Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đặt trọng tâm vào 3 khâu đột phá

Một trong ba khâu đột phá mà Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 đặt ra là đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, an toàn lao động...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Sáng nay 2/12 tại Hà Nội, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 đã diễn ra phiên trọng thể. Đại hội được tổ chức với phương châm “Đổi mới-Dân chủ-Đoàn kết-Phát triển” với sự tham gia của 1.100 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn cả nước.

Đại hội vinh dự có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng... và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí lão thành cách mạng; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam các khóa và các đoàn đại biểu quốc, Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn thế giới…

Phát biểu tại phiên trọng thể, ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn diễn ra vào thời điểm đoàn viên, người lao động cả nước đang ra sức thi đua lao động sản xuất, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

“Nhìn lại nhiệm kỳ đã qua, chúng ta phấn khởi và tự hào về những kết quả đã đạt được. Tin tưởng vững chắc vào tương lai tươi sáng của đất nước, chúng ta ý thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình trước những thời cơ, thách thức, yêu cầu đặt ra đối với tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân trong giai đoạn phát triển mới,” ông Nguyễn Đình Khang nói.

Tại đại hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trình bày dự thảo Báo cáo của Ban chấp hành Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Báo cáo có tiêu đề: “Đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện; tập trung thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

vna-potal-phien-trong-the-dai-hoi-xiii-cong-doan-viet-nam-7109644-2099.jpg
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Dự thảo báo cáo đạt ra mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị-xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước ta.

Ông Nguyễn Đình Khang cho biết nhiệm kỳ mới xác định 3 khâu đột phá gồm: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Dự thảo báo cáo cũng xác định 10 nhóm chỉ tiêu phấn đấu gồm 7 chỉ tiêu hàng năm, 3 chỉ tiêu nhiệm kỳ; 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu tập trung thực hiện.

Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII cũng đề xuất Đại hội XIII thảo luận, cho ý kiến đối với đề cương của 4 chương trình trọng tâm, 1 nghị quyết chuyên đề của nhiệm kỳ gồm: Nghị quyết về đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đến năm 2028, tầm nhìn đến năm 2033; Chương trình nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể giai đoạn 2023-2028; Chương trình xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Chương trình đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023-2028; Chương trình chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn.

Trong ngày hôm nay 2/12, Đoàn chủ tịch trình bày các báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII; báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn với Đảng, Nhà nước; báo cáo kết quả thảo luận về nhân sự Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII... Đại hội cũng sẽ bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục