới về kỳ họp này.
Đại biểu Trần Du Lịch (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh):
Kỳ họp lần này có nhiều ấn tượng. Đơn cử như việc Bộ luật Hình sự sửa lại theo nguyên tắc nếu không có luật thì không có tội và bổ sung một loạt tội danh liên quan đến quản lý kinh tế… Hay Bộ luật tố tụng hình sự đưa ra quyền im lặng, nghĩa là không có nghĩa vụ tự nhận tội để kết tội mình mà cơ quan tố tụng phải có nhiệm vụ chứng minh. Tôi cho rằng đây là những tiến bộ lớn trong quá trình làm luật pháp của nước ta.
Cũng trong kỳ họp lần này, chúng ta thảo luận kỹ thực trạng của ngân sách, vấn đề nợ công với nhiều ý kiến sắc sảo. Và, Quốc hội đã đưa ra Nghị quyết buộc tiết giảm chi tiêu, giảm cơ cấu nợ, chấm dứt tình trạng năm sau vay nợ nhiều hơn năm trước.
Một điểm nữa là tình trạng sử dụng đất không hiệu quả ở các nông lâm trường. Riêng đất nông nghiệp trong các nông lâm trường trên 600 ngàn ha không mang lại hiệu quả cao. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp muốn làm nông nghiệp kỹ thuật cao lại không có đất.
Lần này, Quốc hội đã giám sát, chỉ ra cơ chế quản lý bất cập, lãng phí và đưa ra Nghị quyết trong đó có nguyên tắc quỹ đất này là hữu hạn, phải phát huy hiệu quả lợi thế đất nông nghiệp.
Riêng về giám sát tối cao, kỳ họp này cũng rất ấn tượng. Lần đầu tiên cho phép Đại biểu Quốc hội chất vấn không giới hạn thành viên Chính phủ về các vấn đề còn tồn tại đặt ra trong suốt nhiệm kỳ. Chất vấn thấy được rằng hết nhiệm kỳ, cái gì đã làm được, cái gì còn để lại cho nhiệm kỳ sau những vấn đề đất nước đang đặt ra để xử lý.
Bên cạnh đó, quá trình đổi mới chất vấn được nâng dần lên. Tôi cho rằng khi trả lời, các Bộ trưởng đã đi thẳng vấn đề. Tuy nhiên, có một số việc quá vụn vặt, đáng lẽ giải quyết ở địa phương thì lại đem ra giải quyết tại Quốc hội.
Tôi cho rằng cải tiến là rất tốt, nhưng phải làm rõ cái gì thuộc trách nhiệm của Chính phủ, cái gì của địa phương để cho nhiệm kỳ tới, những chất vấn tại Quốc hội là vấn đề quốc gia. Còn vấn đề địa phương thì giao cho Hội đồng Nhân dân địa phương chịu trách nhiệm này…
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình):
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 là kỳ họp hết sức quan trọng với khối lượng công việc lớn. Các Đại biểu phải thảo luận, đóng góp ý kiến cũng như biểu quyết quyết định tới 17 dự luật, trong đó có nhiều bộ luật rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn tới nhân dân cũng như 16 Nghị quyết mà Quốc hội thống qua.
Kỳ họp này cũng có nhiều điểm mới, trong đó vai trò chất vấn và trả lời chất vấn khác hẳn với kỳ trước. Tại kỳ họp thứ 10, vấn đề chất vấn có tính hệ thống từ kỳ họp thứ 1 đến giờ.
Những thông điệp từ phía Chính phủ, thành viên Chính phủ, cơ quan chức năng, Quốc hội thông qua báo cáo gửi tới các Đại biểu Quốc hội và đọc để toàn dân cùng nghe, biết được Chính phủ cũng như các ngành đã làm được gì trong thời gian qua cũng như tồn tại và đưa ra cam kết thực hiện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, những ý kiến của cử tri, cũng được các đại biểu tổng hợp và kiến nghị lên Quốc hội thông qua những câu hỏi chất vấn các thành viên Chính phủ đồng thời gửi bằng văn bản nếu chất vấn không có thời gian.
Khác hẳn các lần trước, cuộc chất vấn lần này câu hỏi của các đại biểu không phải gọn theo hình thức trước đây chỉ lựa chọn 4-5 vấn đề mà các đại biểu có thể hỏi rộng hơn. Thậm chí, 1 câu hỏi có thể đặt tới nhiều Bộ trưởng và hỏi tới Phó Thủ tướng, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước.
Có câu hỏi mấy Bộ trưởng trả lời, thậm chí có 3 Phó Thủ tướng cũng tham gia trả lời câu hỏi của Đại biểu. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội cũng trả lời câu hỏi khi đại biểu đặt vấn đề. Đây là hình thức chất vấn mới và tôi đánh giá cao phương pháp chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ này.
Tuy nhiên, trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn còn những việc cần điều chỉnh như nhiều câu hỏi của đại biểu còn dài, rộng quá; phía trả lời cũng chưa ngắn gọn, đi vào trọng tâm, thời gian dành cho chất vấn ngắn… Do đó, những vấn đề này cần được điều chỉnh để kỳ sau hiệu quả hơn nữa./.