Đàm phán hòa bình tại Libya đã đạt được "nhận thức chung"

Hai phe phái đối địch tại Libya đã đạt được "nhận thức chung" có thể tạo nền tảng cho một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua ở quốc gia Bắc Phi này.
Đàm phán hòa bình tại Libya đã đạt được "nhận thức chung" ảnh 1Lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya gác tại một trạm kiểm soát ở thành phố Sirte. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ủy ban Hòa giải Ai Cập đã ra tuyên bố sau khi kết thúc các cuộc đàm phán giữa hai phe phái đối địch tại Libya ở Cairo, khẳng định các bên đã đạt được "nhận thức chung" có thể tạo nền tảng cho một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua ở quốc gia Bắc Phi này.

Phóng viên TTXVN tại Ai Cập dẫn tuyên bố của người phát ngôn của quân đội Ai Cập Tamer El-Refai cho biết các cuộc hòa đàm Libya ở Cairo có sự tham dự của người đứng đầu Chính phủ được Liên hợp quốc công nhận tại Libya Fayez Serraj và chỉ huy quân đội quyền lực nhất của phe đối lập ở quốc gia Bắc Phi, Tướng Khalifa Haftar, Chủ tịch Quốc hội được cộng đồng quốc tế thừa nhận của Libya Aguila Saleh.

Cuộc hòa đàm của Ủy ban Hòa giải Ai Cập do Ngoại trưởng Sameh Soukry​ và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội, Trung tướng Mahmoud Hegazi chủ trì.

Ông El-Refai cho biết "nhận thức chung" này có thể được cụ thể hóa thành nhiều bước nhằm hướng tới một nghị quyết, bao gồm cả việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội vào năm 2018. Đây là lần đầu tiên hai phe phái đối địch ở Libya gặp nhau tại Cairo.

Tại cuộc hòa đàm, các bên đã đề cập tới những bất đồng lớn hiện nay như thành lập và quyền hạn của Hội đồng Tổng thống, vị trí của Tướng Haftar, thủ lĩnh của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) và sự mở rộng ghế thành viên trong Hội đồng Nhà nước tối cao - cơ quan trên thực tế giữ chức năng của Thượng viện - có trụ sở tại Tripoli.

Tuyên bố của quân đội Ai Cập cũng đưa ra 4 bước để có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Libya.

Thứ nhất, các phe phái sẽ thành lập một ủy ban chung gồm 15 thành viên từ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước tối cao để thảo luận về sự phân bố quyền lực cho nhà nước Libya thống nhất.

Thứ hai, Quốc hội sẽ đề xuất sửa đổi hiến pháp cần thiết để thực hiện thỏa thuận chính trị Libya được ký vào năm 2015 do Liên hợp quốc làm trung gian - còn được gọi là thỏa thuận Skhirat, bao gồm cả những đề xuất được điều chỉnh tại một hội nghị cũng được tổ chức tại Cairo vào tháng 12 năm ngoái.

Sau đó, Quốc hội sẽ thông qua những sửa đổi và đề xuất này với sự đồng thuận của Ủy ban phân bổ quyền lực.

Thứ ba, các bên sẽ tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống, dự kiến diễn ra chậm nhất là tháng 2/2018.

Cuối cùng, các phe phái tại Libya sẽ thống nhất với nhau để xác định một Tổng thống lâm thời cho đến khi các cuộc bầu cử được tổ chức.

Hiện vẫn chưa rõ các bên tham chiến tại Libya có ký kết thỏa thuận trong các cuộc đàm phán vừa kết thúc tại Cairo hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục