Dải Ngân hà của chúng ta có ít nhất 17 tỷ hành tinh mang kích cỡ của Trái đất và có thể là còn nhiều hơn thế, theo một nghiên cứu công bố hôm 7/1, nâng cao khả năng phát hiện một hành tinh giống với chúng ta.
Các nhà thiên văn sử dụng kính viễn vọng không gian Kepler đã thấy rằng khoảng 17% các ngôi sao trong thiên hà của chúng ta có một hành tinh bằng kích cỡ Trái đất, đang bay trên một quỹ đạo giống Trái đất. Dải Ngân hà được cho là có 100 tỷ ngôi sao, nghĩa là khoảng 1/6 trong số đó có một hành tinh giống Trái đất. Phát hiện mới không có nghĩa tất cả các ngoại hành tinh này có thể sinh sống được. Nhưng nó tăng cường khả năng tìm thấy các hành tinh giống với Trái đất. Để hỗ trợ sự sống và cho phép nước chảy dưới dạng lỏng, một hành tinh phải nằm không quá gần hoặc quá xa ngôi sao của nó. Khoảng cách này sẽ khiến bề mặt hành tinh không quá nóng hoặc quá lạnh. Kính viễn vọng Kepler đã phát hiện các ngoại hành tinh tiềm năng khi chúng di chuyển ra phía trước ngôi sao và tạo ra một hiện tượng giống nhật thực đã làm giảm ánh sáng của ngôi sao đi một chút. Trong 16 tháng khảo sát, Kepler đã nhận diện được khoảng 2.400 hành tinh tiềm năng. Nhà nghiên cứu Francois Fressin tới từ Trung tâm nghiên cứu vật lý thiên thể Harvard-Smithsonian và các cộng sự đã sử dụng kiết quả thu được từ Kepler để xác định xem tín hiệu nào cho thấy sự tồn tại của ngoại hành tinh và để xếp các ngoại hành tinh này theo kích cỡ. Họ thấy rằng 17% các ngôi sao có một hành tinh to bằng từ 0,8 cho tới 1,25 lần Trái đất và bay trên một quỹ đạo trung bình kéo dài 85 ngày hoặc ít hơn. Khoảng 1/4 các ngôi sao có những siêu Trái đất (kích cỡ từ 1,25 lần cho tới gấp đôi Trái đất) và chúng bay trên quỹ đạo dài 150 ngày hoặc thấp hơn, Khoảng 1/4 các ngôi sao có một hành tinh bằng kích cỡ Hải vương tinh (lớn hơn 4-6 lần Trái đất), với quỹ đạo từ 250 ngày trở xuống và chỉ 5% có một hành tinh khí khổng lồ (lớn hơn từ 6-22 lần Trái đất) bay trên quỹ đạo dài tới 400 ngày hoặc ít hơn. Các nhà nghiên cứu đã công bố kết quả phân tích của họ tại một hội nghị của Hội Thiên văn học Mỹ tổ chức ở Long Beach, California. Trong khi đó, nhiệm vụ Kepler của NASA đã thông báo việc phát hiện 461 hành tinh mới. 4 trong số đó có kích cỡ gần bằng 2 lần Trái đất và chúng hoạt động trong một quỹ đạo lý tưởng có thể hỗ trợ sự sống./.
Quỳnh Trang