Đại liên minh Trung Quốc-Iran đang hình thành?

Các báo cáo về quan hệ đối tác an ninh và đầu tư lớn trong 25 năm qua giữa Trung Quốc-Iran gây xôn xao ở Washington, cho thấy chiến dịch “gây áp lực tối đa” của ông Trump nhằm cô lập Iran đã thất bại.
Đại liên minh Trung Quốc-Iran đang hình thành? ảnh 1Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Iran Mohammed Javad Zarif. (Nguồn: AFP)

Trang mạng nationalinterest.org đưa tin, các báo cáo về mối quan hệ đối tác an ninh và đầu tư lớn trong suốt 25 năm qua giữa Trung Quốc và Iran đã gây ra sự xôn xao ở Washington, điều này cho thấy chiến dịch “gây áp lực tối đa” của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cô lập Iran đã thất bại.

Tuy nhiên, Mỹ không phải là nước duy nhất lo lắng về triển vọng hình thành một đại liên minh giữa Trung Quốc và Iran. Ấn Độ có nhiều khoản đầu tư tại Iran mà có thể bị đe dọa bởi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc.

Đã có nhiều dấu hiệu cảnh báo. Theo báo cáo, các công ty Ấn Độ đã bị loại khỏi các thỏa thuận vận chuyển và năng lượng của Iran cùng thời điểm Trung Quốc dường như sẽ đầu tư lớn vào những lĩnh vực này, điều này làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ đẩy Ấn Độ ra khỏi Iran.

Không có gì ngạc nhiên khi thực tế này sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo ở New Delhi. Không chỉ mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc bị căng thẳng bởi leo thang tranh chấp lãnh thổ thời gian gần đây, mà New Delhi từ lâu đã cảnh giác trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở các nước láng giềng của mình.

Bắc Kinh, thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), đã đổ tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương, bao gồm các hải cảng mà cuối cùng có thể sử dụng cho mục đích quân sự.

Một trong số các cảng đó là cảng Gwadar nằm ở Pakistan. Tuy nhiên, những lo ngại về việc Trung Quốc đang cố gắng "hất cẳng" Ấn Độ khỏi Iran là không có cơ sở.

Các dự án của Ấn Độ thực sự đang gặp khó khăn, nhưng đó là kết quả của các lệnh trừng phạt của Mỹ, chứ không phải chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Và thỏa thuận đầu tư Trung Quốc-Iran bị thổi phồng có vẻ ít quan trọng hơn so với tin tức truyền thông đưa ra.

Ấn Độ đã cố gắng thúc đẩy sự hiện diện của mình ở Iran trong nhiều thập kỷ qua, song những nỗ lực này có được một nguồn sinh khí mới khi các lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Iran đã được gỡ bỏ sau khi nước này ký kết thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) năm 2015.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội. Iran cũng đã đưa ra nhiều đề nghị, bao gồm nguồn cung cấp năng lượng dồi dào và một cửa ngõ vào Afghanistan và Trung Á đi vòng qua Pakistan, nơi cấm xuất khẩu của Ấn Độ quá cảnh qua lãnh thổ nước này. Các công ty Ấn Độ đã hồi sinh một thỏa thuận cũ để phát triển một mỏ khí Farzad-B ở khu vực Vùng Vịnh.

Và trong năm 2016, Thủ tướng Modi đã ký một thỏa thuận với các đối tác Iran và Afghanistan để thiết lập một tuyến đường thương mại mới giữa Ấn Độ và Afghanistan.

Cuối cùng, Ấn Độ đã đồng ý nâng cấp cảng Chabahar ở phía Đông Nam Iran và xây dựng một tuyến đường sắt từ Chabahar tới khu vực biên giới Afghanistan. Điều này sẽ giúp Afghanistan vốn bị bao bao bởi đất liền có thể tiếp cận biển, tăng cường thương mại và giúp cải thiện nền kinh tế bị tàn phá.

Đối với Ấn Độ, Chabahar không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu dầu và mở cửa với Afghanistan và Trung Á, mà còn làm đối trọng với cảng Gwadar được Trung Quốc hỗ trợ gần đó, cách bờ biển Pakistan khoảng 100km.

Và, đối với Iran, Chabahar sẽ là bến cảng nước sâu đầu tiên, tạo điều kiện cho việc hội nhập nền kinh tế khu vực sau nhiều năm bị cô lập và nghèo đói do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

[Đằng sau thỏa thuận thương mại Trung Quốc-Iran đầy hứa hẹn]

Tuy nhiên, dự án này sẽ sớm thất bại. Ông Trump lên nắm quyền năm 2017 và tuyên bố sẽ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ấn Độ cần một đối tác tư nhân để vận hành cảng Chabahar, nhưng các công ty đã bị ngăn cản bởi khả năng nối lại các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Năm 2018, Tổng thống Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và các lệnh trừng phạt được tái áp đặt vào cuối năm đó. Nhưng Chabahar đã giành được một sự miễn trừ bởi vai trò tiềm năng của nó trong việc tái thiết Afghanistan.

Ngay cả với sự miễn trừ đó, Ấn Độ đã thất bại trong việc tìm kiếm một nhà điều hành tư nhân cho cảng Chabahar. Nó cũng đã chứng minh không thể mua máy móc cần thiết để trang bị cho hải cảng này. Mùa Hè năm ngoái, đã có báo cáo cho rằng New Delhi đã không dành ngân sách được phân bổ cho dự án này kể từ năm 2017.

Khối lượng vận chuyển hàng hóa ở cảng này là không đáng kể, chưa đến 10% công suất hàng năm của nó. Khối lượng xuất khẩu thấp có nghĩa các con tàu rời bến với các thùng container trống rỗng, trong khi chi phí tăng cao.

Các cảng Ấn Độ đã cố gắng thúc đẩy thương mại bằng cách đưa ra những mức thuế triết khấu, nhưng không mấy thành công.

Ấn Độ rõ ràng cũng đã không có tiến bộ nào trong dự án đường sắt, buộc Iran tự xoay sở. Iran cũng đã quyết định tìm kiếm một đối tác mới cho dự án mỏ khí đốt Farzad B sau khi các công ty Ấn Độ rút lui.

Các lệnh trừng phạt đe dọa một thành phần trong chương trình nghị sự kết nối của Ấn Độ, đó là Hành lang Giao thông Vận tải Quốc tế Bắc-Nam, mà sẽ kết nối Mumbai với St. Petersburg qua Iran và Caucasus. Nhưng các tuyến đường sắt dọc theo tuyến đường Iran vẫn chưa hoàn thành.

Ông Trump không thể bị đổ lỗi hoàn toàn cho những khó khăn của Ấn Độ. Cơ sở kinh tế đằng sau Chabahar luôn bị lung lay. Trong khi nó cho phép Ấn Độ không đi qua Pakistan, hoạt động thương mại của Ấn Độ với Afghanistan - một quốc gia ma túy bị tàn phá bởi chiến tranh phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài - chắc chắn vẫn sẽ bị hạn chế trong tương lai gần.

Và đối với phần lớn Afghanistan, các cảng phía Nam ở Karachi của Pakistan và Cảng Qasim cung cấp một tuyến đường ra biển nhanh hơn so với cảng Chabahar.

Gwadar gần đây nổi lên như một lựa chọn quá cảnh khác ở Afghanistan, tiếp nhận chuyến hàng vận chuyển đầu tiên hồi tháng Một vừa qua.

Biên giới Afghanistan-Pakistan đã phải đóng cửa theo định kỳ do khủng hoảng chính trị, nhưng quan hệ song phương đang được cải thiện và có nhiều kế hoạch mở rộng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan đến Afghanistan.

Chabahar có thể có được “liều thuốc bổ” nếu Joe Biden giành chiến thắng trong bầu cử tổng thống năm 2020 và tái gia nhập JCPOA như ông đã cam kết. Nhưng chưa có gì đảm bảo rằng Iran sẽ muốn hồi sinh thỏa thuận này trong bối cảnh những người chống Mỹ ở Iran gia tăng.

Và, ngay cả khi Washington thực hiện nối lại thỏa thuận này, một số trừng phạt vẫn sẽ được áp đặt, nhất là hạn chế đầu tư nước ngoài. JCPOA đã gỡ bỏ “các biện pháp trừng phạt thứ cấp,” nhắm mục tiêu vào các công ty không phải của Mỹ, nhưng không phải là “các biện pháp trừng phạt chính,” "đóng băng" Iran khỏi nền kinh tế Mỹ.

Trong khi các doanh nghiệp châu Âu hào hứng tham gia thị trường Iran sau khi JCPOA được ký kết, tiến trình này đã bị hủy hoải bởi những biện pháp trừng phạt, điều này gây khó khăn cho việc tiếp cận tài chính và khiến các công ty có nguy cơ gặp rủi ro pháp lý.

Đại liên minh Trung Quốc-Iran đang hình thành? ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi ông Trump rút khỏi JCPOA năm 2018, một số người lo sợ rằng Bắc Kinh sẽ tận dụng việc các công ty châu Âu rời khỏi Iran để mở rộng ảnh hưởng kinh tế của mình. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Trung Quốc, mong muốn đảm bảo thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” với Mỹ, đã tuân thủ phần lớn các lệnh trừng phạt. Kết quả, nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Iran đã giảm nhanh chóng, đạt các mức thấp mới vào tháng Sáu vừa qua. Các chỉ số hoạt động kinh tế khác cũng ảm đạm tương tự.

Thỏa thuận mà Trung Quốc đang đàm phán với Iran đã được phóng đại. Điều này không phải là mới, nhưng “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” được ký kết năm 2016 đã có hiệu lực.

Bắc Kinh có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nước, bao gồm Saudi Arabia, Ai Cập và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Iran không phải là duy nhất. Các báo cáo cho rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị đầu tư 400 tỷ USD vào nền kinh tế Iran là không thực tế.

Một bản dịch thỏa thuận này bị rò rỉ nhưng chưa được kiểm chứng đã không đề cập đến những con số như vậy và đây là một lộ trình, chứ chưa hẳn là một thỏa thuận chi tiết, mang tính ràng buộc pháp lý.

Trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2019, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 27 tỷ USD vào Iran. Từ mức đó lên 400 tỷ USD vào một nền kinh tế bị trừng phạt nặng nề là rất khó khả thi, đặc biệt khi người ta cho rằng đầu tư Trung Quốc vào Iran đang giảm.

UAE đã chứng minh là một đối tác kinh tế ưu thích của Bắc Kinh hơn là Iran. Trong khi đầu tư hàng năm của Trung Quốc ở Iran đã giảm từ hơn 3 tỷ USD năm 2016 xuống chỉ hơn 2 tỷ USD năm 2018, đầu tư của nước này vào UAE đã tăng gần gấp đôi lên hơn 8 tỷ USD trong cùng thời gian này.

Trong khi Sáng kiến BRI đã không đạt được tiến bộ đáng kể nào ở Iran, cảng Khalifa của Trung Quốc ở Abu Dhabi đã và đang hoạt động. Tại sao Bắc Kinh gây nguy hiểm cho các mối quan hệ kinh tế có giá trị với UAE và các quốc gia vùng Vịnh khác bằng cách lấy lòng đối thủ của họ?

Iran là một thị trường khó khăn cho các công ty Trung Quốc, với nhiều dự án chậm trễ hoặc bị hủy bỏ. Ví dụ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc hai lần rút khỏi mỏ khí South Pars do các lệnh trừng phạt.

Bắc Kinh không tránh khỏi các vấn đề mà các doanh nghiệp Ấn Độ và các nước khác đang phải đối mặt tại Iran. Những lo ngại về việc Ấn Độ sẽ bị đẩy ra ngoài bởi sự hào phóng của Trung Quốc là không có cơ sở.

Các khoản đầu tư của New Delhi đã thất bại không phải bởi vì Bắc Kinh, mà bởi Washington. Ấn Độ là một đối tác quan trọng của Mỹ trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, song chính sách của Trump đối với Iran đã làm tổn hại đến vị thế của Ấn Độ tại khu vực trong khi không có được bất kỳ sự nhượng bộ có ý nghĩa nào từ Tehran.

Việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi JCPOA hóa ra lại là một bàn phản lưới nhà mang tính chiến lược lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục