Trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, phóng viên TTXVN tại Paris đã phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Trường Kinh doanh IPAG (Pháp), Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) về sự kiện chính trị trọng đại này.
Đánh giá về thành quả 5 năm gần đây của đất nước, đặc biệt trong việc thu hút sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Giáo sư Nguyễn Đức Khương, cũng là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận định 5 năm vừa qua có nhiều thành tựu ấn tượng.
Không chỉ nằm trong số ít các quốc gia có tăng trưởng cao đều đặn trên 6,5% trong cả nhiệm kỳ Đại hội XII, điểm nổi bật nữa của Việt Nam là sự ổn định chính trị.
[Đảng lãnh đạo cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới]
Nền kinh tế chuyển dịch theo hướng bền vững hơn, sử dụng nhiều ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hơn.
Đặc biệt, Việt Nam cũng đạt được thành công trong việc duy trì hoạt động kinh tế bất chấp tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra năm 2020.
Theo Giáo sư Nguyễn Đức Khương, Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách rất sáng suốt, kịp thời, có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược phát triển đất nước trong những thập niên tới.
Điển hình như Nghị quyết của Bộ Chính trị về chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng hay nghị quyết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Giáo sư Nguyễn Đức Khương nhấn mạnh để phát triển đất nước, sức mạnh đoàn kết của dân tộc là yếu tố khởi nguồn.
Vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của đất nước đã được khẳng định từ những ngày đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Pháp.
Những năm gần đây, thế hệ người Việt trẻ ở nước ngoài ngày càng có nhiều thành công, vị trí ảnh hưởng, đặc biệt trong những lĩnh vực khoa học công nghệ của tương lai (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuyển đổi số, tự động hóa...).
Được sự giúp đỡ của những thế hệ trước đó, nhóm lứa tuổi 30-50 đang có nhiều điều kiện để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với những quốc gia họ đang sinh sống và trực tiếp đóng góp ở trong nước trên các dự án cụ thể.
Theo ông, nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam của nhiệm kỳ vừa qua rất cởi mở, lắng nghe ý kiến và quan tâm đến việc thu hút nhân tài đóng góp cho đất nước.
Ông Nguyễn Đức Khương đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có những chính sách cụ thể, mạnh mẽ hơn để tập hợp và sử dụng hiệu quả nguồn lực này trong thời gian tới.
Về tầm quan trọng của Đại hội XIII trước những thách thức và cơ hội của đất nước trong thời gian tới, Giáo sư Nguyễn Đức Khương nhận định với trật tự thế giới mới đang hình thành, Việt Nam chỉ có 5 năm để khẳng định vị thế, tự bảo vệ mình để phát triển. Do đó, Đại hội XIII là một bước ngoặt rất quan trọng.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, các nước lớn cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt, căng thẳng thương mại leo thang và nhiều nguy cơ xung đột vũ trang, các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, và Liên minh châu Âu có nhiều thay đổi quan trọng trong chiến lược.
Những thách thức trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, chống biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền dân tộc đối với nước ta cũng rất lớn.
Do đó, ông cho rằng Đại hội lần này phải mở đường cho những đột phá trong phát triển, định vị được Việt Nam trong bức tranh toàn cầu với một vai trò chủ động và dẫn dắt.
Ông nêu rõ: "Nếu không đột phá trong tư duy và cách làm, chúng ta không thể tiến nhanh về phía trước và thực hiện khát vọng vươn mình của dân tộc. Chỉ khi có một tư duy vượt ra khỏi những rào cản của hệ thống, dám đổi mới mạnh mẽ để tập hợp và huy động hiệu quả trí tuệ toàn xã hội, vị thế của Việt Nam mới được nâng cao, thu hẹp khoảng cách với các nước đi đầu trong khu vực và thế giới, cũng như đủ mạnh để tự cường, tự bảo vệ mình."
Giáo sư Nguyễn Đức Khương cũng chia sẻ ông tin rằng người Việt dù ở bất cứ đâu đều mong muốn một Việt Nam phát triển mạnh mẽ và tiên phong trong thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên trường quốc tế.
Người dân Việt Nam kỳ vọng lực lượng lãnh đạo sắp tới tiếp tục kiến tạo, lấy lợi ích đất nước làm kim chỉ nam, có năng lực hành động và đoàn kết sức mạnh toàn dân tộc.
Ngoài việc đưa ra một chiến lược phát triển kinh tế phù hợp, tận dụng những cơ hội của thời vận, kỳ vọng những quyết sách sắp tới của Đảng và hành động của chính phủ sẽ đặc biệt chú trọng đến việc tìm kiếm và trọng dụng người tài. Theo ông, không chỉ cần chính sách tốt, cơ chế tốt mà cũng cần phải thực hiện tốt, có như vậy mới có thể tạo cơ hội và môi trường cho người tài phát huy năng lực.
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng và tận dụng được sức mạnh mềm của quốc gia cho các mục tiêu phát triển, từ đó giúp tiếp tục nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới, xây dựng niềm tin của người dân và doanh nghiệp - điều mà giới chuyên gia trong và ngoài nước, từng công dân Việt Nam đều mong mỏi.
Đề cập tới đóng góp của AVSE Global trong việc đưa nghị quyết của Đảng về kiều bào vào cuộc sống, nhằm phát huy tiềm năng của người Việt Nam ở nước ngoài, Giáo sư Nguyễn Đức Khương chia sẻ bằng kinh nghiệm thực tiễn hoạt động với các cơ quan tổ chức trong nước từ 10 năm trở lại đây, AVSE Global và hệ sinh thái đi kèm có thể tham vấn về những cách làm hiệu quả nhất, những chính sách phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tham gia triển khai các chương trình cụ thể.
Có mặt ở hơn 20 quốc gia trên 4 châu lục và kết nối hơn 10.000 chuyên gia-trí thức xuất sắc, AVSE Global đang thu hút và gắn kết sức mạnh trí tuệ tập thể của đội ngũ này qua những báo cáo chính sách, tư vấn chiến lược ở trung ương và địa phương, đào tạo quản lý cấp cao, các diễn đàn chuyên môn và các chương trình nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo. Tất cả các hoạt động này đều hướng đến mang lại hiệu quả đột phá về phát triển bền vững cho Việt Nam.
AVSE Global cũng đang xây dựng các nền tảng để chuyển hóa tri thức khoa học toàn cầu thành những kiến thức phục vụ trực tiếp sản xuất kinh doanh và tiến bộ xã hội.
Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm mô hình kinh tế sáng tạo, kết nối vùng miền và các cụm kinh tế cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, công nghệ chống biến đổi khí hậu, kinh tế biển và không gian biển, năng lượng tái tạo và hydrogen./.