Đan Mạch ngày 1/1 đã chính thức tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) từ Ba Lan và sẽ đảm nhận cương vị này cho tới hết ngày 30/6/2012.
Đan Mạch đề ra 4 hướng ưu tiên trong hoạt động nhiệm kì của mình, là một châu Âu trách nhiệm, năng động, "xanh" và an ninh. Điều đó có nghĩa là cần áp dụng các biện pháp tiếp tục liên kết một thị trường châu Âu thống nhất, củng cố vai trò chủ đạo của EU trong lĩnh vực môi trường và chống biến đổi khí hậu, chống nhập cư bất hợp pháp và củng cố biên giới ngoại khối cũng như xây dựng ngân sách EU giai đoạn 2014-2020.
Tuy nhiên, ưu tiên chính vẫn là giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thông qua việc tìm kiếm sự đồng thuận của toàn bộ 27 nước thành viên EU.
Các nhà phân tích cho rằng Đan Mạch không có các điều kiện đủ mạnh để hoàn thành những nhiệm vụ đề ra, mà một lý do là bởi quốc gia vùng Scandinavia này nằm trong nhóm 10 nước thành viên EU chưa sử dụng đồng tiền chung euro.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt nói rằng Copenhaghen muốn "làm cầu nối" giữa 17 nước sử dụng đồng euro với những nước EU còn lại, không để khoảng cách giữa các nước Eurozone và các nước ngoài khu vực đồng tiền chung này bị nới rộng.
Sau khi Hiệp ước Lixbon có hiệu lực vào năm 2009, các chức năng của nước chủ tịch luân phiên EU đã giảm đi rõ rệt. Nước chủ tịch không còn quyền chủ tọa tại các hội nghị thượng đỉnh của EU, hiện do Chủ tịch thường trực Hội đồng EU nắm giữ, cũng như tại các cuộc họp của Hội đồng EU cấp bộ trưởng ngoại giao, hiện do Đại diện cấp cao EU về các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh phụ trách.
Như vậy, nước chủ tịch luân phiên EU chỉ còn chức năng điều phối các cuộc họp cấp bộ trưởng và đại sứ của Hội đồng EU về các lĩnh vực kinh tế và tài chính, nông nghiệp và ngư nghiệp, bảo vệ môi trường v,v./.