Đại học Hà Nội: Quốc tế hóa toàn diện là phương châm phát triển

Trường Đại học Hà Nội đã xác định sứ mệnh phát huy mọi nguồn lực và tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân, hướng tới cung cấp các dịch vụ giáo dục theo tiêu chuẩn xuất sắc của quốc tế.
Đại học Hà Nội: Quốc tế hóa toàn diện là phương châm phát triển ảnh 1Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ngày 18/11, Trường Đại học Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1959-2019).

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cùng đại diện các bộ, ngành và đông đảo các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên của nhà trường đã tham dự buổi lễ.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao những thành tựu mà Trường Đại học Hà Nội đã đạt được.

[Thầy, trò lưu học sinh tiếng Nga tại Hà Nội ôn lại 'Một thời để nhớ']

Từ Trường Bổ túc Ngoại ngữ, tiến đến là Trường Đại học Ngoại ngữ và nay trở thành một trường đại học đa ngành tự chủ toàn diện, Trường Đại học Hà Nội đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng yêu cầu của xã hội theo chuẩn quốc tế, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh Đảng và Nhà nước chủ trương coi phát triển nguồn lực là một trong ba đột phá chiến lược; giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng phải có bước chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, thực sự tạo ra đột phá nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.

Thời gian tới, trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu sắc và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Trường Đại học Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học và quản trị đại học; phát triển theo định hướng đại học ứng dụng; tăng cường đẩy mạnh hợp tác liên kết với các trường đại học nước ngoài; nghiên cứu thay đổi về giáo trình, phương pháp hướng tới mục tiêu cuối cùng là đầu ra.

Nhà trường cần phát huy được sự sáng tạo, tự chủ, tự tin của sinh viên; đào tạo lý thuyết đi đôi với thực hành; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng... để đào tạo ra các thế hệ sinh viên trở thành công dân toàn cầu, tiêu chuẩn quốc tế, có thể làm việc ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, góp phần thu hút được sinh viên học trong nước thay vì đi du học nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Bình tin tưởng trong chặng đường phát triển tới đây, Trường Đại học Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Đại học Hà Nội: Quốc tế hóa toàn diện là phương châm phát triển ảnh 2Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, đọc diễn văn kỷ niệm. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Trong diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội Nguyễn Văn Trào cho biết sau 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Hà Nội từ một trường đào tạo chuyên về ngoại ngữ đã có bước bứt phá ngoạn mục, với sự lựa chọn chiến lược-đào tạo các chuyên ngành bằng ngoại ngữ, lấy Anh ngữ làm điểm xuất phát căn cốt, làm nền tảng cho giai đoạn chuyển mình, tạo tiền đề cho một trường đại học đa ngành.

Trường đã bồi dưỡng ngoại ngữ cho trên 30.000 lưu học sinh, trên 10.000 thực tập sinh và nghiên cứu sinh, trên 40.000 cán bộ quản lý, khoa học-kỹ thuật; đào tạo trên 30.000 cán bộ phiên dịch, giáo viên ngoại ngữ hệ chính quy; trên 70.000 cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ về ngoại ngữ và các chuyên ngành bằng ngoại ngữ; đào tạo tiếng Anh cho hàng nghìn cán bộ, công chức của Chính phủ, Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đào tạo tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho hàng chục nghìn sinh viên nước ngoài.

Công tác nghiên cứu khoa học cũng luôn được nhà trường chú trọng. Nhà trường đã biên soạn trên 100 chương trình, 150 giáo trình cho các hệ đào tạo; triển khai trên 1.400 đề tài khoa học các cấp; phát hành trên 100 số Nội san Ngoại ngữ (sau được đổi tên thành Tạp chí Khoa học Ngoại ngữ - tạp chí khoa học đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực ngoại ngữ).

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2009-2019, nhà trường đã ký 547 thỏa thuận hợp tác với 315 đối tác nước ngoài từ hơn 28 quốc gia trên thế giới, tiếp nhận và giảng dạy cho gần 7.000 lưu học sinh nước ngoài của hơn 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếp nhận 35-50 giáo viên, chuyên gia nước ngoài/năm đến giảng dạy, nghiên cứu, gần 300 sinh viên/năm của trường được tham gia các chương trình trao đổi, học bổng tại các trường đối tác nước ngoài.

Trường Đại học Hà Nội đã xác định sứ mệnh phát huy mọi nguồn lực và tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân, hướng tới cung cấp các dịch vụ giáo dục theo tiêu chuẩn xuất sắc của quốc tế.

Theo định hướng đại học ứng dụng, trường lựa chọn quốc tế hóa toàn diện là phương châm phát triển chiến lược. Thông qua đó, một mặt trường thu hút nhiều sinh viên và giảng viên quốc tế đến học tập và giảng dạy tại nhà trường; mặt khác trường giúp sinh viên của mình tiếp cận chất lượng đào tạo quốc tế và thúc đẩy giao lưu học thuật quốc tế ngay tại trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục