Đắk Lắk: Cơ cấu lại sản xuất cho từng loại nông sản phục vụ xuất khẩu

Tỉnh Đắk Lắk khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu, tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường và tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản.
Đắk Lắk: Cơ cấu lại sản xuất cho từng loại nông sản phục vụ xuất khẩu ảnh 1Vùng nguyên liệu càphê được chăm sóc theo chuẩn Organic cho năng suất cao. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, với đất đai màu mỡ và khí hậu ôn hòa, tỉnh Đắk Lắk có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành, doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt để xuất khẩu hàng hóa.

Linh hoạt vượt dịch

Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 627.000ha đất nông nghiệp, chủ yếu sản xuất càphê nhân, càphê hòa tan, hạt tiêu, hạt điều, cao su, sản phẩm từ ong và rau củ quả, lâm sản, trong đó càphê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với giá trị kim ngạch trên 400 triệu USD/năm, chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk.

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp xuất khẩu tỉnh Đắk Lắk đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu container và tàu biển, cước vận chuyển tăng cao, đơn hàng trì trệ.

Trong bối cảnh ấy, Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất Nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk vừa sản xuất “3 tại chỗ,” vừa đổi phương án xuất khẩu từ cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh) sang cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).

Với những nỗ lực chèo lái trong đại dịch, công ty đã đạt kế hoạch là vừa xuất khẩu vừa bán nội địa được 100.000 tấn càphê trong năm 2021. Đặc biệt, tháng 8/2021, công ty đã xuất khẩu thành công gần 20 tấn càphê đặc sản sang thị trường Anh.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất Nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk cho biết đầu năm 2021, hoạt động xuất khẩu bị giảm sút do dịch COVID-19.

[Tận dụng cơ hội xuất khẩu nông sản vào các thị trường lớn, tiềm năng]

Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của thị trường châu Âu sau khi mở cửa kinh tế trở lại, công ty đã nỗ lực đáp ứng các đơn hàng và xuất khẩu ổn định.

Theo ông Huy, hiện nay, cước tàu tăng cao làm các doanh nghiệp ngại ký đơn hàng mới. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần làm việc với các hãng tàu để có những giải pháp phù hợp giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong xuất khẩu, đảm bảo chuỗi cung ứng.

Cùng quan điểm với ông Lê Đức Huy, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Damaca Nguyên Phương cho biết trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sản phẩm từ hạt mắc ca của công ty đã xuất khẩu thành công sang Pháp, Hàn Quốc.

Tuy nhiên, hợp đồng giao hàng chậm do thiếu tàu hàng và container, chi phí vận chuyển tăng cao. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp lưu thông hàng hóa nhanh hơn.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu hoặc gia công hàng xuất khẩu rau củ quả, năm 2021 “khó chồng khó” vì liên quan đến bảo quản sản phẩm tươi, vận hành “3 tại chỗ” do không đủ chi phí, vùng nguyên liệu không có, nhân công thu hoạch do giãn cách xã hội.

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Green Farm cho biết thời điểm dịch phức tạp, hoạt động xuất khẩu của công ty bị ngưng trệ. Khi trở về trạng thái “bình thường mới,” công ty nhanh chóng kích hoạt các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết. Mặc dù khó khăn song nhờ xoay sở linh hoạt, công ty vẫn bao tiêu sản phẩm cho người dân, hoạt động xuất khẩu “khởi sắc” khi có những đơn hàng mới.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức các hội nghị bàn giải pháp xúc tiến xuất khẩu thông qua Amazon và Alibaba, tập huấn kiến thức về phát triển nền kinh tế số và chiến lược bao bì cho thị trường xuất khẩu.

Sở Công Thương cũng đã đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh những giải pháp khuyến khích xuất khẩu chính ngạch; xét chọn doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2021 và đề xuất xây dựng Chợ nông sản Đắk Lắk online.

Với những nỗ lực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2021 đạt 1.136 triệu USD, đạt 174,8% kế hoạch; trong đó, xuất khẩu càphê nhân đạt 210.000 tấn, càphê hòa tan 8.500 tấn, hạt tiêu 6.000 tấn, cao su 12.000 tấn, hạt điều 280 tấn, tinh bột sắn 80.000 tấn, rau củ quả 85 tấn, ca cao 90 tấn… Năm 2022, tỉnh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 1.200 triệu USD.

Để xuất khẩu bền vững

Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 90 doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hàng hóa nông sản của tỉnh đã sang tới 68 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt đã thâm nhập được vào các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp…

Đắk Lắk: Cơ cấu lại sản xuất cho từng loại nông sản phục vụ xuất khẩu ảnh 2Chế biến hạt điều xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Bên cạnh những kết quả về kim ngạch xuất khẩu cũng như sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp, công tác xuất khẩu ở tỉnh Đắk Lắk còn những hạn chế như sản phẩm xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, giá trị chưa cao, khả năng cạnh tranh yếu, tiềm ẩn nhiều rủi ro; một số sản phẩm nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, phải xuất khẩu qua đầu mối trung gian.

Một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tỉnh Đắk Lắk cho rằng để giải bài toán dồn ứ hàng hóa ở cửa khẩu, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và hợp tác xã, nông dân cần cùng họp bàn về nguyên nhân ùn tắc, chu kỳ ùn tắc và giải bài toán quy hoạch, kế hoạch trồng, thị trường tiêu thụ.

Doanh nghiệp sẵn sàng liên kết với người nông dân, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất và xây dựng kế hoạch bán hàng tươi, kế hoạch xuất khẩu, chiến lược xây dựng nhà máy chế biến.

Cơ quan quản lý nhà nước phải sâu sát, định hướng thị trường, định hướng sản xuất, quyết liệt đồng hành để sản xuất và xuất khẩu bền vững.

Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Phó Giám đốc Vũ Đức Côn cho biết cơ quan đã làm việc với Sở Công Thương để đánh giá tình hình biên mậu hiện nay.

Các loại nông sản như thanh long, khoai lang, mít thái, dưa hấu của tỉnh sản lượng không nhiều, một số loại mới vào vụ thu hoạch. Song do ảnh hưởng của tình hình biên mậu, các loại nông sản hiện đang rớt giá thấp. Sở đã chỉ đạo các địa phương rà soát lại tình hình sản xuất để kịp thời hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sầu riêng và bơ chưa được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Thời gian tới, Bộ sẽ đề xuất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhậu khẩu chính ngạch hai mặt hàng này. Chất lượng hàng hóa là mấu chốt quan trọng trong việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Do đó các tỉnh Tây Nguyên nên tổ chức sản xuất tốt, đảm bảo chất lượng hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, giám sát sâu bệnh hại, đảm bảo điều kiện vận chuyển, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Ngọc Dương cho biết thời gian qua, ngành công thương Đắk Lắk đã chủ động phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc để cập nhập tình hình thông quan hàng hóa.

Từ đó, sở thường xuyên thông báo cho các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu để chủ động nguồn hàng, có kế hoạch vận chuyển hợp lý nhằm tránh thiệt hại cho doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Ngọc Dương cũng cho biết nông sản Đắk Lắk thường thu hoạch lệch vụ so với các địa phương, vùng miền khác. Hiện nay, có thông tin mít Đắk Lắk bị tồn đọng tại các cửa khẩu. Tuy nhiên, qua kiểm tra, tỉnh Đắk Lắk chưa vào vụ mít. Bên cạnh đó, ngành công thương tỉnh Đắk Lắk đã chủ động kết nối giao thương để tiêu thụ nội địa và vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống bán lẻ trong tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân.

Về giải pháp lâu dài, theo ông Huỳnh Ngọc Dương, muốn xuất khẩu bền vững cần phải sản xuất bền vững. Ngành nông nghiệp cần cơ cấu lại sản xuất, xác định diện tích canh tác cho từng chủng loại mặt hàng, có những khuyến cáo, cảnh báo kịp thời cho từng vùng, từng địa phương khi diện tích canh tác có xu hướng vượt ngưỡng; đẩy mạnh mối liên kết giữa bốn nhà, gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp; trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Tỉnh cần xây dựng những vùng sản xuất quy mô lớn, đảm bảo vùng nguyên liệu, đồng nhất chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chú trọng phát triển những doanh nghiệp xuất khẩu lớn. Tỉnh cần xây dựng và giữ vững thương hiệu hàng nông sản Đắk Lắk, giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử…

Để xuất khẩu bền vững và mở rộng thị trường, tỉnh Đắk Lắk đang khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động nắm bắt thông tin biên mậu; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu, tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường và tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, chinh phục thị trường khó tính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục