Theo nhiều đại biểu và cử tri, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV là một kỳ họp thành công khi Quốc hội đã bàn thảo, giải quyết khối lượng công việc lớn, đưa ra thảo luận và quyết định những vấn đề quyết định quan trọng cho cả giai đoạn sắp tới.
Bên lề nghị trường, Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đã trao đổi với báo chí về những nhận định của mình về kỳ họp này.
- Thưa ông, là một Đại biểu Quốc hội trong nhiều nhiệm kỳ [ông Dương Trung Quốc là Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII và XIV-pv], ông có nhận định thế nào về Kỳ họp thứ 2?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Nếu chú ý chúng ta sẽ thấy, khác với những lần trước, số lượng người phát biểu rất nhiều. Trong đó, có nhiều vị đại biểu mới nhập cuộc khá nhanh và chất lượng.
Trong điều hành, chúng ta cũng thấy có sự thay đổi bằng những cải tiến rất nhỏ. Ví dụ như ở phiên chất vấn, hầu như không có cảm giác các thành viên của Chính phủ, từ Thủ tướng, Bộ trưởng có hiện tượng câu giờ, e ngại mà nói cách khác là chuyển từ tâm thế bị chất vấn sang được chất vấn. Họ thấy đây là cơ hội, diễn đàn để bày tỏ quan điểm của cơ quan hành pháp, để chia sẻ và tiếp nhận đóng góp ý kiến.
Tôi cũng ấn tượng với cách điều hành của Thủ tướng. Có thể câu trả lời của Thủ tướng chưa đáp ứng hết mọi người nhưng nó diễn ra rất nhanh với một khối lượng thông tin lớn. Thủ tướng trả lời nhanh, gọn, đi thẳng vào vấn đề, thậm chí có chỉ đạo tại chỗ.
Tôi cho rằng đây là cách làm tốt và thể hiện vai trò của người điều hành. Việc hầu như ai cũng được phát biểu ý kiến của mình làm cho các đại biểu không còn cảm giác e ngại là không đến lượt mình thì thôi.
- Việc tranh luận, chất vấn trên nghị trường luôn được cử tri cả nước theo dõi. Như đại biểu nói, kỳ họp này đã có sự cải tiến, nhưng ông có mong muốn gì ở những phiên chất vấn lần sau…?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Tranh luận là nội dung chính của chất vấn trên diễn đàn. Trước kia cũng có nhưng năm nay có thay đổi về kỹ thuật điều hành, hình thức tham gia và về cơ bản là tốt. Việc trao đổi thẳng thắn cũng làm cho người được trao đổi nhận thức ra vấn đề để sửa.
Tuy nhiên, có nhiều tranh luận không ngã ngũ vì cơ chế như vậy. Người trao đổi, tranh luận không phải là người có quyền quyết định tất cả mọi chuyện, không thể bao quát tất cả được. Cũng giống như vấn đề chất vấn, tưởng rằng chất vấn một vấn đề của một bộ, ngành ấy nhưng bộ ngành ấy không thể tự mình làm được hết, nên cuối cùng lại hứa, lại ghi nhận.
Ví dụ như vấn đề Bộ Y tế phải khắc phục việc một giường nhiều bệnh nhân, thế nhưng ai cho Bộ y tế tiền để mua giường thì đó lại là Bộ Tài chính. Hoặc, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, không chỉ là người sản xuất (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) mà liên quan tới quản lý thị trường (Bộ Công Thương), xử lý các vấn đề (Bộ Y tế)…
Do đó, tôi mong muốn trong việc chất vấn, nhất là chất vấn ở phiên toàn thể với thời lượng tương đối ngắn, tần số giữa hai kỳ họp là nửa năm thì đừng bàn chuyện quá lớn mà bàn chuyện thiết thực. Tuy nhiên, phải đặt trên tầm vĩ mô nên các Phó Thủ tướng đứng ra trả lời chất vấn, các bộ trưởng là người hỗ trợ thì kết luận cuối cùng mới là người có thẩm quyền.
- Việc tranh luận có ý nghĩa thế nào trong việc xây dựng các dự án luật, thưa đại biểu?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Việc tranh luận cho biết nhận xét của đại biểu với cơ quan soạn thảo luật, chất lượng ra sao.
Bên cạnh đó, do tính đa dạng của đại biểu Quốc hội, họ tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau. Ví dụ như có đại biểu gắn chặt với đường sắt, giao thông họ nói những điều hết sức sát sườn mà như tôi không thể biết được.
Bởi vậy, trên diễn đàn Quốc hội là vừa cung cấp thông tin, vừa thuyết phục lẫn nhau. Khi ấn nút, người nào thuyết phục tôi tốt, tôi sẽ theo người đó bởi tôi không thể nắm tất cả vấn đề của đời sống, nhất là các luật chuyên ngành.
Đương nhiên trong tranh luận thảo luận các dự án luật, sẽ phát hiện những điều không hợp lý của dự thảo luật, đòi hỏi phải nghiên cứu lại. Bởi vậy, thảo luận ở quốc hội là rất quan trọng.
- Xin cảm ơn Đại biểu!