Đại hội đồng LHQ bắt đầu các phiên thảo luận chung

Ngày 25/9, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bắt đầu các cuộc thảo luận cấp cao chung về những vấn đề quốc tế nóng bỏng hiện nay.
Ngày 25/9, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc bắt đầu các cuộc thảo luận cấp cao chung về những vấn đề quốc tế nóng bỏng hiện nay cũng như các đề mục được nêu trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng khóa 67, với sự tham dự của các trưởng đoàn 193 quốc gia thành viên. là tổng thống, thủ tướng hay ngoại trưởng...

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc cho biết, phát biểu khai mạc phiên họp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới phải hành động nhiều hơn những gì họ đang làm vì một thế giới bình yên và phát triển. Theo ông, nhân dân các dân tộc trên toàn thế giới đang mong mỏi và đòi hỏi những kết quả cụ thể hơn, to lớn hơn từ diễn đàn này ngay vào thời điểm hiện tại, chứ không phải trong tương lai xa vời.

Theo Tổng thư ký Ban Ki-moon, nhân loại đang phải chứng kiến sự bất bình đẳng, thái độ không khoan dung, đối xử bất công và cuộc sống thiếu an ninh... đang ngày một gia tăng. Tuy nhiên, theo ông, trong bối cảnh như vậy, nhiều chính phủ lại đang lạm chi vào việc mua sắm vũ khí giết người, cắt giảm mạnh những khoản đầu tư vì lợi ích của con người. Đấy là chưa kể việc khí hậu trên Trái đất ngày càng có thêm những biến đổi theo hướng bất lợi cho cuộc sống của con người, song nó cũng bị nhiều người cố tình nhắm mắt làm ngơ, không có những khoản đầu tư thỏa đáng để hạn chế và ngăn ngừa các tác động xấu của nó tới con người.

Tổng thư ký Ban Ki-moon khẳng định do phải sống trong một thế giới như vậy, nhân loại đang đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn ở Liên hợp quốc, họ không muốn nhìn thấy ở tổ chức này những xã hội biệt lập, mà phải là sự hợp tác, thống nhất chung, để cùng nhau giải quyết mọi vấn đề nóng bỏng ấy ngày từ ngày hôm nay, và mang lại cho họ những niềm hy vọng rất cụ thể, rõ ràng vào tương lai.

Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết chương trình nghị sự năm nay tại Đậi hội đồng Liên hợp quốc sẽ chú trọng tới 5 vấn đề cấp bách là phát triển bền vững; xây dựng một thế giới an toàn hơn; hỗ trợ các nước trong thời kỳ chuyển tiếp; và trao quyền hành động cho phụ nữ và thanh niên. Theo ông, phát triển bền vững là chìa khóa để mở ra những hy vọng của thế giới tới tương lai và đây là ưu tiên hàng đầu của ông với tư cách là Tổng thư ký Liên hợp quốc.

[Obama nói về các điểm nóng tại Đại hội đồng LHQ]

Phát biểu sau ông Ban Ki-moon, Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff đã tập trung vào các vấn đề liên quan đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Trong bài diễn văn của mình, bà Rútxeo đã chỉ trích những biện pháp cắt giảm chi tiêu và chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ và châu Âu đang gây ra những tác động phụ tiêu cực lên phần còn lại của thế giới và khiến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay trở nên tồi tệ hơn. Theo Tổng thống Brazil, các nước vẫn chưa tìm được một phương cách để cùng điều chỉnh các chính sách tài khóa một cách thích hợp.

Trong phát biểu của mình, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cũng đề cập đến việc cần phải ban hành một hiệp ước quốc tế để bảo vệ các tôn giáo. Phát biểu của Tổng thống Indonesia - quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, được đưa ra trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối đoạn phim phỉ báng nhà tiên tri Mohamed sản xuất tại Mỹ đang dâng cao tại những quốc gia có đông tín đồ Hồi giáo.

Đại hội đồng Liên hợp quốc, gồm 193 quốc gia thành viên, là cơ quan thảo luận, hoạch định chính sách và đại diện chính của Liên hợp quốc. Đây là diễn đàn duy nhất cho các thảo luận đa phương về một loạt vấn đề quốc tế bao trùm Hiến chương Liên hợp quốc. Dự kiến trong phiên thảo luận chung năm nay, hầu hết các quốc gia thành viên Liên hợp quốc sẽ cử đại diện phát biểu về những vấn đề của quốc gia hoặc quốc tế có liên quan. Trước đó, trong phiên khai mạc khóa họp 67 của Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 18/9 vừa qua, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Vuk Jeremic đã ấn định chủ đề thảo luận chính được thảo luận trong năm nay sẽ là "điều hòa và xử lý các tranh chấp quốc tế bằng phương cách hòa bình"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục