Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 17/1 nhận định khủng hoảng dịch COVID-19 tiếp tục gây tình trạng mất việc nghiêm trọng trên khắp thế giới, đồng thời cảnh báo có thể phải mất tới vài năm để mức tuyển dụng trở lại như trước đại dịch.
Trong báo cáo mới mang tên “Triển vọng việc làm và xã hội thế giới,” ILO đã thay đổi mức dự báo trước đó vốn nhận định thị trường tuyển dụng toàn cầu sẽ gần như hồi phục trong năm 2022.
Theo ILO, tác động của những biến thể như Delta hay Omicron và sự bất ổn liên quan đến đại dịch sẽ diễn biến ra sao sẽ gây ra việc giảm giờ làm đáng kể trong năm nay so với mức trước đại dịch.
[ILO: Hơn một nửa dân số thế giới không được bảo trợ xã hội]
Cụ thể, báo cáo cho biết số giờ làm việc trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm 2% so với mốc năm 2019, tương đương thế giới sẽ mất 52 triệu việc làm.
Hồi tháng 5/2021, ILO dự báo tỷ lệ thiếu hụt giờ làm chỉ là một nửa con số trên.
Phát biểu với báo giới, Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhận định triển vọng “vẫn mong manh,” khi thế giới đang chứng kiến mức độ thiệt hại kéo dài tiềm tàng với các thị trường lao động, cùng với sự gia tăng đáng lo ngại tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng.
Cũng theo ILO, tỷ lệ thất nghiệp chính thức trên toàn thế giới vẫn cao hơn đáng kể so với trước đại dịch.
Dự kiến sẽ có 5,9% người lao động toàn cầu, tương đương 207 triệu người, chính thức đăng ký thất nghiệp.
Con số này dù khả quan hơn so với năm ngoái, đặc biệt là năm 2020, song vẫn cao hơn mức 186 triệu người của năm 2019.
Nghiên cứu của ILO dự báo tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ vẫn ở mức trên 5,4% ít nhất cho đến năm 2023.
ILO cũng cảnh báo tác động tổng thể của dịch COVID-19 lên việc làm trên thực tế là lớn hơn nhiều so với số liệu được công bố, do nhiều người đã và đang chính thức rời bỏ lực lượng lao động.
Trong năm 2022, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động toàn cầu vẫn sẽ thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với năm 2019, tương đương 40 triệu người lao động.
Theo ông Ryder, đại dịch COVID-19 đã làm “suy yếu cơ cấu kinh tế, tài chính và xã hội ở hầu hết các quốc gia, bất kể tình trạng phát triển.”
Cũng theo ông Ryder, những sự khác biệt trong tiếp cận vaccine và các biện pháp khôi phục kinh tế đồng nghĩa khủng hoảng do dịch COVID-19 đang tác động đến các nhóm người lao động và các nước theo những cách khác nhau.
Có khả năng các thị trường lao động ở những nước có thu nhập cao sẽ hồi phục nhanh hơn, tuy nhiên một vài quốc gia này hiện bắt đầu đối mặt với những vấn đề liên quan đến thiếu hụt lao động.
Báo cáo mới của ILO cũng nhận định việc thay đổi cách thức làm việc dường như làm sâu sắc hơn các hình thái bất bình đẳng, đặc biệt trong vấn đề bất bình đẳng giới.
Ông Ryder cảnh báo tác động này còn có thể kéo dài ngay cả khi đại dịch kết thúc, do hiện có nhiều quan ngại tiêu cực về hội chứng COVID-19 kéo dài (long-COVID) trong vấn đề giới.
ILO khẳng định chỉ có “sự hồi phục thị trường lao động rộng khắp” mới cho phép thế giới hồi phục thực sự sau đại dịch.
Để mang tính bền vững, sự hồi phục này cần phải dựa trên những nguyên tắc việc làm đúng đắn, gồm y tế và an toàn, bình đẳng, an sinh xã hội và đối thoại xã hội.
Theo ILO, nếu không có các chính sách trong nước và quốc tế hiệu quả và mang tính phối hợp, có thể nhiều quốc gia sẽ phải mất “nhiều năm để khắc phục hậu quả”./.