Với đa số đại biểu tán thành, sáng 21/6, Quốc hội đã thông qua ba luật, hai nghị quyết, bao gồm Luật quảng cáo, Luật tài nguyên nước (sửa đổi), Luật biển Việt Nam, Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010, Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước về quảng cáo
Luật quảng cáo quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
Trong số các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo như thuốc lá, thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng, các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục..., sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo cũng nằm trong danh mục bị cấm.
Quy định này của Luật nhằm bảo đảm lợi ích và nhu cầu chính đáng của bà mẹ và trẻ em, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Tuy nhiên, đối với mặt hàng rượu, chỉ những loại rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên mới bị cấm quảng cáo.
Lý giải của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy nếu cấm quảng cáo rượu hoàn toàn, vô hình chung sẽ cấm quảng cáo toàn bộ đồ uống có cồn, bao gồm cả bia và rượu nhẹ, trong đó có một số đồ uống tốt cho sức khỏe (như các loại rượu vang, đồ uống dinh dưỡng...). Hơn nữa, đa số các tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu nặng. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chỉ quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
Các hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân; quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố sẽ bị cấm trong hoạt động quảng cáo.
Dự thảo Luật quảng cáo được 97,39% đại biểu tán thành thông qua.
Khuyến khích thực hiện chính sách tiết kiệm nước
Với 478 đại biểu tán thành, chiếm 95,79%, Quốc hội đã thông qua Luật tài nguyên nước (sửa đổi).
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc điều chỉnh nước biển thuộc vùng nội thủy, lãnh hải trong Luật tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm bảo đảm sự thống nhất với Luật biên giới quốc gia, Luật biển Việt Nam xem xét, thông qua tại kỳ họp này, các luật chuyên ngành và các tuyên bố của Nhà nước Việt Nam để khẳng định chủ quyền của Việt Nam phù hợp với Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế. Nước khoáng, nước nóng thiên nhiên đã được điều chỉnh bởi Luật khoáng sản nên không quy định trong luật này.
Luật tài nguyên nước (sửa đổi) quy định tổ chức, cá nhân đầu tư dự án trong đó có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước hoặc có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn bị ảnh hưởng về những nội dung liên quan đến phương án khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của dự án; gửi kèm theo hồ sơ của dự án khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư.
Các tổ chức, cá nhân này cũng phải công khai thông tin về những nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của dự án và những ảnh hưởng có thể gây ra cho cộng đồng trước khi triển khai thực hiện dự án.
Để khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân thực hiện chính sách tiết kiệm nước trong việc tái sử dụng nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn vào các mục đích sử dụng, Luật đã quy định Nhà nước đầu tư và có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ, phát triển các nguồn nước, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tái sử dụng, xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt, thu gom, sử dụng nước mưa, bổ sung nhân tạo nước dưới đất, khôi phục nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, phòng, tránh, giảm nhẹ tác hại do nước gây ra.
Tăng cường chỉ đạo công tác quyết toán ngân sách nhà nước
Trên cơ sở báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 với các chỉ số: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước 777.283 tỷ đồng, bao gồm cả thu chuyển nguồn từ năm 2009 sang năm 2010, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2009, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 850.874 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011. Bội chi ngân sách nhà nước là 109.191 tỷ đồng, bằng 5,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm số kết dư của ngân sách địa phương. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước bao gồm vay trong nước: 68.967 tỷ đồng; vay ngoài nước: 40.224 tỷ đồng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo công tác quyết toán ngân sách nhà nước, bảo đảm thực hiện đúng trình tự, thủ tục, tiến độ và nâng cao chất lượng thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước; khắc phục tình trạng phân giao ngân sách chậm, tránh ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, tăng cường hơn nữa công tác quản lý thuế, nâng cao hiệu quả kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hạn chế tối đa nợ đọng thuế.
Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị xem xét, khắc phục những tồn tại được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 534/BC-UBTCNS13 ngày 08/5/2012 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra và của Kiểm toán Nhà nước tại Báo cáo kiểm toán số 93/BC-KTNN ngày 10/5/2012. Kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm trong quản lý, điều hành ngân sách và báo cáo kết quả với Quốc hội khi trình báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.
Nâng cao hiệu quả đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, 96,99% đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Quốc hội quyết nghị tăng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa X, đảm bảo vốn 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước. Tăng vốn đầu tư công phát triển nông nghiệp, nông thôn cho các vùng trọng điểm, các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao, đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia, các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi, những địa phương khó có điều kiện thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác, các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và Chương trình 135 của Chính phủ.
Ưu tiên tập trung đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ trong nông nghiệp. Sớm hoàn thiện cơ bản hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng, phục vụ tưới tiêu chủ động cho diện tích lúa hai vụ, các vùng cây công nghiệp và nguyên liệu, nuôi trồng thủy sản tập trung; xây dựng và củng cố hệ thống đê sông, đê biển, đê bao, khu neo đậu, tránh bão, các công trình ngăn mặn, xả lũ, giữ ngọt, tiêu úng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hoàn thiện hệ thống cảnh báo thiên tai trong cả nước; phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nông thôn; phát triển hạ tầng điện cung cấp đủ cho sản xuất và sinh hoạt khu vực nông thôn.
Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho việc phát triển vùng nguyên liệu rừng, đầu tư trồng và bảo vệ rừng; rà soát lại quỹ đất của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng sử dụng chưa hiệu quả để có kế hoạch giao cho các doanh nghiệp và người dân trồng rừng.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách thu hút đầu tư, nhất là về thu tiền sử dụng đất, thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp có dự án, công trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các dự án đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư phát triển công nghệ chế biến các sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị gia tăng cao.
Thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế vào một số dự án hiện còn dựa nhiều vào ngân sách nhà nước. Tập trung các nguồn vốn, huy động nội lực trong nhân dân xây dựng nông thôn mới; thực hiện lồng ghép các nguồn lực, các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Rà soát, điều chỉnh một số tiêu chí nông thôn mới và các chương trình mục tiêu khác cho phù hợp với thực tế, điều kiện kinh tế - xã hội ở các vùng, miền khác nhau.
Tại phiên họp sáng nay, với 99,2% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam./.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nhà nước về quảng cáo
Luật quảng cáo quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
Trong số các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm quảng cáo như thuốc lá, thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng, các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục..., sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo cũng nằm trong danh mục bị cấm.
Quy định này của Luật nhằm bảo đảm lợi ích và nhu cầu chính đáng của bà mẹ và trẻ em, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Tuy nhiên, đối với mặt hàng rượu, chỉ những loại rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên mới bị cấm quảng cáo.
Lý giải của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy nếu cấm quảng cáo rượu hoàn toàn, vô hình chung sẽ cấm quảng cáo toàn bộ đồ uống có cồn, bao gồm cả bia và rượu nhẹ, trong đó có một số đồ uống tốt cho sức khỏe (như các loại rượu vang, đồ uống dinh dưỡng...). Hơn nữa, đa số các tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu nặng. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chỉ quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
Các hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân; quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố sẽ bị cấm trong hoạt động quảng cáo.
Dự thảo Luật quảng cáo được 97,39% đại biểu tán thành thông qua.
Khuyến khích thực hiện chính sách tiết kiệm nước
Với 478 đại biểu tán thành, chiếm 95,79%, Quốc hội đã thông qua Luật tài nguyên nước (sửa đổi).
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc điều chỉnh nước biển thuộc vùng nội thủy, lãnh hải trong Luật tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm bảo đảm sự thống nhất với Luật biên giới quốc gia, Luật biển Việt Nam xem xét, thông qua tại kỳ họp này, các luật chuyên ngành và các tuyên bố của Nhà nước Việt Nam để khẳng định chủ quyền của Việt Nam phù hợp với Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế. Nước khoáng, nước nóng thiên nhiên đã được điều chỉnh bởi Luật khoáng sản nên không quy định trong luật này.
Luật tài nguyên nước (sửa đổi) quy định tổ chức, cá nhân đầu tư dự án trong đó có xây dựng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước hoặc có hoạt động xả nước thải vào nguồn nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn bị ảnh hưởng về những nội dung liên quan đến phương án khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của dự án; gửi kèm theo hồ sơ của dự án khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc đầu tư.
Các tổ chức, cá nhân này cũng phải công khai thông tin về những nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của dự án và những ảnh hưởng có thể gây ra cho cộng đồng trước khi triển khai thực hiện dự án.
Để khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân thực hiện chính sách tiết kiệm nước trong việc tái sử dụng nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn vào các mục đích sử dụng, Luật đã quy định Nhà nước đầu tư và có cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ, phát triển các nguồn nước, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tái sử dụng, xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt, thu gom, sử dụng nước mưa, bổ sung nhân tạo nước dưới đất, khôi phục nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, phòng, tránh, giảm nhẹ tác hại do nước gây ra.
Tăng cường chỉ đạo công tác quyết toán ngân sách nhà nước
Trên cơ sở báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 với các chỉ số: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước 777.283 tỷ đồng, bao gồm cả thu chuyển nguồn từ năm 2009 sang năm 2010, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2009, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 850.874 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011. Bội chi ngân sách nhà nước là 109.191 tỷ đồng, bằng 5,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm số kết dư của ngân sách địa phương. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước bao gồm vay trong nước: 68.967 tỷ đồng; vay ngoài nước: 40.224 tỷ đồng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo công tác quyết toán ngân sách nhà nước, bảo đảm thực hiện đúng trình tự, thủ tục, tiến độ và nâng cao chất lượng thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước; khắc phục tình trạng phân giao ngân sách chậm, tránh ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, tăng cường hơn nữa công tác quản lý thuế, nâng cao hiệu quả kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hạn chế tối đa nợ đọng thuế.
Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các cơ quan trung ương, địa phương và đơn vị xem xét, khắc phục những tồn tại được nêu trong Báo cáo thẩm tra số 534/BC-UBTCNS13 ngày 08/5/2012 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra và của Kiểm toán Nhà nước tại Báo cáo kiểm toán số 93/BC-KTNN ngày 10/5/2012. Kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm trong quản lý, điều hành ngân sách và báo cáo kết quả với Quốc hội khi trình báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.
Nâng cao hiệu quả đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, 96,99% đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Quốc hội quyết nghị tăng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa X, đảm bảo vốn 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước. Tăng vốn đầu tư công phát triển nông nghiệp, nông thôn cho các vùng trọng điểm, các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao, đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia, các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi, những địa phương khó có điều kiện thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác, các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và Chương trình 135 của Chính phủ.
Ưu tiên tập trung đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ trong nông nghiệp. Sớm hoàn thiện cơ bản hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng, phục vụ tưới tiêu chủ động cho diện tích lúa hai vụ, các vùng cây công nghiệp và nguyên liệu, nuôi trồng thủy sản tập trung; xây dựng và củng cố hệ thống đê sông, đê biển, đê bao, khu neo đậu, tránh bão, các công trình ngăn mặn, xả lũ, giữ ngọt, tiêu úng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; hoàn thiện hệ thống cảnh báo thiên tai trong cả nước; phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nông thôn; phát triển hạ tầng điện cung cấp đủ cho sản xuất và sinh hoạt khu vực nông thôn.
Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho việc phát triển vùng nguyên liệu rừng, đầu tư trồng và bảo vệ rừng; rà soát lại quỹ đất của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng sử dụng chưa hiệu quả để có kế hoạch giao cho các doanh nghiệp và người dân trồng rừng.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách thu hút đầu tư, nhất là về thu tiền sử dụng đất, thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp có dự án, công trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các dự án đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư phát triển công nghệ chế biến các sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị gia tăng cao.
Thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế vào một số dự án hiện còn dựa nhiều vào ngân sách nhà nước. Tập trung các nguồn vốn, huy động nội lực trong nhân dân xây dựng nông thôn mới; thực hiện lồng ghép các nguồn lực, các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Rà soát, điều chỉnh một số tiêu chí nông thôn mới và các chương trình mục tiêu khác cho phù hợp với thực tế, điều kiện kinh tế - xã hội ở các vùng, miền khác nhau.
Tại phiên họp sáng nay, với 99,2% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam./.
Chu Thanh Vân (TTXVN)