Giá xăng đã tăng thêm 2.000 đồng/lít, kéo theo “cái gì cũng tăng.” Chẳng phải nói quá, nhưng khắp chốn từ trong nhà ra đến ngoài ngõ, dân tình nhốn nháo tâm lý ứng phó và ứng xử với “cơn lốc” bão giá.
Các bà nội trợ đến khổ với bài toán chi tiêu, vì đã cố gắng “nhỏ giọt” vẫn khó chu toàn. Câu chuyện thu nhập ì ạch tại chỗ, nhưng nhu cầu chi trả sinh hoạt “tiền tiêu như mất cắp” như một điệu hát buồn, trong mọi nếp nhà.
Giữa thời giá cả đắt đỏ, người Hà Nội sống còn chật vật, chúng tôi “nhặt” được không ít câu chuyện người dân “chân đất” dứt áo khỏi ruộng đồng hiện sống “rủng rỉnh” bằng đủ thứ nghề "đỡ đần tay chân” cho người thành phố - thậm chí, làm giàu, xây nhà, tậu xe với thu nhập trên 9, 10 triệu đồng/tháng.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng có vẻ như câu nói “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” không hoàn toàn chính xác trong trường hợp này.
Bài 1: Dân quê “gặt” hơn 9 triệu đồng/tháng nơi phố thị
Ánh mắt trìu mến, miệng cười khích lệ, ân cần đút từng thìa cháo cho người bệnh trong trạng thái “ngơ ngơ ngẩn ngẩn”… khoan tưởng đó là nhân viên điều dưỡng hay người thân của họ - thực, chỉ là người dưng không hơn không kém.
Loanh quanh một vòng các bệnh viện ở Hà Nội như Viện 108, Viện Lão khoa, Viện Lao… không khó nhìn thấy hình ảnh chiếc áo nâu sồng, dép lê loẹt quẹt, ngày ngày “ăn nhờ ở đậu” bệnh viện, làm công việc trông nom 24/24 giờ từ miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh, thuốc nước cả người già “gần đất xa trời” lẫn thanh niên, trẻ nhỏ đang chấp chới bờ vực sinh tử để nhận mức thù lao 300.000 đồng/ngày, từ 9 đến 10 triệu đồng/tháng từ những gia đình giàu có, neo người.
Năm này qua năm khác, những người chị, người mẹ quê cũng chẳng màng đến cả mùa xuân, cứ biền biệt ruộng đồng, mẹ già, con thơ vì trong những ngày Tết, chăm nom người bệnh, họ nhận 600.000-800.000 đồng/ngày - mức thu nhập trong mơ của dân quê ra mưu sinh ở thành phố.
Thù lao làm… “người nhà”
Bên chiếc giường bệnh phủ ga trắng, khoa Thần Kinh, Viện 108, chúng tôi gặp người phụ nữ quê vùng trung du Phú Thọ đang làm công việc “người nhà” của một bệnh nhân bị chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông.
Chị tên Đoàn, sinh năm 1974. Mái tóc hanh khô đã lâu không được chăm sóc, bầu mắt thâm nhàu vì thức đêm nhiều nhưng khuôn mặt nâu sạm của chị luôn bừng sáng, với ánh mắt biết cười, đôn hậu.
Chị Đoàn kể đã làm nghề này gần ba năm. Quê nhà “đất cằn sỏi đá”, từ 2001, chị theo bạn bè vào miền Nam làm công ty da giày, nhưng đồng lương công nhân, nuôi mình đã khó, nói gì đến gửi được tiền về.
Lủi thủi trở về, cái nghèo túng thô bạo đẩy gia đình chị vào cảnh ly tán. Ba đứa con nhỏ, hơn nửa theo mẹ, đứa nheo nhóc cùng cha thoát ly miền đất khác.
Vừa nhắc tới hoàn cảnh cậu thanh niên, mắt mở thao láo, nhìn vô hồn vào mình, chị Đoàn đã xúc động: “Tội em nó lắm, mẹ mất từ bé, bố đã trên 70 tuổi. Nhà neo người, chẳng cậy nhờ được ai nên y tá trong viện giới thiệu để họ nhờ mình…”
Chị Đoàn kể, nhận ca của Duy Anh từ ngày 8/3. Tuần đầu mới mổ xong, người bệnh hoàn toàn bất tỉnh, công việc của chị là lo việc vệ sinh cá nhân, đêm phải ngồi thức trắng canh truyền thuốc. Nhiều ngày nay, bệnh nhân đã hồi tỉnh, chị Đoàn bận bịu hơn con mọn.
Sáng 6 giờ, chị chuẩn bị nước ấm rửa mặt, đánh răng cho người bệnh, rồi ăn sáng, uống thuốc. 9 giờ uống sữa, 11 giờ ăn trưa, 3 giờ uống uống sữa hoặc hoa quả, 18 giờ ăn chiều, 21 giờ lại uống một lần sữa nữa… Những lúc người bệnh “ú ớ”, biếng ăn, buồn nhớ người nhà, chị lại nựng nịu, kể chuyện, hát ru đến khéo.
Chị thật thà: “Ca bệnh của Duy Anh không nặng lắm, chị nhận thù lao 250 nghìn đồng/ngày. Nếu chăm những cụ già bị tai biến trên khoa đột quỵ, giá thường là 300 nghìn đồng/ngày. Chăm các cụ vất vả hơn, vì người già thường yếu rồi và khó tính lắm, nhất là cho ăn uống, vệ sinh.”
Cầm tờ báo, khẽ phe phẩy cho người bệnh, chị nựng nịu như nựng đứa con của mình: “Duy Anh có các bạn đến chơi này. Hôm nay, Duy Anh đã đỡ nhiều rồi đấy. Chốc nữa các bạn xem Duy Anh ăn hết bát cháo to và nói chuyện nữa nhỉ.”
Chị Đoàn nhớ lại mối duyên run rủi đưa mình đến với nghề này, năm 2008, chị theo người làng lên Hà Nội. Chân ướt chân ráo đến bệnh viện Việt Xô tìm việc, chị Đoàn chạm trán những đàn chị giở thói “ma cũ.” Hết dọa đuổi, với lý do “hết suất,” lại có người tỉ tê, rỉ tai “còn cửa” với thỏa thận tiền công chăm nom người bệnh sẽ phải “chia năm sẻ bảy.”
Không muốn sa thân vào chốn “chợ người,” chị Đoàn tìm đến Viện 108, quanh quẩn hỏi việc những người qua lại. Đến ngày thứ hai, chị may mắn được một gia đình đồng ý thuê chăm sóc cụ bà bị tai biến, nằm liệt giường. Đến nay, chị Đoàn không thể nhớ mình đã “làm người nhà” chăm sóc cho biết bao người bệnh rồi.
Chị tâm sự: “Làm ở viện, khó cũng là khó, dễ là do mình. Mình tận tâm với người bệnh, được người nhà tin tưởng, giao phó, các y tá và bác sỹ cũng tin cậy, không gây khó dễ gì.”
Thơm thảo nghề “nhẫn- nhịn”
Đến Viện Lão khoa, chúng tôi gặp cô Nguyên, nay đã ngoài năm mươi tuổi hiện làm quản lý gần ba mươi nhân viên cho công ty dịch vụ chăm sóc người bệnh ở viện. Những nhân viên ở đây, phần lớn cũng là phụ nữ quê Phú Thọ, Nam Định. Với ca chăm sóc 12 giờ và 24 giờ/người/ngày, ngoài phí ăn ở, nhân viên của công ty nhận mức lương từ ba đến năm triệu đồng/tháng.
Cô Nguyên chia sẻ: “Không phải ai cũng làm được nghề này, ngoài việc có tâm và cẩn thận ra thì tính cách phải nhẫn và nhịn. Người bệnh phần lớn là người già, lúc mê lúc tỉnh, khó chiều như trẻ con nếu không có nghiệp vụ và nghệ thuật thì chẳng làm được lâu dài.”
Hương, quê Nam Định, chăm sóc bệnh nhân ở Viện Lão khoa gần hai năm nay tâm sự: “Ban đầu, em được công ty cho vào việc học một tháng nghiệp vụ chăm sóc cơ bản. Cái khó, cái khổ nghề này có những những ngày ngồi trực truyền, đêm không được ngủ. Thật ra, nếu không có trách nhiệm với người bệnh, khó làm được như vậy lắm.”
“Làm nghề chăm sóc bệnh nhân, công việc nó triền miên nhưng mình được trân trọng, đồng lương nhận được lại ổn định và sứng đáng. Không xác định làm lâu dài, nhưng trước mắt ra mưu sinh ở thành phố cũng ít nghề nào môi trường tốt và thu nhập khá đến như thế,“ Hương thành thật.
Cũng theo chị Đoàn, Viện 108 hiện là “mảnh đất” vàng cho những người phụ nữ quê mưu sinh bằng nghề chăm sóc bệnh nhân. Hiện có khoảng gần hai mươi người chăm sóc bệnh nhân rải rác ở các khoa. Do uy tín, “tiếng lành đồn xa” mà người làm không xuể, nên những người làm ở đây tháng chơi không mấy ngày.
Như trường hợp chị Đoàn, cũng vì nhiều người gọi điện nhờ cậy, chị đưa bé Nhung, cô con gái lớn, 19 tuổi lên viện đỡ đần giúp mẹ. Từ mười ngày nay, Nhung theo một gia đình, chăm sóc một bé gái bị liệt với thù lao 170 nghìn đồng/ngày, đã tính ăn ở.
Thương con còn nhỏ, chẳng biết có chịu được vất vả không, nhưng chị nghĩ ở quê dù đầu tắt mặt tối cũng chẳng thể kiếm được 5, 7 triệu đồng/tháng. Riêng bé Nhung thì vui ra mặt, chẳng tỏ ra nhớ nhà, than vãn vất vả, vì mới tí tuổi đầu đã giúp mẹ kiếm được số tiền, mà ở quê có mơ chẳng được…
Chị tâm sự: ““Quan trọng nhất nghề này là tâm với người bệnh. Đừng nghĩ đó là công việc phải làm. Mình thương họ như bố mẹ, con em. Lúc trả cả chục triệu đồng tiền công, họ cũng tôn trọng, quý mến, nhiều người coi mình như ân nhân còn biếu quà, thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm và giới thiệu các ca bệnh khác.”
Những ngày đầu, chị chăm chú xem y tá sát trùng, rửa vết thương, chị kết hợp những bài thuốc dân gian như rửa bằng lá chè xanh, tìm mua quả Hoàng Bá, ngâm để làm nước súc miệng… “Ai bệnh tật đều tội nghiệp, chẳng có người nhà ở bên mình càng hết sức, hết lòng”. Cứ thế, sau mỗi một ca chăm sóc, số điện thoại của chị lại được những người trước giới thiệu, nhiều người tin và nhờ cậy.
Chị nghèn nghẹn khi nhớ lại một kỷ niệm cách đây đã lâu: “Chị ấy tên Hoa. Đẹp và còn trẻ nhưng đáng thương lắm, bị ung thư giai đoạn cuối mà gia đình bên nội không đoái hoài. Em gái của chị thuê mình, trả công hẳn hoi nhưng mỗi khi có gia đình chồng đến, mình phải trốn đi. Lắm lúc lén lút như ăn trộm, khổ quá, mình xin nghỉ…
Tìm được bệnh nhân khác rồi, mà mình đành nhường cho người khác, vì chị khóc, nằn nì: “Đoàn ơi, em đừng bỏ chị. Đời chị giờ chỉ còn ít ngày ngắn ngủi, trông cậy hết cả vào em thôi…”
Chị ngại ngần, cho biết đã hai Tết rồi chị chưa về nhà thăm con. “Chăm ngày Tết em biết chị nhận được bao nhiêu không? 600.000 đến 800.000 đồng cơ, nhiều tiền thế chị nhịn Tết cũng được.”
Chị long lanh ánh mắt, khoe với chúng tôi: “Nghề chăm sóc người bệnh như chị cũng coi như ăn nhờ ở đậu trong viện, chẳng tiêu pha gì. Mỗi tháng chị và con dành dụm được hơn 9, 10 triệu đồng. Cách đây hai tháng, từ số tiền chăm sóc người bệnh mà chị đã cất được ngôi nhà xây hai tầng nho nhỏ ở quê cho mẹ già, con thơ an tâm tránh lúc mưa bay, gió nổi.”./.
Bài tiếp: Thượng đế “buôn thúng bán mẹt” thời… A lô
Các bà nội trợ đến khổ với bài toán chi tiêu, vì đã cố gắng “nhỏ giọt” vẫn khó chu toàn. Câu chuyện thu nhập ì ạch tại chỗ, nhưng nhu cầu chi trả sinh hoạt “tiền tiêu như mất cắp” như một điệu hát buồn, trong mọi nếp nhà.
Giữa thời giá cả đắt đỏ, người Hà Nội sống còn chật vật, chúng tôi “nhặt” được không ít câu chuyện người dân “chân đất” dứt áo khỏi ruộng đồng hiện sống “rủng rỉnh” bằng đủ thứ nghề "đỡ đần tay chân” cho người thành phố - thậm chí, làm giàu, xây nhà, tậu xe với thu nhập trên 9, 10 triệu đồng/tháng.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng có vẻ như câu nói “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” không hoàn toàn chính xác trong trường hợp này.
Bài 1: Dân quê “gặt” hơn 9 triệu đồng/tháng nơi phố thị
Ánh mắt trìu mến, miệng cười khích lệ, ân cần đút từng thìa cháo cho người bệnh trong trạng thái “ngơ ngơ ngẩn ngẩn”… khoan tưởng đó là nhân viên điều dưỡng hay người thân của họ - thực, chỉ là người dưng không hơn không kém.
Loanh quanh một vòng các bệnh viện ở Hà Nội như Viện 108, Viện Lão khoa, Viện Lao… không khó nhìn thấy hình ảnh chiếc áo nâu sồng, dép lê loẹt quẹt, ngày ngày “ăn nhờ ở đậu” bệnh viện, làm công việc trông nom 24/24 giờ từ miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh, thuốc nước cả người già “gần đất xa trời” lẫn thanh niên, trẻ nhỏ đang chấp chới bờ vực sinh tử để nhận mức thù lao 300.000 đồng/ngày, từ 9 đến 10 triệu đồng/tháng từ những gia đình giàu có, neo người.
Năm này qua năm khác, những người chị, người mẹ quê cũng chẳng màng đến cả mùa xuân, cứ biền biệt ruộng đồng, mẹ già, con thơ vì trong những ngày Tết, chăm nom người bệnh, họ nhận 600.000-800.000 đồng/ngày - mức thu nhập trong mơ của dân quê ra mưu sinh ở thành phố.
Thù lao làm… “người nhà”
Bên chiếc giường bệnh phủ ga trắng, khoa Thần Kinh, Viện 108, chúng tôi gặp người phụ nữ quê vùng trung du Phú Thọ đang làm công việc “người nhà” của một bệnh nhân bị chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông.
Chị tên Đoàn, sinh năm 1974. Mái tóc hanh khô đã lâu không được chăm sóc, bầu mắt thâm nhàu vì thức đêm nhiều nhưng khuôn mặt nâu sạm của chị luôn bừng sáng, với ánh mắt biết cười, đôn hậu.
Chị Đoàn kể đã làm nghề này gần ba năm. Quê nhà “đất cằn sỏi đá”, từ 2001, chị theo bạn bè vào miền Nam làm công ty da giày, nhưng đồng lương công nhân, nuôi mình đã khó, nói gì đến gửi được tiền về.
Lủi thủi trở về, cái nghèo túng thô bạo đẩy gia đình chị vào cảnh ly tán. Ba đứa con nhỏ, hơn nửa theo mẹ, đứa nheo nhóc cùng cha thoát ly miền đất khác.
Vừa nhắc tới hoàn cảnh cậu thanh niên, mắt mở thao láo, nhìn vô hồn vào mình, chị Đoàn đã xúc động: “Tội em nó lắm, mẹ mất từ bé, bố đã trên 70 tuổi. Nhà neo người, chẳng cậy nhờ được ai nên y tá trong viện giới thiệu để họ nhờ mình…”
Chị Đoàn kể, nhận ca của Duy Anh từ ngày 8/3. Tuần đầu mới mổ xong, người bệnh hoàn toàn bất tỉnh, công việc của chị là lo việc vệ sinh cá nhân, đêm phải ngồi thức trắng canh truyền thuốc. Nhiều ngày nay, bệnh nhân đã hồi tỉnh, chị Đoàn bận bịu hơn con mọn.
Sáng 6 giờ, chị chuẩn bị nước ấm rửa mặt, đánh răng cho người bệnh, rồi ăn sáng, uống thuốc. 9 giờ uống sữa, 11 giờ ăn trưa, 3 giờ uống uống sữa hoặc hoa quả, 18 giờ ăn chiều, 21 giờ lại uống một lần sữa nữa… Những lúc người bệnh “ú ớ”, biếng ăn, buồn nhớ người nhà, chị lại nựng nịu, kể chuyện, hát ru đến khéo.
Chị thật thà: “Ca bệnh của Duy Anh không nặng lắm, chị nhận thù lao 250 nghìn đồng/ngày. Nếu chăm những cụ già bị tai biến trên khoa đột quỵ, giá thường là 300 nghìn đồng/ngày. Chăm các cụ vất vả hơn, vì người già thường yếu rồi và khó tính lắm, nhất là cho ăn uống, vệ sinh.”
Cầm tờ báo, khẽ phe phẩy cho người bệnh, chị nựng nịu như nựng đứa con của mình: “Duy Anh có các bạn đến chơi này. Hôm nay, Duy Anh đã đỡ nhiều rồi đấy. Chốc nữa các bạn xem Duy Anh ăn hết bát cháo to và nói chuyện nữa nhỉ.”
Chị Đoàn nhớ lại mối duyên run rủi đưa mình đến với nghề này, năm 2008, chị theo người làng lên Hà Nội. Chân ướt chân ráo đến bệnh viện Việt Xô tìm việc, chị Đoàn chạm trán những đàn chị giở thói “ma cũ.” Hết dọa đuổi, với lý do “hết suất,” lại có người tỉ tê, rỉ tai “còn cửa” với thỏa thận tiền công chăm nom người bệnh sẽ phải “chia năm sẻ bảy.”
Không muốn sa thân vào chốn “chợ người,” chị Đoàn tìm đến Viện 108, quanh quẩn hỏi việc những người qua lại. Đến ngày thứ hai, chị may mắn được một gia đình đồng ý thuê chăm sóc cụ bà bị tai biến, nằm liệt giường. Đến nay, chị Đoàn không thể nhớ mình đã “làm người nhà” chăm sóc cho biết bao người bệnh rồi.
Chị tâm sự: “Làm ở viện, khó cũng là khó, dễ là do mình. Mình tận tâm với người bệnh, được người nhà tin tưởng, giao phó, các y tá và bác sỹ cũng tin cậy, không gây khó dễ gì.”
Thơm thảo nghề “nhẫn- nhịn”
Đến Viện Lão khoa, chúng tôi gặp cô Nguyên, nay đã ngoài năm mươi tuổi hiện làm quản lý gần ba mươi nhân viên cho công ty dịch vụ chăm sóc người bệnh ở viện. Những nhân viên ở đây, phần lớn cũng là phụ nữ quê Phú Thọ, Nam Định. Với ca chăm sóc 12 giờ và 24 giờ/người/ngày, ngoài phí ăn ở, nhân viên của công ty nhận mức lương từ ba đến năm triệu đồng/tháng.
Cô Nguyên chia sẻ: “Không phải ai cũng làm được nghề này, ngoài việc có tâm và cẩn thận ra thì tính cách phải nhẫn và nhịn. Người bệnh phần lớn là người già, lúc mê lúc tỉnh, khó chiều như trẻ con nếu không có nghiệp vụ và nghệ thuật thì chẳng làm được lâu dài.”
Hương, quê Nam Định, chăm sóc bệnh nhân ở Viện Lão khoa gần hai năm nay tâm sự: “Ban đầu, em được công ty cho vào việc học một tháng nghiệp vụ chăm sóc cơ bản. Cái khó, cái khổ nghề này có những những ngày ngồi trực truyền, đêm không được ngủ. Thật ra, nếu không có trách nhiệm với người bệnh, khó làm được như vậy lắm.”
“Làm nghề chăm sóc bệnh nhân, công việc nó triền miên nhưng mình được trân trọng, đồng lương nhận được lại ổn định và sứng đáng. Không xác định làm lâu dài, nhưng trước mắt ra mưu sinh ở thành phố cũng ít nghề nào môi trường tốt và thu nhập khá đến như thế,“ Hương thành thật.
Cũng theo chị Đoàn, Viện 108 hiện là “mảnh đất” vàng cho những người phụ nữ quê mưu sinh bằng nghề chăm sóc bệnh nhân. Hiện có khoảng gần hai mươi người chăm sóc bệnh nhân rải rác ở các khoa. Do uy tín, “tiếng lành đồn xa” mà người làm không xuể, nên những người làm ở đây tháng chơi không mấy ngày.
Như trường hợp chị Đoàn, cũng vì nhiều người gọi điện nhờ cậy, chị đưa bé Nhung, cô con gái lớn, 19 tuổi lên viện đỡ đần giúp mẹ. Từ mười ngày nay, Nhung theo một gia đình, chăm sóc một bé gái bị liệt với thù lao 170 nghìn đồng/ngày, đã tính ăn ở.
Thương con còn nhỏ, chẳng biết có chịu được vất vả không, nhưng chị nghĩ ở quê dù đầu tắt mặt tối cũng chẳng thể kiếm được 5, 7 triệu đồng/tháng. Riêng bé Nhung thì vui ra mặt, chẳng tỏ ra nhớ nhà, than vãn vất vả, vì mới tí tuổi đầu đã giúp mẹ kiếm được số tiền, mà ở quê có mơ chẳng được…
Chị tâm sự: ““Quan trọng nhất nghề này là tâm với người bệnh. Đừng nghĩ đó là công việc phải làm. Mình thương họ như bố mẹ, con em. Lúc trả cả chục triệu đồng tiền công, họ cũng tôn trọng, quý mến, nhiều người coi mình như ân nhân còn biếu quà, thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm và giới thiệu các ca bệnh khác.”
Những ngày đầu, chị chăm chú xem y tá sát trùng, rửa vết thương, chị kết hợp những bài thuốc dân gian như rửa bằng lá chè xanh, tìm mua quả Hoàng Bá, ngâm để làm nước súc miệng… “Ai bệnh tật đều tội nghiệp, chẳng có người nhà ở bên mình càng hết sức, hết lòng”. Cứ thế, sau mỗi một ca chăm sóc, số điện thoại của chị lại được những người trước giới thiệu, nhiều người tin và nhờ cậy.
Chị nghèn nghẹn khi nhớ lại một kỷ niệm cách đây đã lâu: “Chị ấy tên Hoa. Đẹp và còn trẻ nhưng đáng thương lắm, bị ung thư giai đoạn cuối mà gia đình bên nội không đoái hoài. Em gái của chị thuê mình, trả công hẳn hoi nhưng mỗi khi có gia đình chồng đến, mình phải trốn đi. Lắm lúc lén lút như ăn trộm, khổ quá, mình xin nghỉ…
Tìm được bệnh nhân khác rồi, mà mình đành nhường cho người khác, vì chị khóc, nằn nì: “Đoàn ơi, em đừng bỏ chị. Đời chị giờ chỉ còn ít ngày ngắn ngủi, trông cậy hết cả vào em thôi…”
Chị ngại ngần, cho biết đã hai Tết rồi chị chưa về nhà thăm con. “Chăm ngày Tết em biết chị nhận được bao nhiêu không? 600.000 đến 800.000 đồng cơ, nhiều tiền thế chị nhịn Tết cũng được.”
Chị long lanh ánh mắt, khoe với chúng tôi: “Nghề chăm sóc người bệnh như chị cũng coi như ăn nhờ ở đậu trong viện, chẳng tiêu pha gì. Mỗi tháng chị và con dành dụm được hơn 9, 10 triệu đồng. Cách đây hai tháng, từ số tiền chăm sóc người bệnh mà chị đã cất được ngôi nhà xây hai tầng nho nhỏ ở quê cho mẹ già, con thơ an tâm tránh lúc mưa bay, gió nổi.”./.
Bài tiếp: Thượng đế “buôn thúng bán mẹt” thời… A lô
Đặng Thị (Vietnam+)