Đảng cầm quyền chiến thắng trong bầu cử Quốc hội Mali

Đảng Đại hội Mali của Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita và các đảng liên minh đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội.

Theo kết quả sơ bộ do Chính phủ Mali công bố ngày 17/12, Đảng Đại hội Mali của Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita và các đảng liên minh đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vòng hai hôm 15/12 vừa qua ở quốc gia Tây Phi này.

Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Quản lý Lãnh thổ Moussa Sinko Coulibaly cho biết Đảng Đại hội Mali (RFM) cùng các đối tác nhỏ đã giành 115/147 ghế tại Quốc hội.

Trong khi đó, Liên đoàn vì nền cộng hòa và dân chủ (URD), đảng của ứng viên tổng thống thất cử Soumaila Cisse sẽ có khoảng 17-19 nghị sỹ trong quốc hội khóa mới. Ông Cisse cũng kỳ vọng sẽ trở thành người đứng đầu phe đối lập.

Vòng hai của cuộc bầu cử Quốc hội Mali là lần bỏ phiếu trên toàn quốc lần thứ tư trong vòng chưa đầy năm tháng. Tỷ lệ cử tri Mali đi bỏ phiếu lần này là 37,2%, giảm so với tỷ lệ 38,6% tại vòng một diễn ra ngày 24/11 vừa qua. Một số quan sát viên cho rằng việc phải liên tiếp đi bỏ phiếu đã khiến tỷ lệ cử tri giảm.

Bên cạnh đó, tuy không có vụ xô xát nghiêm trọng nào bùng phát trong vòng 10 tiếng diễn ra cuộc bầu cử, song nhiều cử tri được cho là đã không đi bỏ phiếu do xuất hiện một làn sóng tấn công binh sỹ châu Phi làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử cùng với binh sỹ Pháp và Mali.

Ông Louis Michel, trưởng ban quan sát viên bầu cử của Liên minh châu Âu (EU) tại Mali cho biết ủy ban này đã đánh giá tích cực 98% trong số 705 điểm bầu cử được theo dõi, đồng thời khẳng định khuôn khổ pháp lý của cuộc bầu cử Quốc hội Mali "phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về bầu cử dân chủ."

Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Catherine Aston kêu gọi mọi ứng viên và đảng phái liên quan đến cuộc bầu cử ở Mali chấp nhận kết quả bỏ phiếu.

Cuộc bầu cử này đánh dấu việc Mali hoàn tất quá trình quay trở lại nền dân chủ sau khi bị chấn động bởi cuộc đảo chính hồi năm 2012. Sau đó, vùng lãnh thổ phía Bắc nước này bị phiến quân Hồi giáo có quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda chiếm đóng, song đã được lực lượng Pháp giải phóng hồi tháng 1/2013.

Các cuộc bầu cử trước ở Mali từng thất bại do bị cáo buộc gian lận trên diện rộng và kết quả chỉ trở thành chính thức sau khi được tòa án hiến pháp nước này xác nhận./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục