Đại học Bách khoa Hà Nội cần khẳng định vai trò dẫn dắt nghiên cứu

Đại học Bách khoa Hà Nội đã 2 lần được nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng và nhiều phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng, ghi nhận những thành tích nhà trường đã đạt được.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tặng lẵng hoa chúc mừng cán bộ, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tặng lẵng hoa chúc mừng cán bộ, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 9/10, dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị nhà trường cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò trong nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trên lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương những nỗ lực, thành tích đáng trân trọng, tự hào của Đại học Bách khoa Hà Nội trong năm học vừa qua.

Từ ngày thành lập năm 1956 đến nay, gần 70 năm qua, Trường Đại học chuyên nghiệp Bách khoa, nay là Đại học Bách khoa Hà Nội - cái nôi đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật của đất nước, đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ với nhiều đề tài, kết quả nghiên cứu có tính thực tiễn và ứng dụng hiệu quả.

Đến giai đoạn đất nước hòa bình, đổi mới và phát triển, trong mọi lĩnh vực đều có đóng góp quan trọng của những con người đã được đào tạo tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm, đặt niềm tin vào Đại học Bách khoa Hà Nội.

Học viện Kỹ thuật quân sự, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh… được hình thành và phát triển như ngày nay cũng có đóng góp quan trọng của đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Sinh thời trong 4 năm (1958-1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh 3 lần về thăm trường, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Người đối với nơi đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật quan trọng của đất nước.

ttxvn_nguyen trong nghia dai hoc bach khoa (2).jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu kéo băng khánh thành Cụm công trình phục vụ công tác chuyển đổi số và xây dựng khoá học trực tuyến Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Mới đây, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi mô hình thành Đại học, đạt vị trí 248 xếp hạng QS châu Á 2023, thuộc nhóm 40,9% cơ sở giáo dục đại học xuất sắc nhất châu Á và ở vị trí 54 trong số các cơ sở giáo dục xuất sắc nhất khu vực Đông Nam Á. Nhà trường đang có những bước tiến mạnh mẽ trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Từ 848 sinh viên khóa đầu tiên năm 1956, đến nay nhà trường đã tuyển sinh trên 9.000 sinh viên mỗi khóa với quy mô đào tạo gần 40.000 người học kể cả sinh viên quốc tế.

Đại học Bách khoa Hà Nội đã 2 lần được nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng và nhiều phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng, ghi nhận những thành tích nhà trường đã đạt được.

Đại học Bách khoa Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng giao thực hiện Đề án “Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á."

Đánh giá cao chính sách thu hút nhân tài của Đại học Bách khoa Hà Nội trong thời gian qua, ông Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn nhà trường tiếp tục phát huy tốt hơn trong thời gian tới; cùng đó, Đại học Bách khoa Hà Nội có những định hướng chiến lược rõ nét hơn nữa cho sự phát triển giai đoạn 2025-2030 và định hướng đến năm 2045.

Thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Đại học Bách khoa Hà Nội cần nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, chủ trương chỉ đạo của Đảng về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; cần có ý tưởng mới mang tính đột phá; phải hành động quyết liệt và có phương pháp hợp lý; tranh thủ sự hỗ trợ từ các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Đại học cần xây dựng môi trường văn hóa Bách khoa, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, song phải có nét văn hóa đặc biệt của riêng mình và mọi thành viên đều tự hào, chung tay xây dựng và phát triển.

Diễn văn khai giảng năm học mới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, chủ đề năm học 2024-2025 là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương," thầy và trò nhà trường sẽ làm việc và cống hiến hết mình; vì thành công của người học, để người thầy tỏa sáng, để Đại học Bách khoa Hà Nội vươn mình, góp phần nhỏ bé nhưng xứng đáng của mình để đất nước Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên đổi mới và phát triển.

Giai đoạn 2030-2035, Đảng và Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho Đại học Bách khoa Hà Nội phải có sự phát triển đột phá, vượt bậc để nằm trong nhóm các trường đại học hàng đầu châu Á.

Hiện nhà trường đã hoàn thành Đề án thực hiện nhiệm vụ này trình Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương liên quan và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2024.

Đồng thời, Khung chiến lược phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2025-2035 tầm nhìn đến năm 2045 đã được nhà trường xây dựng, truyền thông nội bộ và được Hội đồng đại học thông qua…

Tại buổi lễ, đại diện tân sinh viên K69, sinh viên Nguyễn Đào Khánh Linh - ngành Công nghệ thông tin đã bày tỏ quyết tâm, sự tự tin của tuổi trẻ Bách khoa, với tinh thần “học Bách khoa để làm việc khó.”

Trước khi dự lễ khai giảng năm học mới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã đặt hoa tưởng niệm tại Tượng đài “Cán bộ và sinh viên xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ quốc” và dự Lễ Khánh thành Trung tâm xây dựng học liệu số tại Tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục