Đại biểu quốc hội: Chất lượng nguồn nhân lực là "chìa khóa" hội nhập

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, để hội nhập thành công, điều quan trọng nhất chính là định hướng của người đứng đầu doanh nghiệp, nhằm xây dựng chiến lược kinh doanh vượt qua áp lực cạnh tranh.
Đại biểu quốc hội: Chất lượng nguồn nhân lực là "chìa khóa" hội nhập ảnh 1 Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đang trao đổi với báo chí (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong những năm qua, Việt Nam đã đàm phán và ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các thị trường lớn trên thế giới nhằm gia tăng các cơ hội phát triển và hợp tác kinh tế quốc tế.

Đặc biệt, Hiệp định Kinh tế Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chứng kiến một xu hướng mới trong đàm phán và ký kết, theo đó không chỉ những lĩnh vực truyền thống như thương mại sẽ mở cửa mà cả những vấn đề phi thương mại như lao động, môi trường cũng được đưa vào hiệp định.

Vậy khi tham gia vào Hiệp định này, Việt Nam sẽ có những cơ hội và thách thức gì trong bối cảnh các doanh nghiệp ​của chúng ta phần lớn thuộc diện ​vừa và nhỏ.

Bên lề kỳ họp thứ 10, quốc hội khóa 13, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã có một số trao đổi với VietnamPlus về những vấn đề trên.

- Thưa ông, Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo ông chúng ta cần có giải pháp gì để hội nhập tốt, nhất là vấn đề nguồn nhân lực?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Khi tham gia một vấn đề trên diễn đàn quốc tế, đặc biệt ở lĩnh vực kinh tế xã hội thì nó sẽ có những mặt ưu điểm, có lợi thế và cùng với đó không tránh khỏi những thách thức.

Từ thực tế cho thấy, trong sự phát triển của thế giới không một quốc gia nào nhường cho nước khác một ưu thế, mà ưu thế đó chính là sự cố gắng vươn lên của mỗi bản thân, ngành kinh tế và định hướng phát triển, chủ trương chiến lược của đất nước đó.

Có thể thấy, việc Việt Nam tham gia hiệp định TPP lần này, chắc chắn một số lĩnh vực của chúng ta có thể yếu thế bởi sức cạnh tranh, bởi công nghệ kỹ thuật áp dụng còn yếu. Chính vì thế, người lao động ở một số lĩnh vực đó sẽ bị thiệt thòi.

Tuy nhiên, không phải chúng ta không có ưu thế, điều đó thể hiện ở chỗ, một số lĩnh vực mà chúng ta có thể tiếp cận vẫn có thế mạnh về nguồn lực và chúng ta có thể cạnh tranh được.

Ngoài ra, một ưu thế nữa là các mặt hàng của chúng ta có thể tiếp cận và mở rộng thị trường ra các nước trên thế giới, cũng như đã vượt qua được rào cản về thuế quan của các nước đó mà họ tạo nên để hạn chế bớt hàng hóa của các nước khác tiến vào thị trường.

Một khía cạnh nữa theo tôi, khi tham gia Hiệp định TPP, những ngành, lĩnh vực còn yếu sẽ buộc chúng ta phải có cách thức, có phương pháp để bứt phá vươn lên. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chiến lược phải tuyên truyền, vượt qua khó khăn.

- Ông có thể nói rõ hơn về những lợi thế của chúng ta, đặc biệt là vấn đề nguồn nhân lực sẽ đóng vai trò như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Ở thời đại khoa học kỹ thuật, nguồn vốn đóng vai trò hết sức quan trọng, nhưng để ứng dụng được công nghệ thì yếu tố quan trọng vẫn nằm ở con người. Cho nên vấn đề chất lượng nguồn nhân lực luôn là yếu tố số một quyết định sự phát triển, cạnh tranh.

Bởi thế, để chuẩn bị hội nhập tốt, theo tôi thời gian tới chúng ta cần phải đầu tư đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có trình độ khoa học công nghệ, trình độ tư duy để có thể tiếp cận với thế giới, trong đó kể cả cái đơn giản nhất là ngoại ngữ cũng là vấn đề hết sức đáng quan tâm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải liên kết, trong từng ngành hàng, từng lĩnh vực để hạn chế những tồn tại về nguồn vốn, về công nghệ, cũng như giải quyết những bất cập trong các vấn đề thị trường.

- Số lượng doanh nghiệp của Việt Nam phần lớn đều thuộc diện vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu, vốn lại ít, vậy có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Theo tôi công nghệ của nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và siêu nhỏ không hoàn toàn đúng. Hiện Việt Nam có nhiều doanh nghiệp áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới. Tất nhiên, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số lượng đông và khi vào cạnh tranh gặp khó khăn.

Tuy nhiên, về lâu dài các doanh nghiệp khi gia nhập TPP phải tìm hiểu kỹ về các thỏa thuận khi tham gia hiệp định này, phải tìm hiểu nội dung liên quan đến cạnh tranh và so sánh được mối tương quan để từ đó có định hướng trong quá trình phát triển cũng như xây dựng chiến lược kinh doanh.

Quan trọng hơn, cần phải xem mặt hàng của mình, ngành nghề của mình nên đầu tư cái gì, cần ưu tiên công nghệ, con người hay mặt hàng.

Cái quan trọng nhất chính là định hướng của người đứng đầu doanh nghiệp, tiếp đến mới là vai trò của cơ quan nhà nước để các doanh nghiệp biết ​cách ​tiếp cận và tham gia cạnh tranh trong từng lĩnh vực.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục